Tố Hữu: Làm thơ và yêu thương
Tôi yêu thơ văn từ nhỏ, nhưng trình độ hiểu biết của tôi có hạn, nên có lẽ vai trò thật sự của tôi chỉ là nghe anh. Nhưng bao giờ những ý kiến của tôi cũng được anh chú ý. Chỉ thế thôi tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi!..
Vợ chồng nhà thơ Tố Hữu khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Viết xong bài “Theo chân Bác”, anh tâm sự với tôi:
-“Anh có hai niềm vui, một là khỏi bệnh, hai là viết được một trường ca về Bác. Những tưởng lần này ra đi theo Bác, thế mà lại làm được một việc có ích”
Trong nhà tôi, những chỗ trang trọng nhất anh đều treo ảnh Bác: trên tường phòng khách, phòng làm việc, cả dưới mặt kính bàn giấy của anh. Hình ảnh Bác ngồi đọc báo ngoài vườn, Bác hút thuốc lá, Bác ra mặt trận, Bác tiếp văn nghệ sỹ và anh hùng chiến sỹ, v.v… đâu đâu anh cũng như thấy được ở bên Bác.
Dưới ảnh Bác là ảnh đồng chí Lê Duẩn cũng được trang trọng treo trong phòng làm việc của anh.
Anh Tố Hữu thường nói với tôi:
- Đồng chí Lê Duẩn là người đầu tiên đưa anh vào con đường cách mạng. Anh là một cán bộ lão thành từng trải từ lúc mới thành lập Đảng. Anh am hiểu phong trào và cán bộ của cả ba miền Đất nước. Không những thế, anh là một nhà chiến lược thông tuệ và tài năng của Đảng. Nhân cách cao đẹp của người cộng sản kiên trung như Anh đáng cho ta học tập noi theo.
Nhớ đến anh Lê Duẩn, anh Tố Hữu thường gợi lại câu tâm huyết giáo dục đạo đức cán bộ đảng viên: “Mỗi ngày ta nên vào Đảng một lần”.
Khi anh Lê Duẩn mất, anh đã viết tặng một bài thơ dài “Nhớ về Anh”. Nhưng không hiểu sao bài thơ đưa in ở Hà Nội rất khó khăn, anh phải đem in ở nhà xuất bản Đà Nẵng hàng vạn bản và gửi tặng nhiều nơi. Trong bài thơ “Mười tám thôn Vườn Trầu”, anh viết sau khi đi thăm huyện Hóc Môn, nơi địch đã giết năm đồng chí Trung ương ủy viên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, anh nhắc đến anh Lê Duẩn, người đã đến Hóc Môn lúc đó để họp: “Lê Duẩn ẩn thiên tài”…
Nhiều lần được nghe nói chuyện, đôi lần được tiếp xúc với anh Lê Duẩn tôi nhận ra giữa anh Lê Duẩn và anh Tố Hữu thật sự có một sự đồng điệu về lối suy nghĩ linh hoạt, khả năng nhậy bén khi đánh giá tình hình, tính quyết đoán trong công việc, và cả tính tình nhân hậu của người cộng sản.
Một người nữa mà anh Tố Hữu thương yêu, trân trọng là anh Nguyễn Chí Thanh. Hai anh cùng chung một quê là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà hai anh ở hai làng sát gần nhau, anh Thành ở Niêm Phò, anh Tố Hữu ở Phù Lai, cách nhau một cái cầu đá nhỏ vắt qua một nhánh hẹp của con sông Bồ. Một thời gian sau giải phóng, dân xã đã xây dựng lại cây cầu đá thành cầu xi măng và đặt tên là cầu Thành Hữu.
Tình bạn của hai anh bắt đầu cũng thật ngộ nghĩnh. Khi mới được giác ngộ, có lần về làng, nghe đồn có anh nông dân tên Vịnh khí khái, dám đấu tranh với cường hào, anh Tố Hữu nảy ra ý định sang tuyên truyền cách mạng. Thấy anh Tố Hữu là một thanh niên học sinh thành phố còn trẻ măng, anh Thanh chưa tin, liền trả lời bâng quơ: “Mình có làm chi mô. Chỉ thấy người làng ta than sưu cao thuế nặng thì mình cũng đi theo đòi giảm sưu thuế thôi”.
Anh Tố Hữu buồn thất vọng ra về. Đến năm 1939, khi anh Tố Hữu bị bắt vào lao Thừa Phủ, gặp lại anh Thanh và được tổ chức bên ngoài giới thiệu anh Thanh là Bí thư tỉnh ủy, mới vỡ lẽ ra anh Thanh trước kia đã là cán bộ cốt cán của Đảng bộ Thừa Thiên rồi. Từ trong lao Thừa Phủ hai anh gắn bó với nhau, anh Thanh làm Bí thư, anh Tố Hữu làm Phó bí thư chi bộ nhà tù.
Trong tù, mỗi lần đấu tranh chống khủng bố, tù nhân (như vụ chống giết hại cụ Tiết, vụ hành hạ anh Lê Chưởng), địch đem dùi cui đến đánh đập, và xịt vòi rồng xối nước dữ dội vào người tù, thì anh Thanh lại đứng ra và động viên những đồng chí to lớn khỏe mạnh đứng hàng đầu che chở cho những đồng chí yếu ớt như anh Tố Hữu. Trong khám Thừa phủ, nhớ đồng quê, nhớ quê hương anh đã viết tặng anh Thanh (tên thật là Vịnh) bài “Nhớ đồng”.
Sau mỗi lần tranh đấu, địch chia rẽ, phân tán tù nhân đi các nhà tù khác, không hiểu sao hai anh vẫn được đi với nhau. Đến khi cách mạng thắng lợi, anh Thanh ra tù, hai anh trở về Thừa Thiên, lại cùng ở trong xứ ủy Trung kỳ, anh Thanh là Bí thư xứ ủy, anh Tố Hữu là Phó. Rồi các anh cùng hoạt động với nhau ở khu bốn, ở Trung ương tại Việt Bắc, tại Hà Nội, một “quan võ”, một “quan văn” nhưng thực sự là một đôi bạn tâm giao thân thiết. Những dịp gặp nhau, hai anh trao đổi không chỉ chuyện công tác mà còn chuyện quê hương, chuyện nhân tình thế thái. Anh Thanh cũng là người rất yêu thơ Tố Hữu và là một trong những nhà phê bình “thơ” chân thành của anh.
Năm 1963 khi anh Nguyễn Chí Thanh được Trung ương cử vào Nam phụ trách Trung ương Cục, anh Tố Hữu làm bài thơ “Tiễn đưa” tặng anh Thanh:
“Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng, mộng chiến trường
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn ngàn trang giấy luận văn chương…”
Những câu thơ đó cũng chính là nguyện vọng của anh muốn trực tiếp được vào Nam công tác.
Năm 1967, khi ở miền Nam ra báo cáo với Bộ Chính trị, để chuẩn bị cho chiến dịch 1968 anh Thanh đến thăm chúng tôi. Anh vỗ vai anh Tố Hữu:
- Mi làm nhiều thơ hay vào, ở rừng chiến khu, nằm võng nghe Châu Loan ngâm thơ Tố Hữu, tau mát ruột lắm.
Nhà thơ Tố Hữu cùng vợ khi còn trẻ.
(Ảnh chụp lại từ tư liệu của gia đình. Thành Trung).
Trước hôm trở về Nam, anh Thanh đến thăm anh Tố Hữu và tâm sự rất lâu. Ai ngờ ba giờ sáng hôm sau, điện thoại réo, báo tin anh Nguyễn Chí Thanh bị nhồi máu cơ tim khó cứu chữa. Anh Tố Hữu tức tốc chạy vào bệnh viện thì anh Thanh đã được đưa vào phòng mổ tim và không biết gì nữa. Anh Thanh ra đi, với anh Tố Hữu có lẽ đau đớn như mất một người anh ruột. Anh viết bài thơ viếng “Một con người”:
“Cứ nghĩ như anh vẫn sống hoài
Mặt hiền như ruộng lúa,
nương khoai
Hai con mắt đỏ bừng như lửa
Cái miệng cười tươi sáng dặm dài…
Ở đâu nghèo đói gọi xung phong
Lon nước mo cơm lội khắp đồng
Ở đâu tiền tuyến kêu anh đến
Vượt núi băng rừng, lại tiến công!
Ôi! Sống như Anh, sống trọn đời
Sáng trong như ngọc,
một Con Người!
Thanh ơi! Anh mất rồi chăng đấy?
Cứ thấy như Anh nở miệng cười!”
Còn biết bao nhiêu “tâm hồn đẹp” đã vào thơ anh. Không chỉ những đồng chí lãnh tụ tiêu biểu, tài năng, đức độ mà anh quý trọng, anh còn viết nhiều về những con người anh hùng trong quần chúng nhân dân. Để viết về những con người đẹp nhất đó, anh có thói quen, nói đúng hơn là một nguyên tắc, là phải tiếp cận nhân vật. Anh nói: “Thơ bằng hành động điển hình, tránh trừu tượng; làm sao cho thơ được quần chúng hiểu, yêu mến”. Anh luôn tìm cách gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe tâm tư mỗi con người.
Những tấm gương anh hùng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Trần Thị Lý, mẹ Suốt, mẹ Diệm, Hồ Giáo, đội nữ dân quân Hàm Rồng, đơn vị pháo cao xạ nữ Quảng Bình… đều là nguồn cảm hứng cho thơ sau khi anh được gặp. Năm 1962, sau khi đi làm việc với Tỉnh ủy Hưng Yên anh về thăm quê anh hùng thủy lợi Phạm Thị Vách, mắt thấy tai nghe về nỗi khổ “sống ngâm da, chết ngâm xương”, quanh năm thiếu đói của người nông dân vùng chiêm trũng, anh đã viết bài “Giữa ngày xuân”. Anh ghi trong sổ tay công tác: “Hãy chân thật như mảnh đất, như những con người bình thường mà vĩ đại này. Để những đau khổ, dũng cảm của con người tự nói lên. Chớ kêu gào thêm. Chớ thêm son phấn. Hãy giản dị, rất giản dị, như tất cả những sự thật vĩ đại, như nhân dân lao động vĩ đại. Nhưng đừng tầm thường, dễ dãi trong cảm xúc nghệ thuật. Và hãy tươi, tươi như sự sống, không chút cứng nhắc. Qua tất cả, trong tất cả, hãy toát lên lòng yêu cuộc sống, yêu con người, yêu Đất nước Việt Nam đẹp đẽ của ta. Làm sao cho thấm vào lòng người, chói sáng trước mắt mọi người hình ảnh lớn lao của người con gái anh hùng…”
Khi đi công tác tại vùng mỏ Quảng Ninh về, anh ghi trong nhật ký: “Đời sống của công nhân đầy gian khổ, anh dũng, phải sống trong đó mà sáng tạo. Đó là công bằng. Đó là nhân phẩm”. Nhiều ý thơ, câu thơ về người thợ mỏ còn dang dở sau đó. Nhưng có lẽ anh không có thì giờ viết tiếp bởi công tác khẩn cấp hàng ngày kéo anh đi.
Như thế đấy, những số phận chìm nổi của con người, những tình huống thăng trầm của Đất nước, những tấm gương chiến đấu hy sinh cho sự tồn vong của Tổ quốc đều là những nguồn cảm hứng vô tận của thơ anh.
Chuyện “đời thường” cũng làm anh xao xuyến. Những số phận éo le của con người, nỗi buồn của sự nhớ thương cô quạnh cũng gợi ra những cảm hứng thi ca mà tôi rất yêu thích ở anh. Chỉ khác một điều là cái buồn, cái nhớ đó không dẫn đến bi lụy, chán nản, mà thấm sâu vào lòng trắc ẩn để thúc giục ý chí đấu tranh, xây dựng cho cuộc đời tươi đẹp hơn.
Khi cùng anh trên chuyến phà qua sông Hậu, gặp một tài tử mù hát rong, gảy đàn, anh đến ngồi gần và lặng nghe chăm chú. Khi vào một vườn cam ở một vùng quê heo hút miền Tây, anh chạnh lòng thương thân phận cô chủ vườn quá thì lỡ lứa. Đi thuyền trên sông, anh chỉ cho tôi để ý bóng áo tím của một cô lái đò, gợi nhớ nét thân quen xứ Huế quê anh. Ở thành phố Hậu Giang, gặp đoàn nữ sinh phấp phới đồng phục áo dài trắng, anh nháy mắt nhìn tôi: “Cô Thanh nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa đấy”. Tôi nhớ lại những đêm khuya anh chong đèn, miệng huýt sáo lấy âm điệu khi làm thơ. Anh dịch bài thơ “Long Thành Cầm giả ca” của Nguyễn Du bởi cảm thông với xúc động của Nguyễn Du với cô kỹ nữ vốn nổi danh trẻ đẹp, hát hay đàn giỏi một thời, nay gặp lại đã tàn phai và bị đời quên lãng…
Năm 1969, khi nghi bị bệnh máu trắng, phải nằm viện hơn một tháng tại khu cách ly rất vắng vẻ ở Moskva, anh đã hối hả viết xong bản trường ca “Theo chân Bác”. Cảnh mùa đông Nga hình như cũng gợi để anh dãi bày tâm tư. Thí dụ như bài “Nửa đêm:
“Nửa đêm tỉnh giấc rừng yên lặng
Biết mình xa nước, vắng quê hương
Ngoài trời tuyết lạnh, rơi đêm trắng
Mà cháy lòng ta những nhớ thương.”
Hay bài “Không ngủ”:
“Không ngủ đêm nằm nghe tuyết tan
Bâng khuâng nhớ nước tiết thu tàn
Mưa rơi dồn dập nghe tim đập
Tưởng bước hành quân
bỗng nóng ran.”
Còn một lĩnh vực chiếm một góc khá quan trọng trong tâm hồn anh là thiên nhiên. Và gắn với mỗi cảnh vật ở từng lúc, từng nơi, thường là một tâm trạng. Anh thuộc địa lý, lịch sử, biết nhiều chuyện dã sử nên đi đến đâu cũng có bài học cho chúng tôi.
Vợ chồng nhà thơ Tố Hữu và các con.
Khi còn ở Việt Bắc, đôi lúc đi trong rừng tôi thấy anh thật sự sung sướng được chìm ngập trong cảnh rừng cây hoang dã, những con suối nước trong veo, dưới đáy sỏi trắng lô xô, lắng nghe tiếng róc rách của nước chảy qua ghềnh đá. Khi tôi với anh về thăm di tích lịch sử Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, anh mơ màng ngắm nhìn màu sương lam chiều bảng lảng trên những dãy núi hùng vĩ. Anh bảo tôi:” Những dãy núi hiểm trở này đã từng là nơi che dấu rất tốt chiến khu Hòa Ninh Thanh” (anh từng tham gia xây dựng chiến khu này cùng các anh: Văn Tiến Dũng, Trần Kiên, vào khoảng những năm 1942-1944). Đi công tác về địa phương với anh, anh ngắm không biết chán màu xanh ngắt của đồng lúa, nương ngô, ruộng mía. Gặp những cánh đồng lúa chín vàng rộm, bông nặng trĩu, anh sung sướng hít thở hương lúa mới. Có lần anh ngoái lại nói với tôi:” thật tuyệt vời, vừa đẹp, vừa no bụng rồi !”.
Về làng Hanh Cù, huyện Hậu Lộc, thăm gia đình mẹ Tơm, ngắm bãi biển cát trắng mênh mông, anh bùi ngùi nhớ lại cảnh mẹ và các con trai của bà hàng ngày bươn trải kiếm ăn nuôi anh và các đồng chí Tỉnh ủy những ngày đói khổ năm 1945.
Về công tác ở Quảng Ninh, khi Tỉnh ủy chiêu đãi ở khách sạn nổi “Biển mơ” trên vịnh Hạ Long tuyệt đẹp, anh không vui: “Bao giờ người thợ mỏ mới được hưởng cảnh này …”
Anh đặc biệt yêu chim, nhưng là những con chim tự do bay lượn. Anh không thích chim bị nhốt trong lồng, dù chúng đẹp và quý tới đâu. Anh bảo tôi: “Anh cứ ân hận mãi việc ấp ủ một con chim sâu nhỏ tình cờ lạc vào xà lim của anh. Anh đã cố dành chút cơm tù cho nó, nhưng không có không gian, nó vẫn chết”. Có lẽ vì bị giam hãm trong cảnh tù đày và sống trốn tránh lúc hoạt động bí mật nhiều năm, anh luôn ước ao mình được tự do như con chim chăng?
Lúc ngồi bên mộ Mạ trên núi Thiên Thai ở Huế, nghe chim cu cườm gáy, anh lại nhớ tiếng ru của Mạ năm xưa. Nhớ về những người yêu thương khi ở xa, anh muốn biến thành chim dõi theo để “tim đỡ buồn”. Khi ở ngoài vườn, anh thích ngắm nhìn những con chim sẻ, chim chích chuyền cành hót líu lo. Đôi lúc anh huýt sáo họa lại, rủ chúng lại gần cho ăn. . .
Biết anh yêu thiên nhiên, có lần anh Đào Tùng (giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) tặng anh một máy ảnh nhỏ. Đi đâu anh cũng mang theo. Trong những cuốn album của gia đình còn rất nhiều “tác phẩm” của anh.
Sống với anh, tôi luôn được chứng kiến, được chia xẻ những cảm xúc thi ca như vậy. Nhưng có người không hiểu anh đã nói: ”anh chỉ biết công việc”. Giá như lòng anh được thảnh thơi hơn, anh đủ thì giờ hơn để viết thì hay biết bao! Anh luôn ân hận không viết được nhiều như mong ước, mặc dầu anh rất cố dành thời gian cho sáng tác. Anh viết đều đặn, bền bỉ cho đến cuối đời, song song với công việc cụ thể hàng ngày của một người lãnh đạo.
Trong “kho tàng” thơ anh, nhiều bạn băn khoăn ít được đọc thơ tình (tình yêu đôi lứa), nhất là đối với một thi sỹ trữ tình như anh. Tất nhiên tôi lại càng mong ước điều đó hơn ai hết. Cả các anh Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Lưu Trọng Lư… cũng nói với anh ý muốn ấy. Anh đã trả lời: ”đúng là tôi ít làm thơ tình, tôi không toàn tâm toàn ý dành thời gian cho mảng đề tài này. Tôi ít viết những bài thơ tình một cách cụ thể, một cách trực tiếp. Đây không phải là điểm mạnh của tôi. Hơn nữa, trong hoàn cảnh chiến tranh, biết bao thanh niên ra trận đã phải gác tình cảm riêng lại. Nếu ta nói nhiều về tình yêu đôi lứa thì không nên”. Quan niệm đó anh phát biểu một cách gián tiếp khi mượn câu của La Bruyère: “Người ta cảm thấy một cái gì như là sự xấu hổ khi thấy mình được hạnh phúc giữa những bất hạnh của người khác”.
Tuy nhiên anh là một thi sỹ, và trước hết là một người rất nhậy cảm (sensible). Dù như anh tự nhận những bài thơ tình chiếm một vị trí khiêm tốn trong sự nghiệp sáng tác của anh, nhưng như giáo sư Hà Minh Đức đã có lần nhận xét: “Có một mảng riêng thầm lặng mà đằm thắm, tuy không được mở rộng, nhưng chỉ với đơn vị nhỏ bé ấy cũng bộc lộ phần thẳm sâu khó đoán định, phần tình cảm riêng tư nhất của tác giả. Đó là giây phút bồi hồi xao xuyến bên người thân yêu”.
Cái mạch ngầm đó anh đã bộc bạch khi nói về ngôn ngữ tình yêu: “ngôn ngữ của tôi chỉ có thể hiểu được giữa những người bạn chí thân. Đó là những bài thơ tình của tôi, viết theo cách của tôi…Tôi yêu đất nước tôi, dân tộc tôi và tôi nói về họ như về một người tình…Tôi muốn ôm hôn tất cả và muốn ôm tất cả thường phải dùng những biểu hiện tình cảm rộng hơn. Trong những bài thơ của tôi có thể tìm thấy rất nhiều từ em hay mình. Từ đó không hoàn toàn cụ thể, nhưng cũng không hoàn toàn trừu tượng. Điều đó nói về một người và cũng về nhiều người khác nữa.”
Mạch ngầm đó còn là “sự im lặng giữa những từ”: …Nhiều điều không phải bao giờ cũng sáng tỏ…Thông thường người ta cảm nhận được điều mà người ta không cắt nghĩa được. Không dễ dàng gì thể hiện nó ra. Nếu tìm cách đặt những đường nét, những ranh giới, những giới hạn quá rõ rệt thì sẽ thất bại. Điều quan trọng là vấn đề chỗ dừng giữa các từ, các dòng. Thơ là như vậy: sự im lặng giữa các từ. Nếu ta chú ý lắng nghe sự im lặng đó, nó sẽ có những tiếng vang vọng rất đa dạng và rất phức tạp…Thơ là như vậy: mơ trong thực, cái không thấy được trong cái thấy được, màu sắc trong màu trắng. Đó là cái mà người ta gọi là sự tế nhị của ngôn ngữ và của tâm hồn. Những mầu sắc lờ mờ: không sáng, không tối, mơ hồ nhưng lại rõ rệt, sự rõ ràng của sự mơ hồ, sự mơ hồ rõ ràng. Tất cả những điều đó nói lên khi người ta là thi sĩ…”.
Lắng nghe sự “Im lặng” đó trong thơ anh, tôi cũng cảm thụ được một phần nét nhạc thầm kín rung động trái tim anh. Có khi là những điều rất riêng tư, xen kẽ với muôn nỗi buồn vui chung của đất nước
Dù anh viết tặng riêng cho tôi không nhiều, nhưng những bài thơ được anh tặng thật sự làm tôi cảm động.
Trong những bài thơ đã in và chưa in anh tặng, tôi thích nhất ba bài: “Mưa rơi”, “Sợ” và “Anh cùng em”. Hai bài đầu là kỷ niệm của những ngày đầu chúng tôi sống bên nhau và bài cuối khi cả hai chúng tôi đều ngoài bẩy mươi, đã cùng nhau trải qua mọi thăng trầm của cuộc đời. Anh viết bài thơ “Anh cùng em” sau chuyến anh cùng tôi về thăm lại Huế năm 1992. Bài thơ như để khẳng định một lần nữa tình yêu của chúng tôi: vẫn tươi mát như buổi đầu gặp gỡ và đằm thắm sau gần sáu mươi năm chung sống.
Có bài anh viết tặng tôi nhưng không cho đăng. Có bài đang viết dở dang như bài “Vì sao?” cũng có tên là “Rắc rối”. Thường anh hay thể hiện tình cảm riêng trong nhiều liên tưởng ở những bài thơ khác, có khi là một khổ thơ, có khi một vài câu, như trong: “Bài ca mùa xuân 1961”, “Từ CuBa”, “Chiếc áo xanh”. . . Ở đấy, cái chung và cái riêng xen kẽ nhau, hòa chung vào nhau. Khi anh đọc lần đầu cho tôi nghe, tôi nhận ra ngay những cảm xúc, tình huống đời thường của chúng tôi được anh nhắc trong những câu thơ mới. Đôi khi, anh dịch tặng tôi những bài thơ nước ngoài mà anh thích, trong đó có bài của nhà thơ Xôviết, Stepan Schipachev:
“Anh yêu em nên lòng anh cháy lửa
Muốn đi lên đứng ở hàng đầu
Cho người yêu, cho người vợ anh yêu
Có thể được, vì anh kiêu hãnh”
Khi anh tặng tôi bài thơ “Một tiếng đờn” vừa làm xong, tôi hiểu đây là tâm sự của anh gửi riêng tôi. Nhưng cũng có thể hiểu là tâm trạng ngổn ngang của anh trước thời cuộc chung:
Em ơi, giữ thủy chung
một tấm lòng trong sáng
. . .
“Một kiếp trăm năm được mấy ngày
Trời cao không gợn bóng mây bay
Thủy chung dòng nước
trong xanh chảy
. . .
“Vĩnh viễn tình yêu mỗi phút giây
Có khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim tự xát muối ghen hờn
Hãy tin cuộc sống từng say đắm
Hoa lá qua mưa lại thắm vườn”
. . .
“Một tiếng thơ say đắm bên em
Thương lắm lòng anh một tiếng đờn”
…
“Em ơi nghe đó trong đêm lạnh
Đằm thắm bên em một tiếng đờn”.
Giờ đây, khi anh đã đi xa, tôi không còn được những giây phút hân hoan đọc những câu thơ, những bài thơ anh tặng. Nhưng dầu sao tôi cũng cảm ơn duyên phận trời định cho tôi được sống cùng anh.
Có lẽ có gì đó băn khoăn về hạnh phúc của một gia đình thi sĩ nên một người bạn có lần đã hỏi tôi: “Thanh có vừa lòng với hạnh phúc của mình không, và có lúc nào buồn không?” Tôi hơi ngạc nhiên về sự “thẳng thắn” trong cách đặt vấn đề của bạn. Nhưng tôi thấy cần nói rõ lòng mình một cách chân thành. Tôi trả lời bạn:
- “Được làm vợ anh mình rất hạnh phúc. Bên cạnh việc làm bổn phận của một người vợ, mình còn có may mắn được làm một người bạn, một độc giả yêu anh và yêu thơ anh”.
Đã nhiều lần anh nói với tôi: “Gia đình ta là một gia đình đẹp”. Tôi nghĩ anh đã chân thật khi nói lên điều đó. Anh rất coi trọng giữ gìn cái đẹp của sự thủy chung. Đôi khi có người phụ nữ yêu thơ anh đến với anh. Cũng có lúc anh không tránh khỏi có những cảm xúc bột phát. Song chính tình cảm gắn bó chặt chẽ giữa anh và gia đình, lòng tự trọng, đạo đức cách mạng luôn được rèn luyện, đã giúp anh vượt qua những cảm xúc đột xuất, thường tình của một thi sĩ, tránh được sự sa đà không đáng có. Những lúc ấy, tuy tôi thông cảm với cốt cách thi nhân” của anh, nhưng đôi khi cũng không khỏi chạnh lòng. Anh luôn tinh ý nhận ra ngay và chủ động làm lành. Và mọi nỗi giận hờn đều qua, không thể làm lu mờ tình yêu sâu đậm, dựa trên sự thông cảm, tin cậy giữa chúng tôi.
Sống với anh, càng ngày tôi càng cảm nhận rõ anh khao khát làm thơ như thế nào! Thơ là máu thịt của anh. Những lo toan rất cụ thể của công việc hàng ngày trong quản lý kinh tế xã hội của một Trưởng ban Tuyên huấn-khoa giáo và sau này của một Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, không làm cho anh bị phân tâm, khô cứng mà vẫn giữ được cảm xúc nồng hậu trong sáng cho thơ. Ngược lại chính những yêu cầu bức xúc của công việc cách mạng hàng ngày đã đem lại sắc thái và nguồn cảm hứng dồi dào thôi thúc anh làm thơ. Nhưng anh có rất ít thời gian dành cho thơ. Anh phải tranh thủ ban đêm để sáng tác. Sau những chuyến đi công tác, những lúc gặp gỡ quần chúng, anh thường ghi lại những cảm xúc, những tứ thơ chợt đến. Vì thế trong sổ tay công tác, xen giữa những dòng ghi công việc, có rất nhiều những câu thơ dở dang của những bài thơ đang ấp ủ.
Làm bạn với anh, tôi có may mắn được biết nhiều cảnh ngộ của con người, nhiều nhân cách, nhiều gương anh hùng chiến sỹ. Điều đó vừa có lợi cho công tác giáo dục tư tưởng của tôi, vừa làm bài học cho cuộc sống của tôi và gia đình.
Tôi còn có diễm phúc là người độc giả đầu tiên, là người phê bình thơ chân thành của anh.
Anh có thói quen khi đang làm, hoặc làm xong một bài thơ là đọc cho những người xung quanh nghe, mà tôi là người được “vinh dự” nghe trước tiên. Nhiều đêm đang ngủ say, anh cũng lay dậy để đọc cho nghe.
Tôi thường là người chia sẻ với anh từ những câu thơ đầu tiên. Nhiều khi tôi chưa ưng lắm, nhưng chưa dám góp ý ngay để anh khỏi mất hứng. Song anh dễ dàng nhận thấy ngay. Đến lúc tứ thơ đã hình thành, bài thơ đã xong, tôi mới góp ý một cách thẳng thắn. Tôi yêu thơ văn từ nhỏ, nhưng trình độ hiểu biết của tôi có hạn, nên có lẽ vai trò thật sự của tôi chỉ là nghe anh. Nhưng bao giờ những ý kiến của tôi cũng được anh chú ý. Chỉ thế thôi tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi!..