Thảm cảnh trẻ di cư tới châu Âu phải bán thân trả nợ
Những đứa trẻ di cư ở Hy Lạp tìm cách đến Anh và nhiều nước khác ở Bắc Âu đang bị buộc phải bán thân để có tiền trả nợ cho những kẻ buôn người đã giúp vượt biển đến châu Âu, theo một báo cáo mới mà ĐH Harvard công bố hôm 19/4.
Những đứa trẻ di cư trong một trại tập trung ở Đông Bắc Hy Lạp. (Nguồn: Guardian).
Báo cáo trên, do TS Vasileia Digidiki và GS Jacqueline Bhabha thuộc Trung tâm sức khỏe và nhân quyền của ĐH Havard thực hiện, đã cho thấy cái mà nhóm tác giả mô tả như “một thứ bệnh dịch lạm dụng tình dục và lạm dụng những đứa trẻ di cư ở Hy Lạp”. Báo cáo trên cho hay, trẻ em di cử đến từ các vùng chiến sự gồm Syria, Afghanistan và Pakistan đang cố gắng đến châu Âu đã bị mắc kẹt ở Hy Lạp, không thể chi trả chi phí cho những kẻ buôn người đã giúp chúng.
Bởi vậy, như một hậu quả, nhiều trẻ em di cư đã phải bán thân để cố gắng trang trải chi phí cho hành trình tới châu Âu.
“Tình trạng khẩn cấp này không thể bị phớt lờ thêm nữa. Chúng ta không thể ngồi im trong khi trẻ em di cư bị lạm dụng và buộc phải bán thân ngay giữa trung tâm Athens chi để sống sót” - ông Digidiki nói.
Báo cáo trên cho hay giá trung bình cho một giao dịch bán thân với trẻ em di cư là khoảng 15 Euro. Nhóm trẻ em bị buộc phải bán thân là những thiếu niên người Afghanistan và Syria, Iraq và Iran. Những kẻ ở bên mua chủ yếu là đàn ông có độ tuổi trên 35.
Được biết, những kẻ buôn người thường đưa ra cái giá cắt cổ hàng nghìn Euro cho mỗi hành trình đến châu Âu, bởi vậy dù đã phải bán thân nhưng rất nhiều trẻ em di cư vẫn không thể trả đủ số tiền khổng lồ này.
Theo các cơ quan bảo vệ trẻ em ở Hy Lạp, trong năm 2016, nước này đã tiếp nhận khoảng 5.174 trẻ em di cư không có người lớn đi kèm. Cũng chính nhóm trẻ em này là nhóm chịu rủi ro bị lạm dụng tình dục cao nhất. Nhưng đến tháng 12/2016, chỉ có 191 trẻ em trong nhóm này được chuyển tới các nước châu Âu. Có gần 50% trẻ em di cư ở Hy Lạp đang phải chờ đợi được chuyển tới các nước châu Âu.
Trong khi báo cáo nói rằng, chính quyền Hy Lạp cũng đã đưa ra một số biện pháp giải quyết vấn đề về trẻ em di cư, trong đó gồm sắp xếp chỗ ở cho chúng ở các trung tâm và trại tập trung, nhưng rất nhiều trẻ em vẫn chưa được tiếp cận với các cơ sở này và chịu rủi ro bị lạm dụng và hứng chịu bạo lực.
Báo cáo còn cho biết tình trạng lạm dụng trẻ em xảy ra cả ở khu vực nông thôn và thành thị ở Hy Lạp. Một số trẻ em buộc phải bán thân còn bị nghiện, khiến cho chúng càng khó kiếm đủ tiền để trả nợ cho những kẻ buôn người hay rời khỏi Hy Lạp để tiếp tục hành trình của mình.
Báo cáo cũng kêu gọi chấm dứt tình trạng bắt giữ trẻ em di cư ở Hy Lạp, lập nên các cơ sở tập trung dành riêng cho trẻ em di cư bị lạm dụng, cải tiến hệ thống bảo đảm sự an toàn cho trẻ di cư, thu thập thông tin trẻ em tốt hơn, cắt cử đội ngũ phiên dịch viên đến các khu vực có trẻ em di cư… Từ đó, báo cáo đưa ra kết luận rằng: “Sự thất bại trong việc bảo vệ trẻ em di cư đang ảnh hưởng đến một số lượng lớn những đứa trẻ và cả người di cư ở độ tuổi lớn hơn ngay ở châu Âu”.
Báo cáo cũng xác nhận các trường hợp cưỡng hiếp và nhiều dạng tấn công tình dục khác đối với trẻ di cư ở các trại tập trung, mức tăng đột biến nạn tảo hôn và nhiều trẻ em bị các băng đảng tội ác tống tiền bằng các bức ảnh “đen tối” - dọa sẽ gửi những bức ảnh này cho gia đình trẻ di cư.
Đồng tác giả báo cáo - GS Bhabha nhấn mạnh: “Báo cáo này đã đưa ra một khía cạnh đáng quan tâm về cuộc khủng hoảng di cư hiện tại: Trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ phải lựa chọn bán thân như một cách sống sót”.
“Điều cấp thiết hiện tại là các cơ quan khu vực và quốc tế cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề trẻ em di cư bằng cách thay đổi hướng tiếp cận của họ, và lập tức triển khai các nguồn nhân lực, tài chính để làm thay đổi tình thế hiện tại” - bà Bhabha cho hay.
Chính phủ Anh cho hay, họ đã chuyển trên 900 trẻ em di cư không có người đi kèm ở nhiều khu vực trên khắp châu Âu tới nước họ trong năm 2016, trong đó có 750 trẻ em từ Pháp nhằm hỗ trợ chính quyền Paris dẹp bỏ trại di cư ở Calais. Có khỏang 200 trẻ di cư đã được chuyển tới Anh nhờ Điều 67 của Đạo luật Di cư 2016. 150 trẻ em khác dự kiến sẽ được tới Anh trong các tháng tới.
Chính phủ Ireland, trong khi đó, cũng đang triển khai một chương trình tái định cư cho những trẻ em di cư không có người đi kèm. Tính đến nay đã có 21 trẻ di cư từng ở trại Calais, Pháp được chuyển tới sinh sống ở Ireland và 6 trẻ em khác đến từ Hy Lạp cũng đã được sắp xếp.