Ho gà diễn biến phức tạp

Giang Hương 17/04/2017 14:27

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương gửi về Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay tại bệnh viện đã ghi nhận 55 trường hợp nhập viện do mắc ho gà và đã có  5 trường hợp bệnh nhân tử vong. Đáng lo ngại, số ca mắc có xu hướng gia tăng trong thời gian qua do điều kiện thời tiết mùa đông-xuân ở các tỉnh phía Bắc thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Tiêm vắcxin là cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ.

Ghi nhận nhiều ca bệnh dưới 2 tháng tuổi

Các bệnh nhân mắc bệnh rải rác ở các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Cao Bằng, Nam Định, Nghệ An, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam.

Các trường hợp tử vong gồm 1 trường hợp ở Hà Nội, 1 trường hợp ở Nam Định, 1 trường ở Cao Bằng, có 2 trường hợp xin về ở Nam Định và Nghệ An. Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ho gà đều là trẻ em dưới ba tháng tuổi (chiếm tỷ lệ 80%). Đây là các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc mới chỉ được tiêm một mũi vắcxin phòng bệnh ho gà.

Hiện số ca mắc chỉ ghi nhận rải rác, trong đó Hà Nội nhiều nhất: 10 ca, Nam Định: 5 ca…Dù vậy, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cũng lưu ý trong vài năm gần đây, ghi nhận nhiều ca bệnh ở trẻ dưới 2 tháng tuổi- chưa đến tuổi chỉ định tiêm mũi 1.

Theo TS Trần Đắc Phu, về nguyên tắc, trong 2 tháng đầu trẻ được bảo vệ nhờ miễn dịch từ mẹ truyền sang. Trong trường hợp này, các bà mẹ không được tiêm phòng, cũng không từng mắc ho gà nên không có miễn dịch, vì thế trẻ sinh ra cũng không có miễn dịch. Bởi vậy những trường hợp mắc dưới 2 tháng tuổi là rất đáng lo ngại.

Trước đó, ngày 18-8-2016, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã cảnh báo về tình hình dịch bệnh ho gà tại Cao Bằng. Theo đó, từ ngày 22-7 đến 11-8, ngành y tế khám gần 170 người có biểu hiện viêm đường hô hấp tại 3 xóm Cà Đổng, Cà Mèng và Cà Pẻn A thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm; ghi nhận 49 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng điển hình với bệnh ho gà.

Trong đó, nhiều nhất là xóm Cà Đổng có 34 người. Kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) có 4 mẫu dương tính với ho gà trong số 18 mẫu bệnh phẩm.

Theo Bộ Y tế, số mắc ho gà là trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi có xu hướng tăng trong các năm gần đây. Trong năm 2015, lứa tuổi này chiếm đến 56,5% số mắc ho gà nhập viện. Đây là nhóm trẻ có biến chứng nặng, nguy cơ tử vong rất cao.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 55 ca mắc ho gà vào điều trị (cùng kỳ 2015 chỉ có 10 trẻ), hầu hết là các trẻ 2 - 3 tháng tuổi.

Biểu hiện của bệnh

Ho gà là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh gây nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra.

Thời kỳ ủ bệnh của ho gà là từ 2-30 ngày (trung bình 5-12 ngày). Thời kỳ khởi phát thường từ 3-14 ngày với các biểu hiện: Sốt nhẹ, từ từ tăng dần, kèm theo đó là các triệu chứng viêm long đường hô hấp như ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn.

Thời kỳ toàn phát thường kéo dài 1-2 tuần: Xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ, cả ngày và đêm, ho nhiều về đêm. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: ho, thở rít vào và khạc đờm.

Khi đó bệnh nhân thường ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Kèm theo đó là thở rít vào, thường xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít. Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà.

Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Kèm theo có thể thấy một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ hoặc hoặc không sốt, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy một số ran phế quản (ran rít, ngáy).

Theo PGS.BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, biểu hiện và triệu chứng ban đầu của ho gà thường giống với viêm phế quản thông thường khiến gia đình không biết, chỉ đưa con vào bệnh viện khi bệnh đã diễn biến nặng, đe dọa tử vong, bởi vậy các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, theo dõi sát các diễn biến bệnh tình của con để kịp thời đưa đến bệnh viện điều trị.

Theo PGS.BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Hiện tại ho gà đang có xu hướng tăng, do đó các bậc cha mẹ cần lưu ý đến sức khỏe của bé. Nên đưa đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng, sớm. Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 - 2 tháng tuổi vì ho gà ở các bé mới sinh không dễ phát hiện. Không quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan vì ngay cả khi bé chỉ được chăm sóc tại nhà cũng vẫn có thể lây vi khuẩn ho gà từ thành viên trong gia đình bởi người lớn có thể mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh.

Nỗ lực phòng bệnh

Để phòng bệnh, TS Phu khuyến cáo, cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi (có thể tiêm dịch vụ hoặc tiêm miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các xã, phường), không nên trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa từng mắc ho gà thì có thể tiêm vắcxin dịch vụ phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván để tạo miễn dịch; tiêm cho người trong độ tuổi 6-64.Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn khẩn yêu cầu các sở y tế tăng cường phòng, chống bệnh ho gà.

Theo đó, y tế các địa phương thực hiện triệt để việc tiêm vắc xin, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95% ở quy mô xã, phường; tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm, kiên quyết xóa các vùng lõm trong tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu thực hiện giám sát chủ động, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, không để dịch bùng phát; triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, nhà trẻ đề phòng nguy cơ lây bệnh...

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo để phòng chống bệnh ho gà, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh ho gà (vắcxin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch của bác sĩ.

Giang Hương