Sống lay lắt bên dự án - Bài 1: Dân khổ, chủ đầu tư vẫn quyết làm

Hạnh Nguyên 18/04/2017 08:35

Dự án mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên diện tích gần 3.900ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) với gần 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Đây là dự án được xem là có lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, bắt đầu triển khai từ tháng 9-2009 với kỳ vọng sẽ biến Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng của cả nước và là trung tâm khai thác luyện cán thép lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm kể từ ngày khởi công, Thủ tướng Chính phủ đã có thông bá

Sau 6 năm tạm dừng dự án, cuộc sống của người dân vùng ảnh hưởng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê vẫn đang trong tình trạng “sống dở, chết dở”. Trong khi, sự cố môi trường vừa xảy ra đúng 1 năm, cư dân vùng bãi ngang vốn đã khốn khổ nay lại đối mặt với thông tin tái khởi động dự án lớn nhất Đông Nam Á này khiến người dân không khỏi bất an.

Tụt nước ngầm, hoa màu của người dân Thạch Khê hư hỏng.

Người dân bó tay

Về các xã vùng ảnh hưởng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về hệ lụy của dự án. Hàng chục hecta đất nông nghiệp bị bùn, cát vùi lấp; nước ngầm bị tụt khiến cây cối, hoa màu chết khô; ô nhiễm môi trường; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư chậm…tất cả đã kéo lùi sự phát triển của các xã bị ảnh hưởng bởi dự án.

Cánh đồng màu 13ha của thôn Long Tiến – xã Thạch Khê (ngay cạnh mỏ sắt) nằm trong diện đền bù, tuy nhiên do chưa được nhận tiền nên mấy năm nay người dân trong thôn vẫn tranh thủ sản xuất. Theo ông Trần Xuân Hồng, Trưởng thôn Long Tiến thì cánh đồng này chỉ có khoảng 5ha là còn có thể canh tác, còn lại gần 2ha bỏ hoang và 5,2ha thì sản xuất cầm chừng. “Do mỏ sắt khai thác nên bị tụt nước ngầm, đất có nhưng không thể sản xuất. Toàn thôn có 122 hộ thì có 22 hộ mất hoàn toàn đất sản xuất, nhà tôi có tất cả 6 sào nhưng mất tới 5 sào, chỉ còn 1 sào để trồng lạc. Số đất bỏ hoang thì thỉnh thoảng bị người dân trộm cát về bán hoặc xây dựng, xóm cũng không thể quản lý được”- ông Hồng nói.

Sống lay lắt là tình trạng của người dân xã Thạch Hải, bởi hệ lụy của dự án khiến đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Do nằm ngay cạnh bãi thải của Dự án mỏ sắt Thạch Khê nên thôn Thượng Hải bị đất cát lấp hết đất sản xuất. Đang cố vớt vát miếng đất nhỏ bị bùn, cát phủ dày từng mảng, ông Võ Văn Luận than thở: “Không có đất để làm nữa tôi đành mở miếng nho nhỏ này để trồng ít rau nhưng cũng không hy vọng gì”.

Không những thiếu đất sản xuất mà đến đất ở cũng không được cấp nên người dân Thạch Hải phải “ở dồn”. Bà Nguyễn Thị Vựng- thôn Thượng Hải ngậm ngùi chia sẻ: “Nhà tôi có 9 người với 3 thế hệ sống trong một ngôi nhà nhỏ nên rất phức tạp. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu cấp đất để tách hộ nhưng không được. Trước đây còn có thể cấy lúa, trồng lạc để sinh sống nhưng giờ thì đất bị vùi lấp hết rồi nên không biết làm gì mà ăn”.

Ông Nguyễn Hải Lý- Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết: Nói về hệ lụy của mỏ sắt Thạch Khê thì đối với xã Thạch Hải có rất nhiều nhưng khó khăn nhất hiện nay là không có điều kiện để phát triển kinh tế, xã muốn làm gì cũng chịu bó tay. Thạch Hải chỉ có nghề nông và ngư nghiệp, kể từ khi Dự án mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động thì đất nông nghiệp bị thu hồi, ngư nghiệp bị ảnh hưởng của sự cố môi trường nên người dân chỉ có đi làm thuê hoặc xuất khẩu lao động để kiếm sống. Cái bức thiết nhất của Thạch Hải là không được cấp đất ở nên nhiều hộ phải chịu cảnh 2-4 gia đình trong 1 nhà. Hiện toàn xã có tới 85 gia đình đang rất cấp thiết về nhà ở.

Khi đề cập đến việc nên hay không nên tái khởi động Dự án mỏ sắt Thạch Khê, ông Lý thẳng thắn nói: “Đối với người dân Thạch Hải thì mong muốn của người dân tốt nhất là không làm để cho người dân yên ổn làm ăn. Còn nếu buộc phải khởi động lại dự án thì phải làm quyết liệt, phải cho di dời dân hoàn toàn rồi mới tái khởi động”.

Ý chí của chủ đầu tư

Tháng 9-2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Tháng 7/2011, sau 2 năm kể từ ngày khởi công, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3. Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng- Giám đốc TIC, trong quá trình triển khai thực hiện, do các yếu tố công nghệ không phù hợp với điều kiện thực tế của mỏ sắt Thạch Khê như nền đất yếu, thiết bị điện sử dụng trong mỏ sắt không phù hợp, thiết kế bãi thải cao (chiều cao nhất là 205m) không phù hợp với điều kiện địa hình thực tế của mỏ sắt Thạch Khê nằm trên đồng bằng dẫn đến cát thải trôi, chảy...Chính vì thế Chính phủ cho phép điều chỉnh để dự án hoàn thiện hơn.

Từ 1/7/2011 đến nay Công ty đã điều chỉnh lại dự án, chuyển từ thiết bị điện sang thiết bị diezel, bãi thải giảm xuống tương đương mức địa hình trong khu vực, bổ sung các tuyến đê bao để ngăn cát trôi, chảy…Mặt khác, các bộ ngành đã chấp thuận cho Công ty chuyển 172 triệu m3 cát thải ra đổ thải lấn biển trên diện tích 923ha. Cái này cũng đã được làm lại hoàn chỉnh đánh giá tác động môi trường, đưa vào dự án đầu tư điều chỉnh và đã hoàn chỉnh xong.

Không chỉ bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác, dự án còn đối mặt với những khó khăn tài chính. TIC được thành lập ban đầu với 9 cổ đông sáng lập, trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm tỷ lệ góp vốn lớn nhất (30%). Các cổ đông còn lại hầu hết năng lực tài chính yếu, việc góp vốn điều lệ chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đến tháng 11/2011, tổng số vốn các cổ đông đóng góp mới chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 42,08% vốn điều lệ. Từ đó, dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: Chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thiếu tiền xây dựng khu tái định cư. Bên cạnh đó, lộ trình giải phóng mặt bằng đề ra giai đoạn 2008-2013 giải phóng trắng 3.898,24ha, di dời 3.952 hộ dân, với kinh phí 3.478 tỷ đồng, điều này thực tế đã chứng minh là không khả thi.

“Trước những bất cập của dự án khai thác quặng sắt mỏ Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TIC phải tái cấu trúc lại các cổ đông và lập điều chỉnh lại dự án cho phù hợp. Đến nay, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Dự án điều chỉnh) đã được hội đồng thẩm định của Bộ Công thương chủ trì thẩm định, trong đó có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và chuyên gia quốc tế đầu ngành. Dự án điều chỉnh đã tính toán và giải quyết được các vấn đề lo ngại như: ổn định bờ mỏ, nước ngầm, an toàn và bảo vệ môi trường. Kết quả thẩm định dự án đã được Chính phủ thông qua”- Giám đốc TIC Nguyễn Quốc Hưng cho biết.

Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), cổ đông giữ quyền chi phối đối với TIC cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê trong năm 2016 và cho hoãn tiền nộp thuế cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản (năm 2017, 2018). TKV cũng khẳng định, mọi thủ tục pháp lý như thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, đấu nối hạ tầng giao thông đã được chấp thuận. Tổng giá trị vốn điều lệ các cổ đông cần góp là 2.033 tỷ đồng, tương ứng với 30% vốn giai đoạn 1.

Tuy nhiên, tổng vốn góp mới được khoảng 1.809 tỷ đồng, trong đó TKV đã góp đủ giá trị huy động là 1.076 tỷ đồng, Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco chưa góp đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Về việc này, TKV đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về phương án góp vốn điều lệ vào TIC để tiếp tục triển khai dự án.

“Với sự quyết tâm thực hiện tổ hợp Dự án và hỗ trợ của TKV trong việc thu xếp vốn, kinh nghiệm và nguồn nhân lực, TIC cam kết điều hành và thực hiện Dự án đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững”- ông Nguyễn Quốc Hưng bày tỏ.

Tuy nhiên, sau sự cố môi trường, tỉnh Hà Tĩnh thận trọng với việc triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia, trong đó có dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Hạnh Nguyên