Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Cần cả lực đẩy và lực kéo
Có một nghịch lý hiện nay là nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn trở thành doanh nghiệp. Lý do, theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, là bởi họ ngại sẽ bị bắt lỗi sổ sách, hóa đơn, chứng từ, ngoài ra sợ phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, bên cạnh đó chi phí cho việc thuê kế toán hàng tháng không hề nhỏ. Bởi vậy, chính sách cần phải làm sao giảm bớt những áp lực đó cho các chủ hộ, để họ nhìn thấy những lợi ích khi phát triển thành doanh nghi
Ông Đậu Anh Tuấn.
Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động, và một trong những giải pháp để có thể đạt được con số này là hỗ trợ tạo điều kiện khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi, “lớn lên” thành DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều hộ kinh doanh cá thể lại không muốn trở thành DN và nguyên nhân sâu xa nằm ở chính các cơ chế, chính sách chưa thong thoáng. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã có chia sẻ xung quanh vấn đề này.
PV:Thưa ông, thực tế cho thấy, dường như tâm lý của các hộ kinh doanh cá thể hiện nay không thoải mái khi được khuyến khích để phát triển thành DN, ông nhận định ra sao về thực tế này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Nhiều ông chủ có được ngày hôm nay đều phải khởi đầu từ những thứ tưởng chừng đơn giản nhất. Ngay cả chủ facebook cũng khởi đầu từ gara của nhà mình. Bởi vậy, tôi cho rằng, những quy định cứng nhắc như căn hộ chung cư không được kinh doanh, hay phải có từ 10 nhân viên mới được thành lập DN… là những điểm hạn chế. Chúng ta không nên dùng áp lực về thị trường, trong khi đáng lẽ khởi đầu cần phải linh động hơn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thuế đã cởi bỏ nhiều thủ tục, gỡ khó cho DN, tạo điều kiện để chuyển đổi, ông có thấy như vậy không?
- Đúng là gần đây chính sách thuế đã có nhiều đổi mới, nhưng tôi cho là vẫn cần phải tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế. Vừa rồi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có điều chỉnh Thông tư 99, khi có quyết định hoàn thuế rồi thì với sự điều tra của VCCI, mất 7 ngày tiền về với DN, nhưng kể từ khi có sự điểu chỉnh thời gian đã kéo xuống chỉ còn 2 ngày là tiền về đến DN.
Hay Bộ Tài chính có quy định bắt buộc Tổng cục Thuế phải có cổng thông tin trả lời phản ánh của DN công khai minh bạch, theo hạn, đến ngày 30/4 sẽ hoàn chỉnh, rõ ràng đó là những chuyển đổi hướng đến DN, các thắc mắc được giải đáp kịp thời, hay có những giải đáp cụ thể, hướng dẫn riêng cho DNNVV.
Về lâu dài, cũng sẽ có những sửa đổi quản lý thuế, Luật Kế toán cho khu vực DN nhỏ và vừa, hy vọng mọi việc sẽ sớm trở thành hiện thực để tạo động lực phát triển cho cộng đồng DN. Hiện tại, theo phản ảnh của DN, ngành thuế đã tích cực hơn khi nhận được những ý kiến, kiến nghị từ phía DN để từ đó có những cải cách hoàn thiện hơn. Đây là cách tiếp cận rất cầu thị, tạo ra sự chuyển động phù hợp với xu thế.
Song nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần phải có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa để có thể tạo động lực cho các hộ kinh doanh lớn mạnh lên thành DN, vậy theo ông, cần phải có những giải pháp gì?
- Để hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN bền vững phải có động cơ kéo và đẩy. Động cơ đẩy nghĩa là phải để cho họ thấy có động lực, thấy nếu lớn lên thành DN thì họ được những lợi ích gì, có lợi hơn về các thủ tục thuế hay không.
Còn động cơ kéo là những lợi ích không chính đáng từ việc hộ kinh doanh thì sẽ không duy trì được nữa, có nghĩa là làm sao đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng minh bạch lành mạnh, vì bây giờ có nhiều hộ kinh doanh quy mô chẳng kém gì DN nhưng trách nhiệm với người lao động, nhất là trách nhiệm thuế, nghĩa vụ với Nhà nước lại có lợi hơn với nhiều với DN hoạt động công khai, minh bạch. Do đó, rõ ràng khi tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng sẽ có những động lực rất quan trọng để nhiều hộ kinh doanh trở thành DN.
Có lần, ông đã nêu lên một ví dụ về việc khuyến khích các hộ kinh doanh trong việc kiểm tra giám sát chéo nhau tại một địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình này rất cần nhân rộng, ý kiến của ông thì sao, thưa ông?
- Tôi cho rất cần thực hiện điều này. Bởi, chẳng ai có thể giám sát bằng chính các hộ kinh doanh với nhau. Có một thực tế là, hiện nay mức thuế khoán rất tù mù, “nhà nào biết nhà nấy”, dẫn tới một sự khá bất công rằng, có hộ kinh doanh phát triển chậm, doanh thu đi xuống nhưng mức thuế khoán lại đi lên.
Nếu kiểm tra chéo giữa các hộ, mọi thứ đều công khai và người ta có quyền chất vấn những hộ kinh doanh tốt, lợi nhuận cao, đông khách hàng, doanh thu lớn nhưng lại thực hiện nghĩa vụ thuế ít hơn những hộ kinh doanh kém hơn. Quá trình giám sát chéo như vậy chắc chắn thúc đẩy sự công khai minh bạch trong kinh doanh và nó tạo một sự cạnh tranh bình đẳng, điều mà chúng ta đang luôn hướng tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
* “Hiện nay nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành DN do họ ngại sẽ bị bắt lỗi sổ sách, hóa đơn, chứng từ, ngoài ra sợ phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, bên cạnh đó chi phí cho việc thuê kế toán hàng tháng không hề nhỏ. Bởi vậy, chính sách cần phải làm sao giảm bớt những áp lực đó cho các chủ hộ, để họ nhìn thấy những lợi ích khi phát triển thành DN”- ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam. * Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 3 tháng đầu năm, cả nước có thêm 26.478 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 271.238 tỉ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Số DN quay trở lại hoạt động là 9.271. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm là 596.653 tỉ đồng. Trong đó, tổng số vốn đăng ký của DN đăng ký thành lập mới là 271.238 tỉ đồng. Tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 325.415 tỉ đồng. |