Về việc nhiều học sinh Nghệ An viêm cầu thận cấp: Do nhiễm liên cầu khuẩn

Bình An 13/04/2017 14:45

Một tháng sau khi xảy ra việc học sinh tử vong do bị viêm cầu thận ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, ngành chức năng đã có kết luận xác minh nguyên nhân sự việc. 98% người dân ở xã Hạnh Dịch đã được uống thuốc dự phòng.

Khám sàng lọc xác định nguy cơ bệnh cho các em học sinh xã Hạnh Dịch.

Trước đó, Trạm Y tế xã Hạnh Dịch tiếp nhận 2 trường hợp, đều học tại trường tiểu học-THCS Hạnh Dịch, đến khám tại Trạm với triệu chứng phù, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu. Đến ngày 20-1, số ca mắc bệnh ở trường Hạnh Dịch đã lên đến 20 em với các triệu chứng tương tự. Sau đó, hai em học sinh là anh em ruột đã tử vong.

Theo cô Lang Thị Tuyển - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch, toàn trường có 175 học sinh, 19 cán bộ, giáo viên. Sự việc lần đầu xảy ra tại trường khiến cho phụ huynh, giáo viên đều lo lắng. Để trấn an, trường đã cử giáo viên đến tận nhà người dân tuyên truyền, động viên. Trường cũng đã kiểm tra việc ăn uống đối với học sinh bán trú.

Hạnh Dịch là một xã nghèo, hiện vẫn chưa có hệ thống nước sạch, nước sinh hoạt người dân đều lấy nước từ khe suối đầu nguồn về sử dụng. Một số người dân lo lắng cho rằng các em bị bệnh là do nguồn nước.

Còn chẩn đoán ban đầu của cơ quan y tế địa phương là các bệnh nhân nói trên bị viêm cầu thận cấp, nhiều khả năng do liên cầu khuẩn nhưng không loại trừ các nguyên nhân khác từ thức ăn, nước uống, hóa chất.

Sau khi sự việc xảy ra, đoàn công tác của Bộ Y tế gồm các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… đã vào xã Hạnh Dịch thực hiện điều tra.

Qua điều tra đoàn công tác của Bộ Y tế xác định: Nguyên nhân gây các ca bệnh viêm cầu thận là do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Về 2 trường hợp tử vong là do bị viêm cầu thận ở thể tiến triển nhanh và gia đình không theo đuổi điều trị đến cùng. Có 11/20 trường hợp đủ tiêu chuẩn chẩn đoán xác định viêm cầu thận cấp.

Kết luận cũng cho thấy,​ chùm ca bệnh ở xã Hạnh Dịch không có hiện tượng bùng phát mạnh, trung bình mỗi tháng có vài trường hợp. Trên thực tế, viêm cầu thận do liên khuẩn không phải bệnh lạ, mà vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương, ở nhiều trẻ bị chốc lở, viêm họng.

Để điều trị và phòng bệnh, hiện ngành y tế Nghệ An đã phối hợp cùng huyện Quế Phong, bộ đội biên phòng tổ chức giám sát, phát hiện bệnh trong cộng đồng; tiếp tục quản lý và điều trị dự phòng cho các trường hợp đã được chẩn đoán, điều trị ổn định và ra viện để tránh tái phát.

Đồng thời tổ chức uống thuốc dự phòng bằng Penicillin V cho toàn thể giáo viên và học sinh của 2 điểm trường có nhiều ca bệnh, người trong gia đình của các bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định và các bệnh nhân nghi ngờ. Tính đến ngày 27-2 đã có 98% người dân ở xã Hạnh Dịch được uống Penicillin V.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh viêm cầu thận hiệu quả, nên để phòng bệnh chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Khi thấy mình và người thân có triệu chứng như viêm họng, nhiễm trùng mủ trên da cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam để chữa viêm cầu thận cấp vì điều đó rất nguy hiểm, khiến bệnh nhẹ có thể diễn biến nặng hơn.

Viêm họng là một bệnh phổ biến trong cộng đồng, tần xuất mắc bệnh là khoảng 49% dân số và tỷ lệ này tăng lên khá nhiều ở trẻ em dưới 7 - 8 tuổi. Có tới 200 chủng virus gây viêm họng và thường tự khỏi nếu sức đề kháng của cơ thể tốt. Ngược lại nếu cơ thể yếu, sức đề kháng giảm, người bệnh có thể bị bội nhiễm các vi khuẩn. Trong đó nguy hiểm nhất là loại liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.

Bình An