Ứng cử viên Tổng thống Pháp Francois Fillon: Đoạn trường không nản

Phương Hà 18/02/2017 09:05

Từ không chỉ một tháng nay cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon vẫn được coi là một ứng cử viên sáng giá hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Điện Elysee sắp tới. Tuy nhiên, vụ tai tiếng liên quan tới vợ ông đã khiến cho uy tín của ông có phần chao đảo.

Vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ được tổ chức vào ngày 23/4 tới. Và càng gần tới thời điểm này tất cả các ứng cử viên cho Điện Elysee càng có nguy cơ bị nhấn chìm vào những vụ tai tiếng, đặc biệt là tham nhũng. Một trong những nhân vật nổi bật nhất trong đội ngũ này là bà Marie Le Penn, thủ lĩnh Mặt trận Dân tộc đang bị ngập trong nợ nần. Mới đây nhất, các nhân viên tư pháp đã ào tới khám xét văn phòng của cựu Thủ tướng Fillon. Ông bị buộc tội đã phung phí tiền công. Không những thế, ông Fillon còn bị buộc tôi đã lợi dụng các quan hệ cá nhân đưa vợ vào làm trong quốc hội năm 1998.

Khi đó, chính trị gia được tiếng là liêm chính và đứng đắn này đã quyết định dành cho vợ chức trợ lý của mình. Với mức lương khá hậu hĩnh! Những nhà báo đang bới móc vụ việc này đã tính được rằng, từ thời điểm đó đến này bà Penelope, vợ ông Fillon, đã nhận được gần 900 nghìn euro. Oái oăm ở chỗ, theo các nhà báo, trong từng ấy năm, quý bà này không một lần xuất hiện ở nơi làm việc!

Cựu Thủ tướng Fillon thoạt tiên tuyên bố rằng, câu chuyện liên quan tới vợ ông chỉ là trò vu khống. Và ông đã kiện ra tòa những người khởi xướng nên nó. Tuy nhiên, cơ quan tư pháp lại nghĩ khác. Và họ đã tiến hành khám xét văn phòng làm việc của ông Fillon. Cực chẳng đã, ngày 6/2/2017, ông Fillon đã phải đứng ra xin lỗi đất nước về vụ việc liên quan tới vợ mình. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ quyết tâm theo đuổi chương trình vận động tranh cử Tổng thống…

Ông Fillon sinh ngày 4/3/1954 ở thành phố Le Mans thuộc Sarthe (Pays-de-la-Loire, miền tây nước Pháp). Là con trai trưởng trong nhà, ngay từ nhỏ, vị Thủ tướng tương lai đã tỏ ra là một học sinh thông minh và xu hướng tự lập. Tuy nhiên, cậu cũng rất ngỗ nghịch và sớm tỏ ra có tư chất thủ lĩnh nên đã hai lần bị loại ra khỏi trường tư. Vừa vào trường tư Notre Dame de Sainte Croix ở La Mans được vài ngày, cậu học trò Fracois đã ngay lập tức bị đuổi học vì đã đứng ra tổ chức cho các bạn đồng môn bãi khóa đòi phải đuổi cô giáo tiếng Anh vì cậu cho rằng, trình độ Anh ngữ của cô này quá kém. Năm 1968, khi nước Pháp đang bị cuốn theo những cuộc đấu nóng bỏng trên đường phố, Fillon không bị quyến rũ theo những tư tưởng cực đoan mà vẫn chung thủy với ngọn cờ của tướng De Gaulle.

Thời trẻ, vị Thủ tướng tương lai rất hay lấy trộm xe của bố từ garage ra để chở bạn bè đi chơi ngoài phố…

Phải nói rằng, trước khi tham gia chính trường, ông Fillon đã được đào tạo học vấn rất chu đáo và toàn diện. Sau khi tốt nghiệp trung học, vị Thủ tướng tương lai vào trường đại học tổng hợp ở Le Mans và ngay từ hồi đó đã cố gắng để tạo cho mình sự độc lập về tài chính, không phải phụ thuộc vào cha mẹ nữa. Chàng sinh viên này đã bắt đầu tự vừa học vừa kiếm sống và thậm chí đã mua cho mình cả xe hơi riêng. Năm 1971, trong lúc vẫn là sinh viên, ông Fillon đã có bằng cử nhân triết học và năm 1976, trở thành cử nhân về quyền xã hội và có bằng đào tạo ứng dụng về quyền xã hội và chính trị học. Cũng cuối năm này, vị Thủ tướng tương lai đã đi thực tập tại chi nhánh Madrid của hãng AFP. Một năm sau, ông trở về Paris và ở đây, đã lấy được bằng DEA (diplome d'etudes approfondies, hơn mức thạc sĩ một chút) về khoa học xã hội ở trường đại học tổng hợp Rene Descartes. Ông cũng có bằng DEA về chính trị học lấy ở Quỹ Quốc gia về khoa học chính trị.

Trên cơ sở những kiến thức đã có, ở tuổi 22, ông Fillon đã chính thức bước vào chính trường khi ông nhận làm trợ lý cho nghị sĩ Joel Le Theule, đại diện cho tỉnh Sarthe, một nhân vật cũng sùng bái tư tưởng của tướng De Gaulle và là một người bạn của gia đình ông. Fillon đã rất tích cực và sáng tạo tham gia chiến dịch vận động tranh cử cho ông Joel Le Theule nên đã gây được ấn tượng tốt, thậm chí còn được “huynh trưởng” gọi là “Người thừa kế” trên chính trường. Sau khi ông Joel Le Theule trở thành Bộ trưởng Giao thông năm 1978, ông Fillon đã được đưa vào vị trí phó chánh văn phòng của ông này. Năm 1980, khi ông Joel Le Theule trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, vị Thủ tướng tương lai lại được đưa vào chân lãnh đạo văn phòng cho “huynh trưởng” cho tới lúc ông Joel Le Theule bất ngờ đột tử tháng 12/1980.

Với những năng lực đã được thể hiện, dĩ nhiên là ông Fillon không bị bơ vơ và năm 1981, đã được cử làm lãnh đạo cơ quan lập pháp và nghị viện trong văn phòng của Bộ trưởng Công nghiệp Michel Giraud. Cũng trong năm này, vị Thủ tướng tương lai trở thành ứng cử viên của đảng cánh hữu Liên minh ủng hộ nước cộng hòa (RPR) trong cuộc bầu cử vào nghị viện từ khu vực bầu cử số 4 của tỉnh Sarthe và đã trở thành nghị sĩ trẻ nhất (27 tuổi!) của nghị viện Pháp lúc đó.

Vừa là nghị sĩ, ông Fillon đã đảm đương nhiều chức vụ hành chính ở khu vực quê hương. Từ năm 1981 tới năm 1986, ông là thành viên Hội đồng Thị chính Sable-sur-Sarthe. Từ năm 1983 tới năm 2001, ông là thị trưởng ở đây và đã là vị thị trưởng trẻ tuổi nhất trong toàn nước Pháp.

Từ năm 1986 tại nghị viện, ông Fillon đã có chân trong Ủy ban Quốc phòng và đã là Chủ tịch của Ủy ban này từ năm 1986 tới năm 1988. Ông là người tích cực ủng hộ chủ trương chuyển toàn bộ quân đội Pháp sang cơ chế hợp đồng (năm 2001 ở Pháp đã bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự)…

Ở Paris, người đỡ đầu về chính trị của ông Fillon là ông Philippe Seguin, một trong những thủ lĩnh của phái De Gaulle mới và cũng là đối thủ lâu dài và nhất quán của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, cũng ở trong RPR.

Sau vụ tự sát năm 1993 của vị Thủ tướng thuộc đảng Xã hội Pierre Beregovoy và ông Edouard Balladur lên thay vào vị trí này, ông Fillon lần đầu tiên được nhận ghế Bộ trưởng. Từ đó tới năm 1995, ông là Bộ trưởng Bộ Đại học và Nghiên cứu. Sau đó, ông làm Bộ trưởng Bộ Kỹ nghệ Thông tin và Bưu điện trong nội các của Thủ tướng Alain Juppe. Khi ông Jupple cải tổ nội các, ông Fillon trên cương vị lãnh đạo Bộ Bưu điện, Truyền thông và Vũ trụ đã chuẩn bị và tiến hành quá trình tư nhân hóa hãng France Telecom.

Năm 1997, khi đại diện đảng Xã hội Lionel Jospin lên làm Thủ tướng, ông Fillon không còn được làm Bộ trưởng nữa nên đã cùng ông Seguin tập trung vào các công việc của RPR. Ông đã tiến hành thành công chiến dịch vận động giúp ông Seguin trở thành thủ lĩnh của RPR. Tuy nhiên, năm 1999, để bày tỏ sự phản đối việc gia tăng ảnh hưởng của ông Chirac trong RPR, ông Seguin đã từ chức lãnh đạo đảng và sau đó, rời khỏi chính trường. Trong tình thế đó, ông Fillon đã quyết định tham gia tranh chức thủ lĩnh RPR. Lần đó, ông đã thất bại nhưng cũng đã có tới 25% số phiếu ủng hộ.

Cũng ở thời điểm này, vị Thủ tướng tương lai đã có dịp tiếp cận gần với ông Sarkozy nhưng giữa hai ông đã không hình thành được quan hệ thân hữu, thậm chí còn hơi đối nghịch nhau. Từ năm 1999 tới năm 2001, ông Fillon là cố vấn chính trị trong RPR. Để cải thiện quan hệ với ông Chirac, người lúc đó đang làm chủ điện Elysee, năm 2002, ông Fillon đã trở thành một trong những người sáng lập ra Liên minh Vì phong trào nhân dân có xu hướng thân Tổng thống. Trong liên minh này ngoài RPR còn có đảng Dân chủ Tự do, những người Dân chủ Thiên chúa giáo và những người Xã hội Tự do. Và có lẽ cũng nhờ động thái này nên ông Fillon lại có chân trong nội các của Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin. Từ năm 2002 tới năm 2004, ông là Bộ trưởng Bộ Công tác Xã hội, Lao động và Đoàn kết… Chính nội các của Thủ tướng Raffarin đã đưa ra sáng kiến áp dụng chế độ làm việc 35 giờ một tuần và những thay đổi khác trong luật lao động rồi tiến hành cả cải cách chế độ hưu trong cả nước. Lãnh đạo công việc này là ông Fillon. Ông đã rất kiên quyết và khéo léo tiến hành cải cách bất chấp những phản đối và bãi công đã xảy ra nên không gây ảnh hưởng xấu tới danh giá xã hội của mình.

Trên cương vị nào, ông Fillon cũng có những sáng kiến mới. Trong nội các được cải tổ tới lần thứ ba của Thủ tướng Raffarin, từ năm 2004 tới năm 2005, ông Fillon đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia và Nghiên cứu. Trên cương vị này, ông đã cấm học sinh mang các biểu tượng tôn giáo tới trường…

Tháng 5-2005, khi ông Raffarin từ chức và ông Dominique de Villepin lên làm Thủ tướng, ông Fillon bị mất ghế Bộ trưởng. Biết rõ thái độ không mấy thiện cảm của ông Chirac đối với mình, ông Fillon đã ngả sang phía ông Sarkozy, thủ lĩnh UMP mà trước đó đã là đối thủ của ông trong nội bộ tập thể cánh hữu. Ít ra giữa hai chính trị gia trẻ này đều có chung một mục đích: loại được ông Chirac khỏi điện Elysee thì họ mới có tương lai tươi sáng!

Tháng 5/2007, ông Sarkozy sau khi trở thành Tổng thống Pháp đã đưa ông Fillon lên làm Thủ tướng. Và ông Fillon đã ngồi ở vị trí này tới tháng 5/2012…

Kể từ khi tuyên bố tranh cử Tổng thống Pháp tới nay, với uy tín sẵn có của mình, ông Fillon luôn được xếp vào đội ngũ những ứng cử viên sáng giá nhất. Tuy nhiên, với vụ việc tai tiếng vừa qua, nhiều nhà quan sát cho rằng, trong vòng một bầu cử, ông cùng lắm là sẽ về đích được ở vị trí thứ ba…

Phương Hà