Lễ cúng rừng
Cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam có tục cúng rừng rất độc đáo. Thông qua những lễ cúng thần rừng, bà con người Nùng, người Thu Lao, người Pu Péo, người Hà Nhì… gửi gắm mong ước về một cuộc sống ấm no, đoàn kết, mọi người khỏe mạnh, thôn bản không dịch bệnh; cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Vào rừng thiêng.
“Lau pỉn phù” của người Phù Lá
Người Phù Lá ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) gọi lễ cúng rừng hằng năm là “Lau pỉn phù”. Người Phù Lá quan niệm, thần rừng luôn có vai trò rất quan trọng trong đời sống của họ, là nơi che chở cho cuộc sống con người, con người khai thác các sản vật trong rừng để nuôi sống bản thân, rừng là nơi sinh sôi nảy nở ra sự sống muôn loài muôn vật, do vậy muốn có cuộc sống ấm no hạnh phúc tránh được tai ương vận hạn thì phải làm lễ cúng thần rừng.
Địa điểm làng tổ chức lễ cúng là nơi cố định, nơi này thường ở ngoài sát rừng, có mặt bằng rộng, thuận lợi cho việc tụ tập của dân làng trong lễ cúng rừng.
Theo đó, “Lau pỉn phù” thường được bà con tổ chức vào ngày mùng 2-2 âm lịch, do già làng đứng ra lo liệu chủ trì cho lễ cúng. Mọi người trong bản, trong làng đều tham gia dưới sự phân công của già làng.
Tại địa điểm cúng bà con dựng lên một bàn thờ làm bằng tre, nứa có 4 chân cao khoảng 1m, dài khoảng 1m, trên mặt trải bằng nứa bàn thờ rộng 1m, dài 2m, và cắt gianh về để trải lên trên mặt bàn thờ, tuy nhiên phải chọn gianh không bị cụt ngọn.
Các lễ vật đều phải chuẩn bị đầy đủ từ ngày hôm trước, những người được cắt cử vào nhiệm vụ đầu bếp sẽ chuẩn bị đắp bếp, xoong chảo, bát đĩa; các lễ vật như trâu, ngựa hoặc lợn phải mổ từ ngày hôm trước, để sáng hôm sau tiến hành lễ cúng từ sớm.
Bà con người Nùng ở xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì - Hà Giang) dâng lễ vật cúng rừng.
Từ ngày 30 tháng Giêng (tức là trước ngày diễn ra lễ cúng rừng 2 ngày) trưởng bản phải đi tìm lấy cây “chả mù sài” về đẽo thành một cây kiếm gỗ, dài khoảng 70cm, sau đó bôi than đen vào kiếm, đồng thời tập hợp các trẻ con (khoảng 10 - 15 đứa trẻ), đến ngày diễn ra lễ cúng sẽ bôi than đen vào mặt, ngoài ra ông ta còn phải làm 2 mảnh mấu tre để làm vật xin âm dương trong khi cúng.
Trong lễ “Lau pỉn phù” của người Phù Lá, thầy cúng thường chính là vị già làng, trưởng bản… Trong khi diễn ra và sau khi kết thúc lễ cúng người Phù Lá đều phải tuân thủ theo những điều kiêng kỵ và những quy ước của làng bản đã được mọi người thông qua như: nghiêm cấm chặt phá khu rừng cấm của làng bản, khi diễn ra lễ cúng rừng những người phụ nữ bụng mang dạ chửa, mới sinh con hay đang trong kỳ kinh nguyệt đều không được phép tới địa điểm cúng rừng, vì người Phù Lá cũng như nhiều dân tộc khác quan niệm điều đó sẽ làm ô uế đến bàn thờ cúng và phạm đến các vị thần như thần rừng, thổ địa… sẽ khiến các vị thần nổi giận và trừng phạt cả làng.
Sau lễ cúng rừng ai về nhà nấy, họ sẽ kiêng 3 ngày không đi làm, không ai đến nhà ai, cả làng sẽ cấm cổng làng, không cho người lạ bước chân vào làng, không ai được nói tiếng dân tộc khác ở trong làng mình trong 3 ngày cấm làng.
Lễ cúng khu rừng Gà Ma Dó
Cũng ở địa bàn tỉnh Lào Cai, nhưng người Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát chọn ngày Thìn đầu tiên của tháng 2 âm lịch để tổ chức lễ cúng rừng. Khu rừng cấm Gà Ma Dó có vị trí rất quan trọng đối với bà con ở đây. Hằng năm, bà con người Hà Nhì tổ chức lễ cúng khu rừng cấm Gà Ma Dó nhằm tạ ơn rừng thiêng, cầu mong thần rừng phù hộ cho người an, vật thịnh, mùa màng bội thu.
Theo bà con, lễ cúng thường tổ chức vào đầu giờ chiều. Khi đó, nam giới sẽ vào rừng cấm để làm lễ cúng thần Gà Ma Dó, là thần bản mệnh của thôn. Tất cả giày, dép đều phải để ngoài bìa rừng.
Trong lễ cúng rừng hàng năm ở trước cửa rừng, người dân đặt một cây nứa, tiếng địa phương gọi là “ta leo” (biển cấm vào rừng). Đặc biệt, trong một năm có 3 ngày cấm rất nghiêm ngặt để dân làng làm lễ cúng rừng, cúng làng.
Trên chiếc “ta leo” những ngày cúng rừng, dân làng gắn chiếc móng lợn, ai mà làm xoay cái móng lợn này sẽ bị phạt. Bà con quan niệm, mấy ngày đó là dành cho ma cỏ, ma củi các thứ, người lạ không được vào. Qua 3 ngày đó mới được vào rừng...
“Mo đổng trư” của người Nùng
Với bà con người Nùng ở xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì - Hà Giang), Lễ cúng rừng được gọi là “Mo đổng trư”. Cứ đến ngày 2-2 âm lịch hằng năm, bà con lại cùng nhau tổ chức “Mo đổng trư” trong một ngôi miếu trên đỉnh núi tại rừng cấm. Khu rừng cấm này nằm ở thôn Thu Mưng.
Trong không gian thiêng của khu rừng cấm, tất cả mọi người tham gia lễ “Mo đổng trư” đều tự nguyện tuân thủ quy định: Không nói tục chửi bậy, không khạc nhổ, phóng uế, kể cả trong ăn uống, ai cũng từ tốn giữ mình, không rượu chè quá chén kẻo nhỡ mồm miệng mà động chạm đến các thần.
Và, còn một điều cấm kỵ tuyệt đối với phụ nữ, trẻ nhỏ không được đặt chân lên khu rừng cấm trong suốt quá trình diễn lễ cúng, tất cả mọi việc từ chuẩn bị lễ, chế biến thức ăn đều do đàn ông đảm nhiệm.
Sau khi việc tế lễ kết thúc, thầy chủ tế và các bậc cao niên, các trưởng thôn trong xã sẽ hưởng thụ trước các món chín để làm phép, còn toàn bộ số thịt được mang đi chế biến thành các món ăn để mọi người trong bản cùng thụ lộc.
Ngay sau khi tổ chức xong việc cúng tế, bà con trong bản tham gia các trò hội, múa những điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Nùng. Năm nay, Lễ cúng rừng của người Nùng xã Pố Lồ được tổ chức to hơn, vui hơn và ý nghĩa hơn bội phần khi được Bộ VHTT&DL chứng nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đây không chỉ là động lực để bà con người Nùng huyện Hoàng Su Phì tiếp tục bảo tồn, gìn giữ bản sắc dân tộc mà qua đây còn giúp cho xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì làm tốt hơn công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng của địa phương.
“Mủ đẳng mai” của người Thu Lao
Người Thu Lao sống tương đối biệt lập, chính điều này đã tạo nên nhiều nét riêng biệt về văn hoá. Làng của người Thu Lao quần tụ ở các triền núi. Tại đó còn có khu rừng thiêng tên gọi Lùng sảng, được dân làng suy tôn làm thần bảo hộ của cộng đồng.
Bà con người Thu Lao xã Tả Gia Khâu (Mường Khương - Lào Cai) quan niệm, rừng thiêng là nơi trú ngụ của thần linh - người che chở, phù hộ và bảo vệ cho bản làng được bình yên, các thành viên có sức khỏe, đoàn kết, vật nuôi sinh sôi phát triển, cây trồng tươi tốt, mùa màng bội thu... Vì vậy, rừng thiêng được đồng bào bảo vệ nghiêm ngặt.
Lễ cúng rừng (Mủ đẳng mai) của người Thu Lao, được tổ chức mỗi năm 2 lần, tại khu rừng thiêng đầu thôn, vào ngày cuối cùng của tháng Giêng (Đẳng đổng mai) và ngày cuối cùng tháng Năm (Đuổn chặc). Lễ cúng vào mùa xuân được thực hiện tại gốc cây mẹ (nắc minh nhừng) - thần rừng vợ, cầu cho vật nuôi không bị dịch bệnh, ốm chết (sau lễ cúng sẽ cấm “bang”, cấm bản 3 - 4 ngày).
Lễ cúng vào mùa hạ được thực hiện tại gốc cây bố (na bu gio)- thần rừng chồng, cầu mong thần rừng phù trợ cho “người yên, vật thịnh”, cầu cho mùa màng tươi tốt, không cho gió vào làng, vào nương vào ruộng, bông lúa không trắng (sau lễ cúng không cấm bản)...
Trong lễ cúng rừng mùa hạ, người biết làm các trò chơi dân gian được giao nhiệm vụ làm mặt nạ, cột đu, cà kheo, con quay, cầu lông gà, cầu tròn... để cộng đồng vui chơi sau ngày lễ. Mặc dù, tổ chức vào 2 thời điểm khác nhau nhưng các nghi thức, nghi lễ được thực hiện giống nhau.
Theo quy định, mỗi năm luân phiên hai chủ gia đình chịu trách nhiệm mua sắm lễ, nấu nướng chính trong khu rừng cúng. 2 người này là người phụ trợ cho 2 thầy cúng khi hành lễ với thần rừng…
Trong lễ cúng rừng cấm, thành phần tham gia là đại diện các gia đình trong thôn, mỗi gia đình một người phải là nam giới, không phân biệt tuổi tác, mặc quần áo chỉnh tề màu đen, đội khăn hoặc mũ, đi giày hoặc dép, không được để đầu trần vì như vậy là bất kính với thần linh; người dân tộc khác không được tham gia; khi bước vào khu rừng, hạn chế nói chuyện và cấm nói to vì sợ làm động đến thần rừng, bị thần quở trách.
Lễ cúng rừng cấm của người Thu Lao là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đã hình thành từ lâu đời, được trao truyền qua các thế hệ cho đến ngày nay.
Hằng năm, cộng đồng duy trì, tổ chức lễ cúng theo truyền thống xưa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đồng bào.
Với những giá trị đặc sắc mà người dân còn lưu giữ và thực hành, Lễ cúng rừng của người Thu Lao đã được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2067/QĐ-BVHTT&DL ngày 13-6-2016.
Người Pu Péo làm lễ cúng thần rừng Người Pu Péo ở Hà Giang từ lâu cũng đã duy trì tục cúng thần rừng. Theo quan niệm của người Pu Péo, thần rừng được coi là một vị thần che chở dân làng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Mỗi làng bản của người Pu Péo đều có một khu rừng cấm riêng. Lễ cúng rừng là dịp để người dân gửi gắm những mong ước, những hi vọng cho một năm mới no đủ, gia đình mạnh khỏe... Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, tục cúng thần rừng còn là dịp giáo dục ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên xung quanh con người. |