Tăng cường phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội
Ngày 19/4, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý Dự thảo Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” đến năm 2020. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó ban Chỉ đạo 138/CP Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thời gian qua, để hoàn thiện đề án, Mặt trận đã tổ chức lấy ý kiến của các thành viên trong tổ biên soạn và ý kiến của các địa phương góp ý vào đề án. Hội nghị lần này là lần góp ý cuối cùng trước khi đề án được công bố và ban hành.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, với mục tiêu nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, đề án chú trọng vào tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên; hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới; bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã mới; bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và 50% đối tượng truy nã mới phát sinh.
Đồng thời, ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”; chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Từ đó nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và cán bộ làm công tác thi hành án hình sự.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết phải phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách.
“Cần xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với trường hợp để xảy ra tội phạm tăng hoặc phức tạp kéo dài. Cùng với đó phải tăng cường mối quan hệ phối hợp liên ngành trong phòng, chống tội phạm; Nắm chắc diễn biến hoạt động của tội phạm, thống kê, dự báo chính xác về tình hình tội phạm phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống tội phạm”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu.
Theo ông Đinh Ngọc Sơn, Vụ Quốc phòng - an ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu và nội dung của đề án đã bám sát, phù hợp với nội dung đã nêu trong Quyết định 199 của Thủ tướng đã phê duyệt trước đó về chương trình phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, việc xây dựng đề án cần rút gọn hơn và chỉ nên đưa những nội dung mang tính sát thực và thật sự cần thiết.
Ông Sơn nhấn mạnh: Đây là đề án sử dụng vốn sự nghiệp nên càng chi tiết càng dễ triển khai, thực hiện. Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng phê duyệt. Nếu Chính phủ chấp thuận, nguồn kinh phí này sẽ được giao thẳng về cho các địa phương để thực hiện đề án hàng năm.
Nhìn nhận dưới góc độ xã hội, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: Đề án đã kế thừa các phong trào, các CVĐ trước đó cho phù hợp với tình hình mới.
Tệ nạn xã hội là nguyên nhân chính gây ra tội phạm, việc thực hiện đề án là cơ sở giúp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Hiền cũng nhấn mạnh đến việc phải tìm nguồn kinh phí để đảm bảo cho cán bộ cơ sở đi công tác và thực hiện mô hình. Mục tiêu, nội dung đề án xác định nhiều nhưng nếu mãi chỉ hô hào mà không có kinh phí sẽ khó thực hiện.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết đồng thời cho biết sẽ cân nhắc, tổng hợp để đề án khi được ban hành sẽ phản ánh rõ vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên về phòng chống, cảm hóa người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư đồng thời chắt lọc những nội dung cho gọn, đảm bảo chính xác những nội dung theo yêu cầu.