Quảng Ngãi tưởng niệm 70 năm ngày mất cụ Huỳnh Thúc Kháng
Sáng 21/4, tại núi Thiên Ấn, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức “Lễ tưởng niệm 70 năm ngày mất của Quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng”.
Lễ tưởng niệm 70 năm ngày mất của Quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng.
Tại lễ tượng niệm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã đọc diễn văn nêu rõ, cụ Huỳnh Thúc Kháng, sinh ngày 1/10/1876, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Năm 1900, cụ đỗ đầu kỳ thi Hương và đến năm 1904, đỗ Tiến sỹ. Năm 1904, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp,… khởi xướng phong trào Duy Tân tích cực vận động, tuyên truyền trong nhân dân tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện cải cách với tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, nuôi chí canh tân đất nước.
Năm 1908, cụ Huỳnh bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo suốt 13 năm. Sau khi được thả tự do, cụ đắc cử vào dân biểu và được bầu làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ và tiếp tục hoạt động yêu nước.
Năm 1927, Cụ sáng lập tờ báo Tiếng Dân, tờ báo yêu nước, chống Pháp và được xuất bản tại Huế, sau đó bị chính quyền thời bấy giờ đình bản năm 1943.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ được mời tham gia Chính phủ lâm thời với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, năm 1946, cụ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Đến tháng 5/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ được giao chức Quyền Chủ tịch nước.
Với trọng trách được giao, cụ góp phần tích cực xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của thế lực phản động, bảo vệ độc lập và chính quyền.
Đến khi cụ Huỳnh Thúc Kháng về làm việc tại Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, do ốm nặng và tuổi cao, cụ đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21/4/1947 tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây trở thành Di tích lịch sử văn hóa Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ và xây dựng mộ tại núi Thiên Ấn- đệ nhất danh thắng Quảng Ngãi.
Trước đó, hai ngày tại Quảng Nam cũng đã tổ chức Lễ tưởng niệm 70 năm ngày mất cụ Huỳnh Thúc Kháng.