Cẩn thận với bệnh nhiễm giun xoắn
Thời gian qua vẫn còn rải rác một số ca mắc bệnh nhiễm giun xoắn - một loại ký sinh trùng đường ruột nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong rất cao cho người. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, phù nề, đau nhức cơ kèm theo tiêu chảy. Nhiều người vẫn chưa hiểu hết về căn bệnh này cũng như vì sao lại mắc bệnh.
Ăn thịt lợn tái có nguy cơ mắc bệnh nhiễm giun xoắn.
Bệnh giun xoắn rất nguy hiểm
Bệnh giun xoắn là một bệnh truyền nhiễm do giun Trichinella spiralis gây nên. Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Người bị nhiễm bệnh khi ăn thịt nấu tái có chứa ấu trùng giun xoắn.
Bệnh nhiễm giun xoắn có thời gian ủ bệnh từ 2-7 ngày, có khi dao động từ 12h - 28 ngày kể từ khi ăn thức ăn. Bệnh biểu hiện từ nhẹ không có triệu chứng gì, đến bệnh nặng gây tổn thương nhiều cơ quan và có thể bị tử vong.
Bình thường, khi các động vật ăn cỏ ăn phải cỏ có kén giun xoắn, vào ruột ấu trùng phát triển thành giun xoắn trưởng thành. Các động vật dễ nhiễm giun xoắn là lợn, chó, mèo, chuột, một số loài động vật hoang dã như chó sói, gấu, lợn rừng, linh cẩu, chó rừng…
Người nhiễm giun xoắn do ăn tiết canh của động vật hoặc ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ, ấu trùng giun xoắn đóng kén trong thịt động vật vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị dạ dày, ấu trùng được thoát ra khỏi kén. Chúng nhanh chóng trưởng thành, chui vào niêm mạc ruột non.
Chỉ trong vòng 4-5 ngày, giun cái bắt đầu sinh sản ra các ấu trùng sống, phát tán theo các mạch bạch huyết và máu đi khắp cơ thể. Các ấu trùng tới được cơ vân sẽ phát triển thành kén và sống từ vài tháng tới vài năm. Còn ấu trùng đến các tổ chức khác nhanh chóng bị phá huỷ.
Nếu bị nhiễm giun xoắn sẽ có thời gian ủ bệnh từ 2-7 ngày, có khi dao động từ 12 giờ - 28 ngày kể từ khi ăn thức ăn. Bệnh biểu hiện từ nhẹ không có triệu chứng gì, đến bệnh nặng gây tổn thương nhiều cơ quan và có thể bị tử vong.
Các triệu chứng tương ứng các giai đoạn bệnh như sau:
Giai đoạn bệnh ở ruột: Thời gian 1-7 ngày sau khi ăn thức ăn, bệnh nhân bị ỉa chảy, đau bụng và mệt mỏi. Có thể buồn nôn và nôn, ít khi thấy táo bón.
Giai đoạn bệnh ở bắp cơ: Bắt đầu từ cuối tuần đầu và kéo dài khoảng 6 tuần. Các cơ bị giun xoắn xâm nhập có phản ứng viêm mạnh. Bệnh nhân bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau cơ và nhạy cảm đau, phù nề và co cứng. Phù mi mắt, phù quanh hốc mắt và phù mặt, vã mồ hôi, sợ ánh sáng và viêm kết mạc, mệt mỏi hoặc nằm liệt. Nuốt đau. Khó thở, ho và khàn tiếng. Xuất huyết dưới kết mạc, võng mạc và móng tay chân, phát ban, có cảm giác kiến bò.
Các cơ hay bị giun xoắn ký sinh là cơ nhai, lưỡi, cơ hoành, cơ liên sườn, và các cơ vận nhãn, cơ thanh quản, cơ 2 bên cột sống, cơ cổ, cơ ngực, cơ mông, cơ nhị đầu, cơ dép. Phản ứng viêm xung quanh ấu trùng ở các tổ chức khác có thể gây ra các triệu chứng: Viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, viêm phế quản, viêm phổi, viêm thận, đau thần kinh ngoại biên và thần kinh sọ.
Trường hợp nhiễm giun nặng thì có thể hồi phục sau 3 tháng. Bệnh nhân còn đau cơ âm ỉ và mệt mỏi trong vài tháng nữa, thậm chí có người bị teo cơ vĩnh viễn. Bệnh giun xoắn có thể gây các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi kẽ tạo u hạt, viêm não và suy tim. Nếu nhiễm giun xoắn nặng, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 2-3 tuần do biến chứng suy tim hoặc viêm phổi.
Phòng bệnh cách nào?
Biện pháp phòng ngừa giun xoắn, người dân cần tuyệt đối không ăn các món ăn từ động vật mà chưa được chế biến chín như tiết canh lợn, nem chạo... Đặc biệt, cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán là những động vật được nuôi thả rông rất dễ nhiễm trùng giun xoắn.
Phải ăn chín, uống nước đun sôi. Khi có các biểu hiện nghi mắc bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng xấu.
Triệu chứng cơ bản khi mắc bệnh giun xoắn - Phù mi mắt là dấu hiệu đặc trưng của bệnh, có thể kèm theo mù và chảy máu kết mạc, đôi khi phù toàn bộ đầu, đôi khi phù cả cổ và chi trên. - Sốt: Thân nhiệt tăng dần, sau 2-3 ngày sốt cao tới mức tối đa. Trong trường hợp nhiễm nhẹ, bệnh có thể tiến triển với sốt âm ỉ. - Tăng bạch cầu ái toan: Bạch cầu ái toan tăng trong những ngày đầu của bệnh, thậm chí trong thời kỳ ủ bệnh và tăng cao nhất vào tuần thứ 3 của bệnh. Ngoài những triệu chứng nêu trên còn xuất hiện các nốt ban trên da giống mày đay (mề đay). Trong trường hợp nặng, thường xảy ra các biến chứng vào tuần thứ 3, thứ 4 như: viêm cơ, viêm phổi, viêm não, làm bệnh nhân có thể tử vong. |