Đuối nước - nguy cơ thường trực với trẻ em

Nghĩa Toàn 20/04/2017 08:50

Theo ước tính của WHO, mỗi năm có 388.000 người chết do đuối nước trên toàn thế giới, trong đó có 45% dưới tuổi 20. Đuối nước gây tử vong đứng thứ 13 trong tổng số nguyên nhân tử vong ở trẻ em dưới 15 tuổi. Tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.

Nguy cơ đuối nước trong mùa hè rất cao (ảnh minh họa).

Chiều 19/4, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, gia đình bệnh nhi T (nữ, 8 tuổi) nhập viện từ ngày 12/4 đã xin cho cháu về nhà vì khả năng cứu chữa không còn. Sự việc xảy ra khi bố cháu T. tắm cho con thì có việc phải đi ra ngoài 30 phút. Sau khi quay lại, người bố đã thấy con gái bị đuối nước trong bồn tắm của gia đình.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, da môi tái, hôn mê sâu, đồng tử giãn, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng tử vong cao.

Mặc dù được các bác sĩ điều trị tích cực như: hồi sức hô hấp/tuần hoàn, chống phù não, tuy nhiên, sau mấy ngày điều trị, cháu bé vẫn hôn mê sâu, phản xạ ánh sáng yếu, rối loạn nước điện giải.

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn – Trưởng Khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nhi Trung ương nói: “Do bị ngạt nước quá lâu nên nếu có cứu sống được thì khả năng di chứng của bệnh nhi vẫn còn rất cao”. Sau 1 tuần tích cực cấp cứu nhưng không còn khả năng cứu chữa, gia đình đã xin đưa bé về nhà.

Đuối nước không chỉ xảy ra đối với các trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, đuối nước là mỗi nguy cơ luôn thường trực trong mùa mưa bão, hay trong mùa hè nóng nực. Như trường hợp củ 4 em học sinh trường THCS Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Hòa, tỉnh Gia Lai rủ nhau đi tắm hồ vừa qua.

Với trẻ em, kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian “vàng” để được nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi thỏa thích sau những tháng ngày miệt mài học tập. Ngoài các trò chơi trên các sân, bãi, còn thiếu vắng, tìm đến bơi lội ở biển, hồ, sông suối được nhiều em thích thú.

Thế nhưng, nguy cơ tai nạn đuối nước vẫn đang là nỗi lo thường trực không chỉ của riêng các bậc phụ huynh, mà trở thành hiểm họa cho toàn xã hội, cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17, ngày 16/5/2016 về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.

Để hạn chế nạn đuối nước ở trẻ em, gia đình là nhân tố quan trọng hàng đầu. Các em nhỏ cần được quan tâm, chăm sóc của gia đình, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng nông thôn, nơi có nhiều ao hồ nguy hiểm, cần phải dạy và tập cho các em những kiến thức bơi lội an toàn.

Các địa phương cần triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi an toàn vào trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy bơi, tiếp tục mở các điểm trông giữ trẻ mùa lũ…

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho chính mình và có thể giúp đỡ người khác hoặc chính người thân của mình khi gặp phải dạng sự cố này, mỗi người cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để phòng tránh và xử lý khi bị tai nạn dưới nước.

Trước khi xuống hoạt động dưới nước, mọi người cần phải khởi động thật kỹ, đồng thời thực hiện các động tác làm quen với nước để tránh bị chuột rút hay sốc nhiệt khi gặp nước lạnh.

Khó có thể ước tính được số ca đuối nước nghiêm trọng nhưng không gây tử vong. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 15 tuổi, ước tính số ca đuối nước không gây tử vong dao động khoảng từ 2 - 3 triệu ca/năm.

Trong số tất cả các ca đuối nước được báo cáo của các tổ chức thành viên WHO, tỷ lệ tử vong là khá cao. Đối với mỗi ca tử vong, người ta ước tính có khoảng từ 1 – 4 vụ không gây tử vong nhưng đủ nặng phải nhập viện.

Đối với trẻ em sống sót sau đuối nước, nhiều em phải chịu hậu quả thương tật lâu dài gây ra nhiều khó khăn cho gia đình, với các chi phí chăm sóc y tế không thể ngăn cản được.

Các số liệu toàn cầu chỉ ra rằng có khoảng 28% trong số tất cả những ca tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em là do đuối nước và 1,1% của tổng số năm sống điều chỉnh theo tàn tật (DALYs) bị mất đi ở trẻ em dưới 15 tuổi tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình là do đuối nước không gây tử vong.

Nghĩa Toàn