Cà Mau: Phát huy thế mạnh nuôi tôm sinh thái
Với mục đích bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế cho người dân, đẩy mạnh nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, là hướng đi mới trong những năm gần đây của tỉnh Cà Mau trong phát triển nuôi trồng thủy sản.
*Dự kiến tăng diện tích nuôi tôm sinh thái lên 37.800ha
Mô hình rừng- tôm kết hợp đã phát huy được hiệu quả và mang tính bền vững.
Mô hình nuôi tôm sinh thái xuất hiện ở Cà Mau cách đây khoảng 10 năm nhằm tận dụng tiềm năng và lợi thế vốn có của địa phương để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản. Trong những năm qua, Cà Mau đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các dự án của các tổ chức quốc tế trong phát triển nuôi trồng thủy sản.
Cà Mau có khoảng 70.000 ha rừng ngập mặn, trong đó có 30.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện có 14.000 ha được công nhận nuôi tôm sinh thái. Đây là chiến lược phát triển để nâng cao vị thế tôm đất Mũi. Các hộ đăng ký nuôi tôm trên đã được chứng nhận vùng nuôi sinh thái, với diện tích 2.696,5 ha theo tiêu chuẩn Nanurland.
Ban quản lý đã mở rộng thêm hơn 1.800 ha nuôi tôm sinh thái, dự kiến cuối năm nay sẽ được công nhận đạt tiêu chuẩn trên. Người dân được hướng dẫn trồng rừng, kỹ thuật nuôi tôm, tạo ra sản phẩm sạch bán được với giá cao.
Lợi ích mà mô hình nuôi tôm sinh thái mang lại là bảo đảm lợi nhuận cao nhất cho người dân, khi đầu ra sản phẩm được Cty CP Thuỷ sản Minh Phú cam kết thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 10%. Ngoài ra, phát triển nuôi tôm sinh thái có rất nhiều cái lợi, nhà nông được nâng cao năng lực, trình độ nuôi tôm, họ nhận thức được việc bảo về rừng là trách nhiệm và có thể đối thoại trực tiếp về giá cả với doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhờ tôm được chứng nhận sinh thái, bà con còn được hỗ trợ dịch vụ chăm sóc rừng. Cơ quan chức năng có điều kiện quản lý tốt vùng nuôi, tiết kiệm được chi phí quản lý. Doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế về vùng nuôi cho sản phẩm tôm sạch, có uy tín trên thị trường.
Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đang có dự án hỗ trợ 19,6 triệu USD để phát triển nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau. Sở NT &PTNT nỗ lực đàm phán và tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân biện pháp bảo vệ môi trường; hỗ trợ trồng rừng đảm bảo đủ diện tích.Xây dựng hệ thống thủy lợi, hạ tầng để đáp ứng yêu cầu vùng nuôi, đảm bảo các yêu cầu của đối tác.
Nuôi tôm sinh thái theo mô hình sản xuất luân canh lúa- tôm.
Thương hiệu tôm sinh thái của Cà Mau đã được các nước trên thế giới rất ưa chuộng. Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, đến năm 2020 tỉnh phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt 27.800ha và trên 10.000ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận.
Tỉnh phấn đấu có từ 4.000-5.000 ha diện tích nuôi tôm được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng nhân rộng nuôi tôm quảng canh kết hợp đa dạng đối tượng nuôi trên diện tích 100.000 ha, nuôi tôm sinh thái theo mô hình sản xuất luân canh lúa-tôm trên diện tích 53.000ha.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay, địa phương đã triển khai các giải pháp để phát triển ngành hàng tôm sinh thái. Theo đó, Cà Mau tiếp tục xây dựng hoàn thiện Quy hoạch nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để sớm triển khai thực hiện.
Giải pháp thực hiện là hợp tác với trường Đại học Cần Thơ xây dựng Đề án phát triển hàng tôm sú sinh thái, nghiên cứu để chứng nhận đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC…
Bên cạnh đó, đầu tư cho nghiên cứu cải tiến quy trình nuôi tôm sinh thái để nâng cao nâng suất và hiệu quả; tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng nuôi quy mô lớn có sự quản lý của cộng đồng và sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường...