Cái nhỏ thì miễn, còn cái lớn không đề cập là chưa thỏa đáng
Ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo chỉnh lý Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhìn vào chính sách hỗ trợ của Luật, theo Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cái nhỏ thì miễn còn cái lớn không đề cập đến là chưa thỏa đáng.
Cần khung hỗ trợ
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cho rằng, qua lấy ý kiến đại diện của 300 doanh nghiệp (DN), cộng đồng DN chưa hài lòng và cần hoàn thiện đề xuất sửa đổi cụ thể. Đây là Luật quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng sau Đại hội 12 và Nghị quyết 35, 19 của Chính phủ nhưng Luật lại chưa đáp ứng được tinh thần đó, tinh thần thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp chưa thể hiện trong Dự thảo Luật. Tình trạng Luật khung, Luật ống nhưng cũng phải có quy chuẩn định mức thời gian rõ ràng, nhiều quy định lặp lại. Vì sử dụng vốn nhà nước phải theo Luật Ngân sách, hay thực hiện đúng cam kết với Nhà nước thì là đương nhiên. Theo ông Lộc, cần có chính sách hỗ trợ cho việc chuyển từ hộ kinh doanh thành DN.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, mong muốn đưa hộ kinh doanh phát triển thành DN, nhưng có 2 nội dung quan trọng không nói đến. Ví dụ hộ kinh doanh khó khăn cần vay vốn nhưng rất khó tiếp cận vốn vay, họ thường phải vay nóng, tín dụng đen. Vậy hộ kinh doanh phát triển được thành DN được vay vốn bao nhiêu? Mặt bằng sản xuất, sao Nhà nước không hỗ trợ đầu tư Nhà xưởng rồi cho thuê lại chứ ai cũng vào đòi đất xây khu công nghiệp thì môi trường như thế nào?... “Chúng ta khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN nhưng hỗ trợ đăng ký kinh doanh thì giờ đã đăng ký kinh doanh qua mạng hay hỗ trợ thuế môn bài là cái nhỏ, tức là cái nhỏ thì miễn còn cái lớn không đề cập đến là chưa thỏa đáng”- ông Phúc bày tỏ.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hiện DN khó tiếp cận đất và mặt bằng sản xuất do giá cao nên muốn vào khu công nghiệp giải quyết được điện, nước, môi trường. Nhà nuớc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mặt bằng ưu đãi hơn nhưng nguồn lực chưa cho phép cho nên để cho địa phương tạo điều kiện và giảm thuế suất.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, UBTVQH thống nhất với 3 tiêu chí đánh giá phân loại doanh nghiệp như: doanh thu, vốn, lao động, riêng trần lao động là 200 lao động là hợp lý, nhưng cần tham gia BHXH để bảo vệ quyền lợi của người lao động và đề cao trách nhiệm của giới chủ sử dụng lao động. Đồng tình về 3 mức hỗ trợ nhưng ông Hiển đề nghị cần có trọng tâm trọng điểm, có thời gian và phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện chung của đất nước.
Liệu có kịp sửa 32 Luật?
Cùng ngày UB TVQH cho ý kiến về báo cáo chỉnh lý Luật Quy hoạch. Vấn đề được nhiều ĐB băn khoăn liệu có kịp sửa 32 Luật có liên quan để thực hiện khi Luật Quy hoạch được ban hành. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Chúng ta phải sửa các Luật khác mà hiện các Luật khác chưa trình để sửa vậy có đảm bảo tiến độ không? Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện đã nghiên cứu đưa ra danh mục các Luật, sửa cách gì, phương án hoàn thiện sửa như thế nào cho đồng bộ và khả thi để các luật khác theo cho phù hợp với Luật Quy hoạch. Ông Dũng đề xuất nếu Quốc hội cho phép trình 1 Luật sửa 28 luật thì tính khả thi cao hơn, còn 4 Luật phức tạp như: xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường phải sửa căn cơ nên đã có chương trình Chính phủ báo cáo với Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng không trả lời ngay câu hỏi của bà Nga được vì 32 Luật nhưng đọc thấy mới là rà soát bước đầu, tính ra thấy có liên quan đến 178 điều.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị cần phải giải quyết mối quan hệ giữa Luật này với các luật liên quan, rà soát, hủy bỏ những nội dung của các Luật hiện hành trái với quy định Luật này để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, Luật cần có phương án xử lý các quy hoạch đã được phê duyệt khi Luật này có hiệu lực.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng Đề án rà soát tổng thể các quy hoạch hiện hành với lộ trình phù hợp để từng bước điều chỉnh bằng các chính sách, quy định pháp luật để đến năm 2020 có thể thực thi đồng bộ các quy hoạch theo Luật quy hoạch. “Chính phủ đã họp và có Nghị quyết theo hướng bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và năm 2018 việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch tại 32 Luật này”-ông Thanh cho hay.
Kết lại nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, Luật này là Luật khung nên chỉ nêu nguyên tắc. Khi thông qua sẽ tiếp tục sửa 32 Luật khác tiếp theo, ngoài ra cần bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh quy hoạch vùng trời, phương pháp lập quy hoạch. Do đó cần hoàn chỉnh báo cáo chỉnh lý tiếp thu theo tinh thần UBTVQH nêu để trình ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tới.