Đấu giá biển đẹp
Lâu nay, thành viên các diễn đàn về xe trên mạng xã hội vẫn tỏ ra ngưỡng mộ những chiếc xe siêu sang khoác biển “siêu đẹp”. Đâu đó cũng râm ran những đồn đoán về chuyện “đi đêm” để có biển số đẹp gắn vào những chiếc xe hơi đắt tiền. Thực hư chưa rõ nhưng có một quy luật bất thành văn “biển đẹp thường đi với xe sang”. Chỉ có vài trường hợp hãn hữu được đưa lên mạng khi biển tứ quý 9 được gắn trên xe chở rác hay một biển số đẹp khác nằm trên xe taxi.
Ảnh minh họa.
Việc đấu giá biển số đẹp đã lên bàn nghị sự Quốc hội khi nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc đấu giá biển số xe giống như các công ty di động đang làm với sim số đẹp. Đồng tình, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng có thể coi đấu giá biển số xe để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Để cụ thể hóa, mới đây, Bộ Công an đã họp lấy ý kiến vào Dự thảo Đề án đấu giá biển số xe. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng biển số ôtô nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời tăng tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong lĩnh vực này. Trung tướng Sơn cũng cho biết, khi chưa có phương án tối ưu để đấu giá biển số xe, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ đưa ra lộ trình thí điểm.
Theo đó, việc đấu giá biển số xe chỉ thực hiện với những biển số xe dành cho tổ chức, cá nhân trong nước (biển trắng chữ đen). Giá khởi điểm với biển số ôtô tối thiểu gấp 10 lần, với biển số môtô gấp 5 lần lệ phí đăng ký. Những biển được lựa chọn đấu giá: Biển gồm các số tự nhiên giống nhau, biển gồm dãy số tăng liên tiếp, biển có tổng các chữ số là 8, 9, hay biển gồm các chữ số lặp…
Theo Đề án đấu giá biển số xe, số tiền đấu giá biển số xe thuộc về ngân sách địa phương. Hội đồng đấu giá sẽ tạm thời được để lại 20% sử dụng cho việc mua sắm phương tiện, in ấn biểu mẫu, sổ sách; 80% nộp vào KBNN. UBND cấp tỉnh có quyền quyết định chi số tiền này cho mục đích từ thiện nhưng phải báo cáo Bộ Tài chính để theo dõi...
Không phải đến bây giờ, việc đấu giá biển số xe mới được bàn thảo. Năm 1993, một số địa phương và cả Cục Cảnh sát giao thông cũng từng đề xuất về việc này. Sau đó, đã có Bình Thuận và Nghệ An thí điểm đấu giá biển số xe thu tiền dành cho công tác từ thiện.
Tuy nhiên, việc đấu giá biển số xe khi đó bị Bộ Tài chính và Bộ Công an “tuýt còi”. Một lãnh đạo thời đó cho rằng, biển số xe là tài nguyên quốc gia không thể đấu giá vì tạo ra sự bất bình đẳng trong thụ hưởng giữa người nghèo vào người giàu.
Thêm một trong số những “rào cản” đối với việc đấu giá biển số xe xuất phát từ quy định của pháp luật. Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá. Ngoài ra, việc mua, bán biển số xe” như hiện nay thì chuyển thành “cấm hành vi mua bán biển số xe trái phép”.
Một đại biểu Quốc hội tính toán, với 63 tỉnh, thành sử dụng 80 đầu số và theo Thông tư của Bộ Công an dành 20 chữ cái đầu tiên cho biển số trắng của tư nhân thì kho số tiềm năng là 160 triệu biển số dành cho xe ô tô và trong đó, có 14.400 số ngũ linh (tức là có 5 số giống nhau).
Nếu đấu giá số ngũ linh thu 1 tỷ đồng/đầu số, thì có 14.400 tỷ đồng, chưa kể các biển số khác, đại biểu này khẳng định. Đại biểu này cũng cho rằng việc đấu giá biển số đẹp có thể đem lại cho ngân sách vài chục nghìn tỷ đồng, tương đương vài tỷ USD. Số tiền này có thể giúp nhiều địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, từ thiện…
Như vậy, đến lúc này, việc đấu giá biển số xe có vẻ đã thông về mặt chủ trương. Ngoài việc đấu giá những biển “đẹp” theo sở thích chung của xã hội, nên chăng những biển không thuộc dạng đẹp nhưng gắn bó, gợi những kỷ niệm có thể cho phép người dân chọn với mức phí cao hơn biển số thông thường.
Như vậy, cơ quan chức năng sẽ có 2 kho biển số: Kho biển số đẹp dành cho đấu giá và kho biển số thường cấp ngẫu nhiên. Trong số biển cấp ngẫu nhiên thì người dân có quyền xin cấp một biển số nhất định với mức phí cao hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn sau khi đấu giá biển số là việc coi biển số xe cũng là một tài sản chứ không đơn thuần là “tấm hợp kim nhôm sắt, có dạng hình chữ nhật hoặc hơi vuông, trên đó có in những con số và chữ”.
Quy định hiện nay khi chuyển nhượng tài sản là ô tô, xe máy thì biển số cũng chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc bị CSGT thu hồi tùy trường hợp.
Nếu tiến hành đấu giá thì chiếc biển số đó phải được coi là tài sản: Khi chuyển nhượng xe, người dân được quyền giữ lại biển số xe để có thể đăng ký cho phương tiện khác thuộc sở hữu phù hợp với quy định của pháp luật. Có như vậy, người dân mới yên tâm khi bỏ tiền đấu giá biển số xe. Không ai bỏ tiền tỷ ra mua thứ có thể không thuộc về mình!