Phát triển rừng ở các huyện miền núi Phú Thọ: Góp phần xóa đói giảm nghèo

Văn Toàn 18/04/2017 09:17

Tỉnh Phú Thọ hiện có trên 55% diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, tương đương trên 200.000 ha. Tuy có diện tích lớn nhưng trải qua quá trình khai thác, quản lý thiếu chặt chẽ có thời điểm diện tích đất có rừng đã xuống rất thấp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây diện tích rừng ở Phú Thọ đã và đang được đầu tư phát triển nên độ che phủ rừng hàng năm tăng nhanh, góp phần xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu bền vững cho nhiều hộ dân.

Trồng rừng là thế mạnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trồng rừng là một thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội

Yên Lập là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ với trên 33.000 ha diện tích đất lâm nghiệp. Xác định việc trồng rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội nên huyện chú trọng tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và người dân về công dụng và hiệu quả của việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng hàng năm; khuyến khích, động viên mọi người dân đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng…

Năm 2016, huyện Yên Lập trồng được 1.300ha diện tích rừng tập trung, vượt 13,1% so với kế hoạch. Nhờ đó, độ che phủ rừng của huyện Yên Lập đạt 60,4%. Bên cạnh việc trồng rừng, bảo vệ rừng cũng được đặc biệt quan tâm, cụ thể như dự án bảo vệ phát triển rừng là 544 ha, trong đó bảo vệ phát triển rừng sản xuất là 500 ha, rừng phòng hộ 44 ha; bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ là 6.500 ha.

Ông Hoàng Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lập chia sẻ, hầu hết người dân trong huyện đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc trồng cây, trồng rừng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học mà còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình cho người dân nên đều tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

Chị Đàm Thị Thu Hạnh, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập bộc bạch, gia đình chị trồng 10ha rừng chủ yếu là cây keo, trồng khoảng 5 năm thì cho thu hoạch. Tuy nhiên, do có một số diện tích trồng, khai thác không đồng đều nên khó thu hoạch được hàng loạt. Gia đình chị thường thu hoạch chọn lọc qua từng năm, sau thu hoạch chỗ nào trống thì trồng bổ sung cây con, tránh tình trạng để đất trống, đất hoang lãng phí. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị cũng thu được gần 100 triệu đồng từ việc trồng rừng…

Còn huyện Đoan Hùng là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả cao Chương trình hỗ trợ phát triển rừng sản xuất. Đến nay, huyện Đoan Hùng có hơn 12.700 ha rừng chủ yếu là rừng trồng. Mỗi năm bình quân trên địa bàn huyện trồng mới hơn 1.000 ha rừng.

Riêng năm nay, huyện đã trồng mới 1.400 ha rừng tập trung, trong đó diện tích trồng keo thay thế bạch đàn là 420 ha, đạt 100% kế hoạch. Trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng hơn 1.000ha bạch đàn. 5 năm gần đây, ngoài hỗ trợ cây giống từ Dự án bảo vệ và phát triển rừng, Đoan Hùng còn là huyện đầu tiên có cơ chế chính sách riêng hỗ trợ phân bón cho các hộ trồng rừng.

Gia đình ông Bùi Vĩnh Long, thôn 9 xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng cho biết, năm 2010 khi nhận được chủ trương chuyển đổi sang trồng keo lai, ông mạnh dạn thuê máy múc nhổ bỏ toàn bộ gốc bạch đàn tái sinh trên diện tích 1,5 ha để chuyển sang trồng keo lai. Nhờ tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1,5m, trồng khoảng 2.000 đến 2.500 cây/ha.

Sau thời gian theo dõi, tỷ lệ cây sống đạt trên 90% sau khi trồng, cây phát triển nhanh, tán lá cân đối, rễ phát triển sâu và có các nốt sần cố định đạm giúp giữ được ẩm và cải tạo đất rất tốt. Chỉ hơn một năm nữa, rừng keo của gia đình ông sẽ cho thu nhập cả trăm triệu đồng.

Tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả

Nhằm triển khai hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững, tăng tính đa dạng sinh học và năng lực cạnh tranh, giai đoạn 2015-2020 tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh phát triển và bảo vệ rừng, trong đó tập trung nâng cao năng suất chất lượng rừng, giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 3,5 - 4%.

Từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu độ che phủ rừng đạt trên 53%.

Theo ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ, để đạt mục tiêu đã đề ra tỉnh Phú Thọ cần xem xét tăng mức hỗ trợ đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, sản xuất. Có chính sách cụ thể cho trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây gỗ nhỏ. Áp dụng đầy đủ chính sách trợ cước, trợ giá của Nhà nước về hàng hóa sản phẩm đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, tỉnh cần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật lâm sinh, cán bộ khuyến lâm cho huyện, xã để chỉ đạo trồng rừng, chọn tạo và sản xuất cây giống; đồng thời quản lý, giám sát kế hoạch và chất lượng trồng rừng. Áp dụng và nhân rộng các mô hình tiên tiến điển hình, đẩy mạnh tuyên truyền đưa những giống mới có năng suất cao, khả năng kháng bệnh vào trồng rừng.

Khuyến khích mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại hóa công nghệ tạo sự ổn định cho đầu ra sản phẩm, đặc biệt ưu tiên cho các huyện miền núi như có diện tích lớn như Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng…

Văn Toàn