Nghệ thuật đi cà kheo
Chỉ là một loại ngư cụ thông thường để ngư dân sử dụng trong việc khai thác thủy sản nhưng trải qua nhiều thăng trầm, những cây cà kheo đã trở thành một nét văn hóa đậm chất dân gian. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, cà kheo đang ngày một ít, chỉ xuất hiện những dịp lễ hội đặc trưng hay mùa xuân năm mới.
Chạy đua cà kheo, nét riêng văn hóa làng biển.
Nghệ thuật trên cây gậy
Từ hàng trăm năm qua, cũng như hầu hết các ngư dân khác, ngư dân Cần Giờ (TP HCM) vẫn coi cà kheo là nét văn hóa độc đáo của cộng đồng mình. Theo ông Nguyễn Đình Thành, 56 tuổi ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) từ nhỏ, ông đã thấy nhiều ngư dân làng biển đi cà kheo dịp lễ hội cầu mưa, lễ cúng cá Ông hay những ngày đầu xuân năm mới.
Sau nhiều năm, thật bất ngờ là nghệ thuật đi cà kheo của ngư dân Cần Giờ lại không mất đi mà trái lại, nó ngày càng đa dạng, phong phú thêm dù thực tế nó không còn được áp dụng trong đời sống thường nhật. Theo đó, nghệ thuật cà kheo được “làm mới” bởi sự sáng tạo kết hợp như chạy đua cà kheo, đá bóng cà kheo hay cả múa võ, múa lân rồng trên đôi cà kheo.
Thực tế, cà kheo là một loại ngư cụ đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân ngày xưa chứ không phải là một loại hình biểu diễn nghệ thuật như bây giờ. Trước đây, các phương tiện đánh bắt thủy sản còn thô sơ, chủ yếu là nghề câu, các loại lưới đáy, đăng hay kéo. Và các phương tiện lưới này cũng đơn giản. Vì thế, khi nước thủy triều xuống, ngư dân có thể dễ dàng khai thác nhưng khi nước biển lên, việc tiếp cận ngư trường diễn ra khó khăn hơn.
Và để có thể tìm tới những vùng nước ngoài xa, ngư dân đã sáng tạo ra việc đi cà kheo. Nghĩa là buộc các thanh tre, gậy cứng cố định vào chân để tăng chiều cao khi di chuyển, đưa ngư cụ tới các vùng nước xa hơn, thuận tiện hơn trong việc đánh bắt. Đến ngày nay, dù các phương tiện đánh bắt, di chuyển đều hiện đại và dễ dàng hơn xưa nhiều nên việc đi cà kheo không còn thông dụng nữa.
Buộc cà kheo vào chân.
Tuy nhiên, nhiều làng biển ở các tỉnh phía Bắc nước ta vẫn còn xuất hiện những ngư dân sử dụng cà kheo như một loại ngư cụ để khai thác, đánh bắt thủy sản ven bờ. Còn những vùng biển khác, nghệ thuật cà kheo không được sử dụng nhưng vẫn được gìn giữ, sáng tạo và lưu truyền từ đời này qua đời khác, như một nét văn hóa làng biển đặc sắc.
Vừa kể, ông Thành vừa dẫn chúng tôi đi ra phía sau ngôi đền thờ cá Ông của thị trấn Cần Thạnh, nơi có nhiều bộ cà kheo đang được lưu giữ cẩn thận. Cầm lên một đôi cà kheo, ông nhẹ nhàng chỉ cho chúng tôi từng bộ phận, công dụng của chúng. “Này nhé, đây là phần thân cà kheo, được làm bằng tre đực, loại lâu năm, dài khoảng một mét rưỡi.
Tre phải được cắt khéo sao cho mỗi cà kheo đều có 3 mấu để tăng độ bền chắc. Tiếp đến là nẫy của cà kheo. Đây là bộ phận quan trọng được ghép vào thân cà kheo, và cũng là nơi để buộc chân người sử dụng vào. Thông thường, nẫy như một cái bàn chân, vừa chắc chắn, vừa nhịp nhàng để sao cho người sử dụng cảm thấy thoái mái, chắc chắn.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn chính là việc luyện tập để làm sao sử dụng được những cây cà kheo này. Nhiều người mất cả tháng trời, có người thậm chí còn không thể sử dụng được cà kheo vì chúng quá cao, rất khó có thể giữ thăng bằng được. Vì thế, nhiều người coi việc đi trên cà kheo là cả một nghệ thuật, cần sự khéo léo, nhịp nhàng và cả sức khỏe nữa”, ông Thành tiết lộ.
Nét riêng vùng biển
Sau rất nhiều thăng trầm và biến cố, nghệ thuật đi cà kheo của ngư dân Cần Giờ hiện nay không những không mất đi mà còn trở lên đặc sắc, như là nét văn hóa riêng biệt của vùng bán đảo rộng lớn này. Những ngày lễ lớn, ngày đầu xuân năm mới, hàng chục người lớn tuổi biểu diễn đi cà kheo, đua cà kheo hay chơi đá bóng cà kheo.
Ông Đặng Văn Doan, 66 tuổi, một người biểu diễn cà kheo ở Cần Giờ cho biết, để luyện tập có thể biểu diễn thành thạo cà kheo, ông mất cả mấy tháng trời dù ngày trẻ, ông cũng đã từng sử dụng cà kheo cùng gia đình đi cào ruốc ngoài vịnh Gành Rái. Cà kheo để làm ngư cụ nó khác vì khi đi dưới nước. Nếu không giữ thăng bằng, đứng đã khó chứ đừng nói là làm gì khác”, ông Doan chia sẻ thêm.
Nói về ý nghĩa của cà kheo, lão ngư từng gần trọn đời gắn bó với biển cả này cho biết, đó không chỉ là ngư cụ, không chỉ là nghệ thuật mà còn là mong ước chinh phục biển cả của ngư dân. Ngày xưa, phương tiện thô sơ, sử dụng cà kheo có thể đi xa ra ngoài biển, mở rộng ngư trường khai thác. Với những ngư dân nghèo, đứng trên những cây cà kheo cao khoảng mét rưỡi là đã mở rộng thêm hàng chục cây số vuông ngư trường rồi. Đó mới là ý nghĩa thực sự của cà kheo với ngư dân từ xa xưa.
Có lẽ, phải tận mắt chứng kiến hàng chục người trên đôi cà kheo bằng gỗ cao lênh khênh nhưng những người khổng lồ đi lại uyển chuyển, chạy đua, chơi bóng nhịp nhàng trên bờ biển mới cảm nhận hết được sự thú vị của loại hình nghệ thuật đậm chất dân gian này.
Biểu diễn đi cà kheo.
Lẫn trong đó, không bao giờ có thể thiếu là ánh mắt chăm chú của hàng ngàn người dân theo dõi, tiếng trầm trồ ngưỡng vọng của những đứa trẻ làng biển. Tất cả, trong tiếng sóng biển rì rào tự ngàn xưa đã tạo ra sức sống, nét riêng độc đáo của những cây cà kheo. Nó như một chất kết dính các thành viên trong cộng đồng những ngày lễ hội, nghỉ ngơi vậy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tốt, trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Giờ cho biết, tập quán sử dụng cà kheo ở địa phương đã có từ rất lâu. Hiện nay ở địa phương có một đội gồm khoảng hai chục người có thể biểu diễn thành thạo nghệ thuật đi cà kheo.
Vào các ngày lễ quan trọng của ngư dân, đội biểu diễn cà kheo thường xuyên có các tiết mục khiến khán giả, đặc biệt là lớp thế hệ thanh thiếu niên cảm thấy thích thú, bất ngờ. Vì vậy, địa phương coi đây không chỉ là lễ hội mà còn là nét văn hóa truyền thống cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Điều may mắn là rất nhiều người trẻ ở Cần Giờ hiện nay cũng tỏ ra đam mê và thích thú với môn nghệ thuật kết hợp giữa sức khỏe và sự khéo léo này và đã tham gia luyện tập, sử dụng.