Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội
Chiều 20/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt với 122 đại biểu là các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới thuộc 15 tỉnh miền núi khu vực phía Bắc. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN).
Hiện nay, điều kiện cuộc sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, dân cư sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao… Vì vậy, khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, nhiều dân tộc bị mai một hoặc bị mất hẳn một số yếu tố văn hóa truyền thống, như tiếng nói, chữ viết, trang phục… Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào tuy phong phú, nhưng chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc văn hóa tộc người, cá biệt có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, bản làng truyền thống…
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về văn hóa dân tộc; ưu tiên dành nhiều nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đổi thay rõ rệt diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong đó, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc luôn được quan tâm đặc biệt.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chỉ rõ, việc thực hiện có hiệu quả công tác văn hóa dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc ổn định, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới, đáp ứng tốt nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trên phạm vi cả nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là khu vực khó khăn nhất trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, giữa miền núi với đồng bằng chậm được thu hẹp; chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn thấp; một số bản sắc tốt đẹp trong văn hóa dân tộc thiểu số đang bị mai một... Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng khó khăn về đời sống, trình độ dân trí của đồng bào để kích động, chia rẽ các dân tộc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu, công tác dân tộc cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền các địa phương để có những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa, y tế; tăng cường công tác vận động quần chúng trong việc bảo đảm thực hiện tốt chính sách dân tộc. Phải có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào tiếp tục được giao lưu, học tập kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính cấp bách, thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.