Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Bình Thuận
Sáng 18/4, tại Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công xây dựng Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ động thổ dự án. (Ảnh: Báo Đầu tư).
Tham dự lễ khởi công còn có lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Kiên Giang.
Công ty Cổ phần Sữa Thông Thuận đã quyết định đầu tư dự án “Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa” tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình (Bình Thuận).
Khu phức hợp có diện tích trên 800 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.930 tỷ đồng, bao gồm các dự án: Trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao; dự án đầu tư Cụm công nghiệp Sông Bình (24 ha), bao gồm xây dựng Nhà máy chế biến sữa, Nhà máy chế biến thịt, Nhà máy nước tinh khiết và Nhà máy bao bì, đóng gói theo công nghệ tiên tiến. Riêng Nhà máy chế biến sữa có vốn đầu tư 850 tỷ đồng, với quy mô: Sữa tươi tiệt trùng 100 triệu lít/năm; sữa chua 90 triệu hũ/năm; sữa đặc 85 triệu hộp/năm.
Đồng thời, Công ty thuê đơn vị tư vấn hàng đầu về bò sữa là tập đoàn Delaval của Thụy Điển để thiết kế khu nuôi, chọn lọc giống, vận hành, chuyển giao cho người Việt Nam với khoảng 20.000 con bò sữa HF có nguồn gốc nhập khẩu từ Mỹ, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như: ASC, ACC, GLOBALGAP…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho biết: Việc triển khai Dự án “Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến sản phẩm sữa” của Công ty Thông Thuận sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp của Bình Thuận nói riêng; khẳng định lợi thế phát triển chăn nuôi bò của tỉnh và phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tạo thêm việc làm cho cư dân địa phương, đáp ứng nhu cầu thịt bò sạch và các sản phẩm chế biến từ sữa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Bình Thuận đã đi đúng xu thế chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp từ manh mún nhỏ lẻ thành tập trung hàng hóa, thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh đã chọn được những sản phẩm nông nghiệp lợi thế như thanh long, tôm giống, bò… phù hợp với điều kiện nắng gió.
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn Công ty Thông Thuận tập trung đảm bảo tiến độ, chăm lo và chú trọng môi trường. Mặt khác, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào đầu tư, liên kết chặt chẽ với nhân dân, hình thành nhiều trang trại có liên kết với Công ty Thông Thuận...
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá, Bình Thuận là tỉnh giàu tiềm năng lớn khi gần khu kinh tế trọng điểm phía Nam; thời tiết khí hậu thuận lợi và có thể phát triển các trung tâm lớn về năng lượng tái tạo, du lịch, chế biến quặng sa khoáng ti tan. Đây là những điều kiện quan trọng để khai thác phát triển kinh tế xã hội Bình Thuận.
Thủ tướng cho rằng, Bình Thuận có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế xã hội đa dạng và đủ khả năng phát triển bền vững và đủ khả năng phát triển thành tỉnh giàu mạnh.
Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Bình Thuận phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội đặt ra trong năm 2017; phấn đấu tăng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 7.000 vào năm 2020. Tỉnh cần nâng tầm chiến lược và quy hoạch phát triển, nhất là khu vực ven biển; quy hoạch nguồn nước; du lịch. Trong đó phải chú ý thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị xây dựng ba trung tâm quốc gia về du lịch, năng lượng và khoáng sản.