TP Hồ Chí Minh: Thanh tra bệnh viện, phát hiện nhiều sai phạm
Chỉ trong hơn 1 năm, thanh tra tại 3 bệnh viện (BV) lớn tại TP HCM đều phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng. Nếu năm 2016, BV Nguyễn Tri Phương và BV Tai Mũi Họng TP HCM được nêu tên thì ngay đầu quý II-2017 khi Thanh tra TP.HCM tiếp tục thanh tra toàn diện tại BV Mắt TP HCM, đã phát hiện hàng loạt các sai phạm, trong đó có việc làm rõ giám đốc bệnh viện này có thu nhập “khủng” lên đến hơn 8 tỷ đồng/năm.
Bệnh viện Mắt TP HCM tiếp tục bị phát hiện xảy ra hàng loạt sai phạm. (Ảnh: Hồng Phúc).
Sai phạm kéo dài
Kết luận thanh tra của Sở Y tế TP HCM (số 3153/SYT-Ttra) ngày 30/3/2017 cho biết, qua kiểm tra hơn 84.500 ca phẫu thuật của 65 bác sĩ tại bệnh viện này đã phát hiện có hiện tượng các hồ sơ bệnh án phẫu thuật đã bị BV tính thêm tiền thù lao phẫu thuật, trong đó riêng Giám đốc BV là ông Trần Anh Tuấn có ký tên nhận thù lao vào 38 hồ sơ bệnh án phẫu thuật phaco, trong hơn 3.600 ca phẫu thuật (!?); Phó Giám đốc Võ Thị Chinh Nga có hồ sơ 1.570 ca mổ, trong đó có 5 hồ sơ nhận thù lao ngoài (phaco).
Thanh tra Sở Y tế TP HCM còn phát hiện mức lương “khủng” của lãnh đạo BV này tăng liên tục, với 6,107 tỷ đồng (năm 2015) và 8,046 tỷ (năm 2016). Thậm chí, các hồ sơ phẫu thuật có ký tên của giám đốc BV hầu hết lại không do ông Trần Anh Tuấn ký trực tiếp mà do nhân viên BV dùng “mộc chữ ký” đóng trên hồ sơ bệnh án.
Đoàn Thanh tra của Sở Y tế TP HCM cho biết, các phiếu tường trình phẫu thuật tại BV Mắt còn được in sẵn, phiếu điều trị không những được in sẵn diễn tiến bệnh, mà ngay đến thuốc chỉ định cho bệnh nhân cũng được in sẵn để phẫu thuật viên chỉ việc ký tên vào.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết, sẽ tiến hành yêu cầu các cá nhân có sai phạm thực hiện kiểm điểm nhằm tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, và báo cáo UBND TP HCM; các cán bộ, công chức, viên chức ký tên thay cho lãnh đạo cũng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Riêng trường hợp bác sĩ Trần Anh Tuấn - nguyên Giám đốc BV thì Sở sẽ có ý kiến chính thức liên quan đến việc tái bổ nhiệm khi có kết quả xử lý kỷ luật của Ban Giám đốc Sở và Ban Thường vụ Đảng ủy của Sở.
Tiêu cực tại BV Mắt TP.HCM cũng đã được Thanh tra TP.HCM vào cuộc tiến hành thanh tra toàn diện tại BV này trong giai đoạn 2015 – 2016. Quá trình thanh tra sẽ thực hiện trong 45 ngày và báo cáo kết quả cho UBND TP vào ngày 15-5.
UBND TP HCM cũng đã tạm hoãn không tái bổ nhiệm đối với ông Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc BV để chờ kết quả Thanh tra cuối cùng của Thanh tra TP.
Hai phó giám đốc BV này là các bác sĩ Phí Duy Tiến và bác sĩ Võ Thị Chinh Nga cũng có liên quan đến một số sai phạm trong đứng tên hồ sơ phẫu thuật và kê khai thu nhập tại BV này, sẽ được điều tra làm rõ. Kể cả việc trong giai đoạn từ năm 2013 - 2014 BV này đã thu gian dối tiền của bệnh nhân lên đến 11 tỷ đồng cũng sẽ được điều tra làm rõ và xử lý các cá nhân có liên quan.
Cứ thanh tra là phát hiện sai phạm
Trước BV Mắt TP HCM, khi thanh tra tại BV Nguyễn Tri Phương và BV Tai Mũi Họng, Sở Y tế TP HCM cũng đã phát hiện một loạt các sai phạm, gián tiếp gây ra thất thoát các khoản tiền lên đến hàng tỷ đồng. Trong đó, đối với các tồn tại, sai phạm trong tổ chức và hoạt động của Khoa Dược tại BV Nguyễn Tri Phương đã gián tiếp gây ra việc thất thoát thuốc tại BV này. Trách nhiệm thuộc về các cá nhân, gồm các giám đốc BV qua các thời kỳ là ông Nguyễn Thi Hùng; ông Võ Đức Chiến.
Ngoài ra, bà Trương Thị Mỹ Linh – Trưởng Khoa Dược và các dược sĩ cũng được xác định có trách nhiệm liên quan. Thanh tra Sở Y tế cũng làm rõ trách nhiệm, sai phạm của một số nhân sự ở khoa Dược của BV này đã thiên vị khi cho những người có quan hệ gia đình phân công vào các vị trí công việc như kế toán – phụ trách kho, kế toán – cấp phát thuốc tại bệnh viện. Đây chính là yếu tố nguy cơ làm phát sinh tiêu cực tại BV.
Qua kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện việc cấp phát lẻ thuốc ở BV không có thủ kho chung, mọi hoạt động do 12 dược sĩ trung học vừa cấp phát thuốc kiêm nhiệm vụ thủ kho. Bên cạnh đó, tại nhóm bệnh nhân điều trị nội trú diện BHYT cũng đã xảy ra tình trạng sửa số lượng và ghi “không phát” thuốc ở cột đã phát trên nhiều loại thuốc.
Chỉ tính tổng số nợ thuốc, vật tư thấp hơn báo cáo tài chính của BV này vào thời điểm năm 2014 đã lên đến gần 20,8 tỉ đồng và đến cuối năm 2015, tổng số nợ này tiếp tục thấp hơn báo cáo tài chính gần 13 tỉ đồng. Tổng số tiền BV nợ tiền thuốc, vật tư các công ty vào thời điểm 2014 cũng đã vượt quá 134 tỷ đồng. Trong đó, 50% là nợ quá hạn và nợ thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 67 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, tổng số tiền thuốc nợ và vật tư các công ty tiếp tục đội lên đến hơn 127 tỷ đồng.
Trong đó, 28% là nợ quá hạn và nợ không có nguồn quyết toán khoảng 45 tỷ đồng. Tình trạng thất thoát thuốc tại BV Nguyễn Tri Phương vào những thời điểm thanh tra đã ảnh hưởng đến việc điều trị của nhiều bệnh nhân tại BV. Thậm chí, những vấn đề sai phạm có liên quan đến cả mạng sống của các bệnh nhân nếu như xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong quá trình điều trị.
Tại BV Tai Mũi Họng TP HCM cũng được phát hiện có nhiều sai sót trong công tác tài chính, kế toán, như: BV đã chi công cho bộ phận trực tiếp và bộ phận gián tiếp nhà thuốc không đúng quy định chi tiêu nội bộ hơn 1,2 tỷ đồng; Chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN gần 97 triệu đồng; sai phạm trong liên doanh liên lãnh đạo đương nhiệm các BV cần khẩn trương rà soát, ban hành đúng và đầy đủ các quyết định, quy định và quy trình cho công tác dược của các BV.
Điều đáng chú ý, dù đã có báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Sở Y tế TP HCM và các cơ quan chức năng, thế nhưng việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm tại các BV trên cho đến nay vẫn chưa được công bố công khai.