Không để tình trạng nợ đọng văn bản

N.Khánh 18/04/2017 08:10

Tiếp tục tinh thần ráo riết “đòi nợ”văn bản pháp luật, ngày 17/4, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 Bộ về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chỉ ra có những thông tư chậm đến hơn 3 năm, khiến dư luận hiểu rằng ban hành cũng được, không ban hành cũng được.

Về việc thông tư của Bộ Công thương chậm 7 tháng 17 ngày liên quan đến Pháp lệnh quản lý thị trường, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện dự thảo Thông tư đã hoàn thành và tuân thủ theo quy trình xây dựng văn bản. Tuy nhiên, nội dung Thông tư phụ thuộc vào mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường các cấp trong Đề án cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương và Nghị định thay thế Nghị định 95 của Chính phủ. Do đó, sau khi có quy định về mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công thương sẽ ban hành Thông tư này.

Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2015 mà đến giờ Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn các biểu mẫu báo cáo lập, theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vẫn chưa được ban hành. “Chậm hơn 2 năm là quá chậm”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu hạn cuối cùng của Thông tư này là ngay trong tháng 4. Nợ nần nhiều nhất là Bộ Y tế khi Bộ này hiện đang nợ 1 Nghị định và 7 Thông tư liên quan đến Luật Dược và Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế hứa trong tháng 4 này sẽ trả nợ một số Thông tư như Thông tư ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang nợ Nghị định quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu mà Tổ công tác của Thủ tướng gia hạn cho Bộ phải trình trong tháng 3.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết Nghị định này còn quá nhiều vấn đề, giẫm chân nhau giữa các Bộ nên Bộ đang phải thẩm định. Bộ Tài chính mặc dù còn nợ 4 Nghị định và 1 Thông tư nhưng đều vì những lý do khách quan và được Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá là tích cực trong “trả nợ”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, “muốn thực hiện cam kết xây dựng Chính phủ kiến tạo thì không thể để nợ văn bản pháp luật. Các Bộ cùng phải chung tay tập trung xử lý khẩn trương các vấn đề còn vướng mắc”...

Được biết, 17 văn bản đang đứng trước nguy cơ chậm bao gồm 8 Nghị định, 2 Quyết định và 7 Thông tư cần ban hành để thực hiện các Luật, Pháp lệnh có hiệu lực từ 1/6/2017 và 1/7/2017.

N.Khánh