Đến bản người Hà Nhì ở cuối trời Tây Bắc
Tôi muốn kể về những mùa xuân của người Hà Nhì vùng ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, thuộc địa phận các huyện giáp ranh Mường Nhé, Mường Tè của hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Vẻ đẹp Mường Nhé.
1. Tết về, các thiếu nữ sặc sỡ thêu khăn áo, thức trắng đêm đan những quả tú cầu đỏ ối rồi treo trước vành khăn vành mũ ngang trán mình. Nàng Pó Sờ mắt lúng liếng, má đỏ bồ quân, ne nép bên tán rừng vàng rực hoa cúc quỳ ven suối Mo Phí. Các quả tú cầu rung rinh rung rinh trước trán nàng. Bất ngờ, Pò Sờ lúng túng giằng đứt một quả tú cầu sau gáy mình, tặng cho tôi.
Tôi bảo, em thao thức bao đêm, đan dệt cả niềm thương nỗi nhớ vào mỗi quả tú cầu này, giờ cho anh sao được. Em lúc lắc khăn áo rung rinh, “a cồ” (anh) yên tâm, a nhí (em) đã có cái này rồi. Cô bé lôi ra cái đèn pin sáng loáng, đèn được bọc thổ cẩm và cũng đan dệt cầu kỳ. “Em làm thế này để mùa đông đi núi, cầm vào đèn sắt vẫn không bị lạnh tay”. Ở cuối đèn, chỗ tháo lắp thay pin, em cũng buộc tua rua một quả tú cầu rực rỡ. Pó Sờ lặng lẽ tháo tú cầu đèn pin buộc ra sau gáy mình.
Bước xuống núi của em tung tăng, thũng thẵng, ngúc ngoắc các quả tú cầu đón xuân. Em về, đi cắt cỏ gianh, đan các tổ én tròn và êm mượt treo lên trước hiên nhà.
Người Hà Nhì có hơn một vạn dân, chủ yếu sống ở vùng biên cương xa xôi của ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai. Xưa, nơi ấy giặc giã trộm cướp nhiều, nên đã thành truyền thống, người Hà Nhì lành hiền bao giờ cũng làm nhà như các pháo đài, lô cốt bí ẩn.
Tường chình đất dày cả nửa mét. Trong nhà ngoắt ngéo như địa đạo tối om. Mái nhà lợp gianh dày nửa mét, rêu xanh và đủ loại cây cối theo lũ chim ăn hạt tụ về, cứ mọc xanh um. Và mùa chim én, thiếu nữ Hà Nhì bao giờ cũng làm những việc lãng mạn: đan tổ treo lên mái nhà để dụ én mang ấm no, mang tình yêu và những điều đáng sống nhất cho gia đình và bản làng mình.
Trẻ em trong tết Có Nhẹ Chà.
Cảnh các cô bé đi lấy cỏ gianh, dệt tổ én mịn màng nâu xám treo lên trước hiên ủ nhà đỉnh núi, bốn bề ướp ủ đầy sương khói, rồi cái rét len lén khiến bếp lửa nào cũng mơ màng khói lên. Và én chao nghiêng mê mải về xây tổ ấm. Cảnh ấy, nó thơ hơn mọi bài thơ. Nó lãng mạn hơn mọi cuộc tình có hát cả “sơn nữ ca”.
Người Hà Nhì và người Pu Péo ở biên cương phía Bắc đều có lễ cúng rừng, mong thần rừng che chở, rừng gọi mưa xuống, rừng đừng cho lũ ác chạy về, rừng cưu mang mùa vàng và cả họ hàng nhà con nai con hoẵng.
Đặc biệt hoang sơ, phải kể đến nghệ thuật đẽo các “bùa chú” trong lễ cấm bản của người Hà Nhì. Suốt nhiều năm gắn bó, chúng tôi đi khắp từ vùng Mù Cả của Mường Tè sang vùng Sín Thầu, Chung Chải của Mường Nhé.
Miền rừng mênh mông và hoang vu quyến rũ nhất Việt Nam đó, người Hà Nhì đã khiến tôi thảng thốt, ngưỡng mộ và đắm say. Tết, họ bảo, đón tổ tiên và đón thần linh về cùng ăn cơm mới.
Vậy thì phải chọn ngày con Rồng hoặc con gì tuyệt gần như con Rồng mà cỗ bàn tiệc rượu. Họ tính theo lịch âm, họ sử dụng nhiều tiếng Quan Hỏa cổ nên ngày con Rồng và các bài cúng của họ khiến tôi ít hiểu được.
Chỉ biết, ngày ăn Tết không cố định. Già làng trưởng bản chọn ngày. Các nghi lễ cầu kỳ và hồn nhiên của họ đều đáng để các nhà nghiên cứu khảo trong vài thập niên. Cái điều làm tôi thích nhất, có lẽ là thủ tục đẽo sinh thực khí, đẽo các vật thiêng, bùa chú để cầu may và bảo vệ bản làng.
Các hình treo ở đầu cổng trước bản, trong lễ Cấm bản của người Hà Nhì.
2. Năm ấy, tôi lạc vào các lễ hội mùa xuân của bản Hà Nhì. Sừng Khai và anh Dần Sinh dưới sự chỉ huy của bậc túc nho Pờ Sỹ Tài đang phải làm một nghi lễ quan trọng để đón cái Tết tên là Có Nhẹ Chà giữa rừng già.
Trong khi người xuôi đắm đuối bán buôn tấp nập với niềm tin mãnh liệt “cả năm thua đau làm giàu chỉ ba ngày tết” rồi lại còn thường trực phải ước ao chuyện thịt thà mỡ màng; thì với Sín Thầu xa xôi, bà con Hà Nhì đón tết vạm vỡ, lãng tử và thơi thới “tứ hải giai huynh đệ” lắm. Ít nhất 3 ngày 3 đêm tiệc tùng liên miên, uống rượu thì cứ mời bằng bát và mỗi lần mời là xòe đủ năm ngón tay ra để đếm bát.
Rượu là thảm họa nếu lạm dụng, nhưng ngày Cấm Bản họ uống một chút và say êm đềm men lá rồi rúc vào hơi ấm bếp lửa đánh một giấc thẳng cẳng cũng chẳng sao. Cấm bản tức là đóng cửa bản, cấm được mở. Khách vào rồi thì cứ vui hết nhà nọ sang nhà kia, không được phép tìm đường về. Khách mới không được vào nữa.
Vì cửa bản đóng, cần giữ thanh sạch cho thần linh về đón Tết, nếu ai đó lỡ mở ra thì quỷ sẽ vào. Bản sẽ phải làm lễ đuổi ma quỷ và đóng cửa bản lần nữa. Người gây ra việc vô tình mở cửa sẽ phải bị phạt vài con lợn cúng, mỗi con nhất thiết phải tầm 20-30kg. To hơn và bé hơn đều không được.
Trong rừng già của người Hà Nhì ở A Pa Chải.
Để làm được lễ Cấm bản thì trai tráng phải đi chặt những cây gạo gai lớn, làm cái cổng chào gai góc đầy hăm dọa. Để ma tà không dám đến gần mà làm hại lương dân. Chưa hết, họ đẽo cung tên, giáo mác, đẽo cả súng lục súng trường kèm theo lựu đạn. Họ nhặt cả lựu đạn và súng ống hoen ghỉ trong rừng già từ thời Chiến tranh Biên giới ra mà treo lúc lỉu xung quanh các phom cổng bằng cây gạo gai.
Để làm gì? Đề trừ dọa ma tà quỷ sứ. Để bản làng và các con dân được bình yên trong năm mới. Để thánh thần không quở trách, đặc biệt là thần trâu trắng ở miếu Nhù Hồ không cảm thấy bị báng bổ.
Thú vị nhất là các hình đẽo bằng gỗ được treo lên để cầu sự phồn thực, sum suê, sai lạc cho người và thiên nhiên. Không cầu kỳ như tượng nhà mồ Tây Nguyên, người Hà Nhì đẽo tượng này ngẫu hứng và giản dị hơn. Nó thể hiện một tín ngưỡng nguyên thủy, một cuộc sống ban sơ.
Một cách nhìn đời trong trẻo, nhuốm chút màu cổ tích. Sừng Khai đẵn gỗ gạo ở chính cây gạo gai vừa ngả để dựng cổng chào. Anh gọt, phang, đẽo phăm phăm, vỏ gỗ bay trắng xóa không gian. Lúc khiển rừu, lúc lại dùng con dao đi rừng. Tỉ mẩn như cậu bé đẽo quay, đẽo cắng súng cao su vậy…