Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó
Nhiều người lo ngại, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động rõ nhất đến một số ngành, lĩnh vực nhiều lao động, song, nếu chủ động nắm thời cơ, đây sẽ lại là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, từ đó chủ động hội nhập.
Tháng 10 này, FPT sẽ “trình làng” ô tô tự lái.
Sức mạnh của robot
Tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4.0 do Bộ Công thương tổ chức mới đây, không ít ý kiến chia sẻ tại diễn đàn bày tỏ mối quan ngại về sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đến hàng loạt lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.
Trong đó những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề phải kể đến các ngành có nhiều lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, lái xe…
Cụ thể, theo PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đó là những ngành mà rôbốt có thể làm việc thay thế con người 24/24h mà không cần “nạp năng lượng”, thậm chí không cần cả… ánh sáng, rôbốt cũng có thể làm việc với năng suất gấp nhiều lần con người.
Hiệu quả của nền công nghiệp 4.0 đối với một nền công nghiệp hiện đại là rất rõ ràng, bởi vậy, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị hết sức đầy đủ về cơ sở hạ tầng, nhân lực, trí lực, mà ở đây doanh nghiệp (DN) phải là trung tâm, nếu không chắc chắn sẽ bị “hụt hơi” trước làn sóng công nghệ này.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam tỏ vẻ băn khoăn khi đây là ngành có sức ảnh hưởng lớn nhất bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông Giang, rôbôt đang dần dần thay thế con người và lao động ngành dệt may sẽ phải giảm đi một số lượng lớn.
Đơn cử, một nhà máy có 30.000 cọc sợi trước đây phải cần tới 450 lao động, thì bây giờ cũng vẫn 3 vạn cọc sợi như thế chỉ cần tối đa 30 người. Đấy là đối với ngành sợi, còn với ngành dệt, trước đây một công nhân có thể chỉ đứng 2 máy, nhưng hiện nay một người có thể đứng 8 đến 10 máy, thậm chí 12 máy. Hay ở một số công đoạn trong ngành may, máy móc đã làm thay cho con người. “Cơ hội cho ngành dệt may là tăng năng suất lao động, giá cả cạnh tranh nhưng thách thức là dôi dư lao động phổ thông”- ông Giang đặt vấn đề.
Không quá quan ngại
Ở một khía cạnh khác, mặc dù thừa nhận cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ cướp đi nhiều cơ hội việc làm cho lao động ngành dệt may song theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, robot sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người, bởi theo vị này, ngành dệt may còn nhiều khâu mà rôbốt “bó tay”, không thể làm được như khâu thiết kế thời trang, khâu này chẳng lẽ dập khuôn một kiểu thì làm gì còn cái gọi là “sáng tạo” và đương nhiên ngành này không chấp nhận sự dập khuôn, tẻ nhạt. Cũng theo ông Dương, đây sẽ là cơ hội để các DN ngành dệt may nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư vào hiện đại hóa công nghệ, máy móc trong các dây chuyền sản xuất.
Nhiều DN dệt may cũng cho biết, đã chuẩn bị đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách khá bài bản. Đơn cử như công ty Cổ phần may Sài Đồng (Hà Nội) hiện đã bắt đầu đưa vào ứng dụng 4.0 như dây chuyền treo tự động, tới đây tiếp tục đưa một số máy móc được lập trình tại một số khâu vào ứng dụng.
Theo dự đoán của các chuyên gia ngành dệt may, đến năm 2025 tự động hóa đối với ngành may, (ngành dệt có thể tự động hóa nhiều hơn) “may ra” được khoảng 30%.
Trong khi, hiện tại ngành may đã tự động hóa được 20%. Trong vòng 10 năm tới hy vọng tự động hóa thêm 10% nữa, do đó, 4.0 không quá đáng ngại với ngành may hiện nay.
Một trong những DN đi đầu với cuộc cách mạng khoa học công nghệ này phải kể đến FPT khi lãnh đạo FPT Software mới đây đã đưa ra lời tuyên bố rằng: Vào tháng 10 năm 2017, doanh nghiệp này sẽ cho ra đời chiếc xe ô tô tự lái, sản phẩm do chính FPT sản xuất.
Cụ thể, tại Hội thảo về tương lai công nghệ ô tô và rôbốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do FPT tổ chức hôm 15-4 vừa qua, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software đã công bố với lời khẳng định chắc chắn rằng: “Đến tháng 10 năm nay, các bạn sẽ nhìn thấy chiếc ô tô tự lái do chúng tôi làm”.
Theo chia sẻ của lãnh đạo FPT, Công ty này hiện đang đầu tư mạnh cho các công nghệ như: hệ thống hỗ trợ người lái, hệ thống nhận diện làn xe tự động, tự động phanh, phát hiện ra người đi hộ, camera 360 với khả năng chính xác trên 90% trong điều kiện ánh sáng ban ngày và khoảng 80% trong điều kiện ban đêm.
Những động thái nói trên của cộng đồng DN Việt cho thấy, họ đang rất nỗ lực chủ động đầu tư công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để có thể tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dần dần thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt.