Giáo viên phải chuyển động ngay từ bây giờ
Góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực cần phải được tính đến. Trong đó, hàng triệu giáo viên là người trực tiếp giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới phải chuyển động ngay từ bây giờ, từ khâu chuẩn bị chứ không phải đến khi có sách giáo khoa thì đưa xuống cho giáo viên.
TS Nguyễn Viết Chức.
TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, căn cứ vào Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 và Nghị quyết 88/2014/QH13, trước tiên phải đặt câu hỏi đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là thế nào và bắt đầu từ đâu?. “Có phải đổi mới ngay lập tức chương trình phổ thông không? Quan điểm của chúng tôi là bắt đầu từ đổi mới tư duy quản lý giáo dục và cách thức quản lý giáo dục” – TS Chức nhấn mạnh.
Hai điều này là gốc mà chúng ta chưa bàn kỹ đã bắt đầu ngay với chương trình tổng thể. Giả sử nếu một ngày lại thấy rằng hệ thống giáo dục 12 năm là thừa sẽ giải quyết thế nào? Phải trả lời câu hỏi đó trước khi đặt vấn về chương trình phổ thông tổng thể.
Thứ hai, chương trình mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học là như thế nào? Khi xây dựng chương trình phổ thông tổng thể phải nằm trong một hệ thống chung chứ không phải “ai nhanh thì chạy trước”.
Vì vậy, cần đưa ra chương trình tổng thể về giáo dục đào tạo của Việt Nam, sau đó đưa ra lộ trình của từng cấp học. Chẳng hạn, chương trình phổ thông cần đạt cái gì, cách thức để thực hiện ra sao để sau này lên ĐH, CĐ đào tạo tiếp như thế nào để tạo ra những cử nhân, kỹ sư đạt được các yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng, không phải đào tạo lại từ đầu.
Vì vậy, chương trình tổng thể phải nằm trong giải pháp tổng thể chứ không thể chỉ đưa ra một chương trình lẻ loi và thiếu cơ sở khoa học, chung chung… Đổi mới giáo dục không thể làm cắt khúc, không thể làm riêng rẽ, riêng lẻ mà phải nằm trong một chương trình tổng thể.
Bên cạnh đó, TS. Chức cho rằng dự thảo chưa bám sát vào khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Chưa xác định, quán triệt rõ tính phổ thông của tri thức, kiến thức cung cấp cho học sinh. Phổ thông tức là đảm bảo tri thức tối thiểu cho người học, học sinh phổ thông cần phải có.
Còn nếu đặt vấn đề giáo dục phổ thông phải cung cấp tất cả tri thức cần phải có thì sẽ dẫn đến quá tải. Bởi cái gì cũng cần, không có cái gì là không cần. Nhưng phải xác định rõ, đối với phổ thông cái gì là cần nhất, không thể không có. Đây cũng là việc cần được bàn kỹ.
Sau đó là vấn đề nguồn nhân lực thực hiện. Giả sử có một nghìn người tham gia vào việc xây dựng chương trình và làm sách giáo khoa mới nhưng người sẽ thực hiện phổ biến và giảng dạy, truyền đạt tới hàng triệu học sinh thì là hàng triệu giáo viên. Như vậy, cần 1 triệu giáo viên đó chuyển động ngay từ bây giờ, từ khâu chuẩn bị chứ không phải đến khi có sách giáo khoa thì đưa xuống cho giáo viên. Lúc đó, họ làm sao tiếp thu kịp, giảng dạy đạt yêu cầu? Bao nhiêu công sức nghiên cứu ra chương trình sách giáo khoa mới chẳng phải lãng phí?. “Ở đây, tôi chưa bàn đến nội dung Dự thảo mà là về cách làm còn thiếu cân nhắc, vội vàng” – TS Chức bày tỏ.
Theo TS Chức, giáo dục vô cùng cần sự ổn định. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm xương máu về sự thay đổi vội vàng trong giáo dục. Lần này lại vội vàng như thế, liệu có gì sai sót xảy ra không?.
TS Chức cho rằng: Đổi mới cần căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước đồng thời căn cứ vào tình hình giáo dục trên thế giới để tiếp cận với cái mới. Dự thảo cũng bắt đầu nói đến cuộc cách mạng 4.0 nhưng chưa đề cập rõ các nước đang đổi mới như thế nào?
Giáo dục hiện nay của Việt Nam, theo TS Chức chưa đến mức không ra gì như một số ý kiến bi quan nhận xét: “Tôi cho rằng vẫn có những người thầy giáo, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục đáng trân trọng… Việt Nam là một nước chưa phải giàu có, còn thiếu thốn nhiều. Phải phát huy tinh thần trong thiếu thốn có kết quả giáo dục tốt, chúng ta đã có những thành tích trong giáo dục khiến bạn bè thế giới phải nghiêng mình kính nể vì một đất nước nghèo như thế vẫn có thể có một nền giáo dục tốt”.
Bây giờ không thể quá vội vàng thúc giục nhau khiến người trong cuộc vội vàng. Vội vàng trong giáo dục sẽ gây ra hệ lụy trong nhiều năm, ảnh hưởng đến một thế hệ.
“Tôi tha thiết đề nghị không vội, cứ triển khai bình tĩnh. Một là triển khai giữ gìn những cái mình đang làm tốt, hạn chế những cái dở. Giáo dục không thể ngừng nghỉ một ngày. Mùa hè là mùa nghỉ của học sinh chứ ngành giáo dục không phải là mùa nghỉ. Hệ thống liên tục như vậy đòi hỏi phải giải quyết một cách căn cơ”.
Những việc gì đang làm tiếp tục làm cho tốt. Những gì thuộc về đổi mới phải đặt ra một chương trình không phải chỉ 5 năm mà có thể 10-30 năm liên tục và vạch ra những lộ trình rất rõ rệt.
Vội vàng trong giáo dục là thất bại. Từ vội vàng, dẫn đến làm ẩu và dẫn đến những chỗ không trung thực thì mọi sự đều bỏ đi hết.
Anton Makarenko (1888-1939), nhà sư phạm vĩ đại người Ukraina đã nói: Trong giáo dục chỉ pha chút giả dối thôi thì toàn bộ nền giáo dục vứt đi, cho nên những người làm giáo dục hơn ai hết phải tránh những nguyên nhân khách quan làm cho việc làm của mình không được minh bạch.
Giáo dục là chuyện của cả đất nước. Quan tâm đến giáo dục là chuyện của toàn xã hội, của toàn Đảng, toàn dân. Quan tâm ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là đừng cố gắng tìm xem người khác có khuyết điểm gì mà phải chung sức chung lòng, lắng nghe lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời khuyến khích động viên những người đang làm.
Nói không phải để chỉ trích những người đang làm mà là để góp phần xây dựng. Ngược lại, những người đang làm cũng phải lắng nghe những ý kiến đóng góp để mọi thứ tốt đẹp hơn.