Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chưa rõ chuẩn 'đầu ra'
Dự thảo Chương trình GDPT mới tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Với TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, Dự thảo đã có những bước tiến rõ rệt, tuy nhiên việc đánh giá kết quả giáo dục, đặc biệt là đánh giá phẩm chất học sinh thì chưa rõ. Đặc biệt, “chân dung người học” dường như quá ôm đồm trong khi đầu ra “sản phẩm” của quá trình đào tạo theo chương trình mới là gì, khác biệt gì so với chương trình hiện hành thì chưa được đề cập đến.
Ảnh minh họa.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, Dự thảo Chương trình GDPT mới đang được đưa ra lấy ý kiến dư luận chưa xác định rõ chuẩn đầu ra của người học theo khung chương trình quốc gia hiện nay.
Đồng tình với ý kiến nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia với mục đích để xét tốt nghiệp THPT mà Dự thảo đặt ra, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng, đến nay chúng ta đã bỏ được 2 kỳ thi tiểu học và THCS, còn kỳ thi cấp phổ thông cũng nên bỏ vì nhìn vào tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của các địa phương đều cao trên 90% nên việc tổ chức hẳn một kỳ thi như vậy gây lãng phí, tốn kém không cần thiết. Trong khi đó, việc xét tuyển ĐH, CĐ nếu cũng dùng chung kết quả bài thi này thì tính phân hóa chỉ tập trung vào một số câu hỏi khó nên các thí sinh có học lực trung bình khó làm tốt.
“Không phải chờ đến chương trình mới mà hiện nay trong các trường phổ thông vẫn thực hiện đánh giá thường xuyên thông qua các bài kiểm tra trên lớp, qua mỗi tiết học. Việc kiểm tra này do các thầy cô giáo bộ môn và nhà trường tổ chức nên vấn đề hiện nay là làm sao để việc đánh giá này thực chất hơn. Chỉ có một cách duy nhất là bỏ bệnh thành tích, thi đua ảo của các trường”- TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Khuyến cũng đề nghị Dự thảo cần đưa ra các giải pháp để làm sao ngay từ cấp Tiểu học, THCS nhà trường đã phải hướng dẫn học sinh cách tự học, tự làm bài cũng như giúp các em tìm thấy niềm vui, hiểu được việc học là cần thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Học không phải học để đối phó với nhà trường, với gia đình hay với các kỳ thi. Các em cần hiểu rằng việc trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tốt là cho cuộc sống sau này của bản thân chứ không phải chỉ cần vượt qua một kỳ thi, cứ cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH trong tay là có thể có được việc làm tốt.
Học sinh lớp 12 trong một tiết học. Ảnh: Thanh Niên.
Chia sẻ quan điểm này, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, trong Dự thảo Chương trình mới đã có những bước tiến rõ rệt trong việc đánh giá học sinh, đặc biệt là việc tổ chức đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, vấn đề đánh giá kết quả giáo dục “bằng các hình thức định tính và định lượng”, cụ thể là các hình thức đánh giá nào, đặc biệt là đánh giá phẩm chất học sinh thì Dự thảo chưa làm rõ. Có thể chương trình tổng thể thì không thể cụ thể, chi tiết nhưng cũng phải có những khẳng định khái quát về việc này. Chẳng hạn, nếu sử dụng hoàn toàn phương pháp trắc nghiệm khách quan khi kiểm tra đánh giá kết quả học tập tất cả các môn học của học sinh thì cách dạy và học chắc chắn phải khác với việc học để thi tự luận
“Vấn đề này cần sớm được làm rõ để làm cơ sở để xây dựng chương trình môn học sau đây”- TS Tiến đề xuất.
Bên cạnh đó, TS Tiến cũng cho rằng sự góp mặt của lực lượng giáo viên- yếu tố quyết định sự thành bại của chương trình mới lại quá mờ nhạt. Trong quá trình học, nhà trường, giáo viên, học sinh cần phải làm gì để đạt được những phẩm chất năng lực cốt lõi? Đặc biệt, chân dung người học mới dường như quá ôm đồm trong khi đầu ra “sản phẩm” của quá trình đào tạo theo chương trình mới là gì, khác biệt gì so với chương trình hiện hành thì chưa được đề cập đến.
Cụ thể, việc xác định chuẩn đầu ra của bậc phổ thông phải được xây dựng tương thích với khung chương trình quốc gia hiện nay. Để dù là hệ chính quy hay bổ túc, giáo dục thường xuyên, chỉ cần đạt những tiêu chuẩn đó sẽ được công nhận hoàn thành chương trình phổ thông.
Đối với vấn đề phân luồng học sinh, TS Lê Viết Khuyến chỉ ra xu hướng chung của thế giới là chương trình THPT được phân luồng thành: trung học nghề, THPT kỹ thuật và THPT. Nhưng Dự thảo chỉ đề cập tới định hướng nghề nghiệp sau THPT, trong khi các trình độ sơ học và trung học ở bậc giáo dục nghề nghiệp, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, lại không phải là một luồng khác sau THCS, cùng với luồng THPT.
“Mặc dù hiện nay việc đào tạo nghề đã được chuyển giao cho Bộ LĐTB&XH quản lý nhưng sản phẩm đào tạo trước đó là của Bộ GD-ĐT nên đòi hỏi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần có những định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn”- TS Khuyến nêu vấn đề.
Giáo viên sẽ được đào tạo đa môn? Trước câu hỏi về những môn học mới như trải nghiệm sáng tạo, khoa học tự nhiên… liệu đội ngũ giáo viên có đáp ứng được việc giảng dạy, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, trước mắt, giáo viên của môn nào vẫn dạy những nội dung của môn đó. Những giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn tốt có thể đảm nhiệm toàn bộ môn tích hợp và đảm nhiệm những chuyên đề tích hợp. Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo các trường sư phạm; có Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP). Ở một số nước, khi đào tạo giáo viên người ta đào tạo nhiều môn, không đào tạo đơn môn. Chúng ta có thể theo hình thức đào tạo nhiều môn như vậy; cũng có thể theo hình thức chia ra các học phần, mô đun, giáo viên nào học hết các học phần sẽ thực hiện dạy tích hợp. |