Nông dân khổ vì ruộng đồng ô nhiễm
Ngày 19/4, chúng tôi đến thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và được người dân ở đây cho biết tình trạng nguồn nước phục vụ canh tác bị ô nhiễm kéo dài đã lâu nhưng không được cải thiện.
Cánh đồng lúa 3 ha của thôn Lệ Sơn Nam lép hạt không cho thu hoạch (Ảnh: Thanh Tùng).
Ông Mai Hồng Lạc (trưởng thôn) và ông Lê Lộc (Phó thôn) nói rằng vụ Đông – Xuân 2016 – 2017 thôn Lệ Sơn Nam có 3 ha lúa không thu hoạch được, 7 ha sen cũng thối gốc, héo rũ. Cuộc sống của 350 hộ dân với 1543 nhân khẩu thôn Lệ Sơn Nam đang rất khó khăn.
Không chỉ thôn Lệ Sơn Nam điêu đứng vì ô nhiễm mà 2 thôn khác của xã Hòa Tiến là Nam Sơn và Lệ Sơn 2 cũng cùng chung số phận. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ái, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, ô nhiễm nguồn nước sản xuất sinh hoạt, canh tác ở Hòa Tiến xảy ra đã lâu.
Nguyên nhân ô nhiễm xuất phát từ một nhà máy tráng kẽm nằm tại thị xã Điện Bàn của Quảng Nam, tiếp giáp với xã Hòa Tiến. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cùng Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đã nhiều lần về Hòa Tiến lấy mẫu nước phân tích tìm nguyên nhân, qua đó phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam tìm biện pháp ngăn chặn ô nhiễm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo ông Nguyễn Phú Minh, cán bộ Địa chính – Xây dựng của xã Hòa Tiến, ô nhiễm nguồn nước sản xuất, canh tác ở xã Hòa Tiến trở nên trầm trọng từ giữa năm 2016.
Tháng 7/2016, Cảnh sát Môi trường; cơ quan chức năng của huyện Hòa Vang và TP Đà Nẵng đã về Hòa Tiến lấy mẫu cá chết, mẫu nước ô nhiễm tìm nguyên nhân.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng có công văn gửi UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nêu rõ: Gần khu vực thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang chỉ có phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty trách nhiệm hữu hạn T.Đ.T (Công ty T.Đ.T) ở thôn 2 Thái Sơn, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang hoạt động, có xả thải vào mương dẫn nước chảy vào khu vực đồng ruộng thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Kết quả phân tích cho thấy: Mẫu nước lấy tại kênh dẫn tự nhiên bên cạnh phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.Đ.T có thông số sắt và kẽm vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Căn cứ kết quả phân tích mẫu nước nói trên, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đã đề nghị UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty T.Đ.T, yêu cầu doanh nghiệp phải xử lý nước thải sản xuất đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, không để xảy ra tình trạng cá, vịt bị chết như thời gian qua.
Tuy nhiên, ô nhiễm nguồn nước sản xuất, canh tác có nguồn gốc từ phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.ĐT trên thực tế vẫn diễn ra trầm trọng hơn. Giữa tháng 4/2017, trên địa bàn thôn Lệ Sơn Nam, Nam Sơn, Lệ Sơn 2 xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, nổi trắng các chân ruộng.
Ngày 12/4, cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng đã về Hòa Tiến lấy mẫu cá, mẫu nước để phân tích nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả - ông Nguyễn Phú Minh cho biết.
Đến ngày 19/4, dù cá chết chỉ còn thưa thớt nhưng khi xắn quần lội thử xuống ruộng lúa, chúng tôi vẫn bị mẩn ngứa. Nguồn nước ô nhiễm làm cả cánh đồng lúa 3 ha thôn Lệ Sơn Nam bị lép hạt.
Lúa lép không thu hoạch được nhưng cũng không dám cho trâu bò ăn vì sợ ô nhiễm - người dân thôn Lệ Sơn Nam buồn bã nói. Cạnh cánh đồng lúa lép hạt là hồ sen 7 ha của ông Lê Thái Anh ở Lệ Sơn Bắc bị thối gốc, quăn lá, không cho thu hoạch. Hàng chục triệu đồng tiền giống và công sức bỏ ra coi như mất trắng.
Ô nhiễm ruộng đồng, đất đai canh tác làm hàng vạn nông dân một xã vùng ven của TP Đà Nẵng điêu đứng. Nông dân trông chờ vào xã, huyện. Xã, huyện kiến nghị đến ngành chức năng của TP.
Nguồn gốc gây ô nhiễm đã được xác định, kết quả phân tích mẫu nước kèm thông số cụ thể về tỷ lệ sắt (Fe), kẽm (Zn) vượt quy chuẩn cho phép cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng gửi UBND thị xã Điện Bàn của Quảng Nam (nơi có phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng gây ô nhiễm), đề nghị tiến hành kiểm tra, buộc cơ sở gây ô nhiễm thực hiện xử lý nước thải sản xuất đạt quy chuẩn ra môi trường nhưng sau nhiều tháng vẫn không có hồi âm.