Mỏ vàng Bồng Miêu vẫn ‘nóng hầm hập’
Cơ quan chức năng đã không biết bao lần phối hợp truy quét, đẩy đuổi nhưng cứ vắng bóng nhà chức trách thì mỏ vàng Bồng Miêu lại đông người khai thác vàng lậu.
Một trong những hầm lò chèn chống nguy hiểm ở mỏ vàng Bồng Miêu.
Ngay sau khi Đại Đoàn Kết có bài ‘Thế giới ngầm’ ở mỏ vàng Bồng Miêu (ngày 7/4), phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép đang náo loạn ở mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, lực lượng chức năng đã tiến hành tổ chức truy quét.
Cụ thể ngày 18/4, lực lượng chức năng Công an huyện Phú Ninh phối hợp với và Phòng CSĐT tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức truy quét tại các khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Tại đây lực lượng chức năng đã đẩy đuổi hàng trăm người tham gia khai thác vàng trái phép.
Thế nhưng điều đáng nói là tình trạng náo loạn ở Bồng Miêu đã xảy ra rất nhiều năm nay mà Đại Đoàn Kết đã liên tục phản ánh. Cơ quan chức năng đã không biết bao lần phối hợp truy quét, đẩy đuổi và đã có nhiều cái chết vì tai nạn lao động trong hầm lò hay sạt lở núi bị đất đá chôn vùi nhưng tất cả rồi đâu lại vào đó.
Khi lực lượng chức năng rút đi thì những người khai thác vàng lại tiếp tục bòn vàng, khai thác quặng.
Tiêu hủy lán trại khai thác vàng trái phép.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Thành Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết: “Chúng tôi tổ chức truy quét đẩy đuổi liên tục vẫn không thể dẹp hết nạn khai thác vàng trái phép. Bởi vì tại mỏ vàng Bồng Miêu có hàng trăm hang động mà người Pháp trước đây thác vàng để lại, hầm hố lâu đời nứt nẻ rất hiểm nguy tìm ẩn rất nhiều nguy cơ sập hầm. Cho dù chính quyền địa phương nghiêm cấm người dân vào đây và thường xuyên tổ chức truy quét, thế nhưng họ vẫn tìm cách trốn vào đây ăn, ở tại chỗ tìm cách khai thác vàng trái phép, hiểm nguy thật khó lường”.
Theo ông Vinh, sau khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu dừng hoạt động thì nạn khai thác vàng trái phép càng ngày càng nóng hơn, nổi cộm nhất là khu vực núi Kẽm, Thác Trắng, Đồi Sim,… và trong các hầm lo. Nhiều người dựng lán trại trên núi rừng và vào trong hầm để khai thác rất nguy hiểm, vì các cây chống hầm lò lâu ngày bị mục nguy cơ sập hầm rất cao.
Qua tìm hiểu của phóng viên, các phu vàng khai thác trái phép tại đây, không chỉ là người địa phương mà người dân ở các đại phương khác cũng đổ về đây để làm. Thậm chí họ đi cả gia đình, tổ chức làm lán trại, ăn ở tại chỗ khai thác quặng vàng.
Đồi núi mỏ vàng Bồng Miêu bị cày xới tan hoang.
Phóng viên Đại Đoàn Kết đã không ít lần mạo hiểm vào trong hầm lò và các bãi vàng để tìm hiểu tình hình khai thác vàng trái phép tại đây và đã chứng kiến cảnh tàn phá rừng núi để khai thác quặng vàng nơi đây. Những hầm hố ngang dọc, đất đá bị cày xới. Có thời điểm hàng chục lán trại nằm ẩn trong các cánh rừng, những tiếng máy nổ, máy xay đá, tiếng cưa cắt gỗ,… nổ ầm vang như một đại công trường. Trong hầm lò hàng trăm nẻo quanh co dài hàng cây số lên xuống dốc đá, sạt lở bất thường. Thế nhưng bất chấp tất cả họ vẫn tổ chức khai thác vàng trái phép.
Ông Vinh cho biết, tháng trước qua kiểm tra 3 đợt đã phát hiện phá hủy 4 máy nổ, hai máy xoay, 3 máy bom nước, 750 mét dây điện, 800 mét dây dẫn nước, 10.000 mét bạc, tất cả là để phục vụ cho khai thác vàng trái phép. Đáng lo ngai khi phát hiện có đến 22 hồ chứa hóa chất khoảng 270 m3, 3 tấn vôi,… đã đẩy đuổi gần 200 người ra khỏi khu vực.
Máy xay đá quặng của những người khai thác vàng trái phép.
Thế nhưng ngày 18/4, lực lượng chức nặng trong khi đi kiểm tra đã phát hiện hàng trăm người tập trung khai thác vàng trái phép. Tập trung đông nhất vẫn là ở khu vực núi Kẽm, Thác Trắng, Đồi Sim, Suối Tre, Lò 10,… thuộc xã Tam Lãnh. Lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra đã tiêu hủy nhiều máy nổ, tiêu hủy 5 thùng hóa chất… và thu giữ gần 3 tấn đá quặng, lập biên bản và thu giữ 4 xe máy.
Có lẽ chính quyền địa phương đã bất lực với vấn nạn khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu. Tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, tìm ẩn nhiều hiểm nguy về tai nạn lao động, về ô nhiễm môi trường, về trạt tự an ninh tại địa phương.