Nam Trung Bộ: Tăng cường hiệu quả sản xuất lúa

Văn Nhất 22/04/2017 11:00

Việc giảm lượng giống gieo sạ kết hợp ứng dụng gói kỹ thuật thâm canh không chỉ giúp bà con nông dân giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... mà còn tăng giá trị sản phẩm, năng suất và thu nhập. Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết nhóm nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới đảm bảo sự phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững.

Nhiều nông dân tham quan, học tập các mô hình sản xuất lúa hiệu quả.

Theo thông tin từ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, chi phí sản xuất mỗi ha lúa trung bình từ 22 - 25 triệu đồng, năng suất đạt từ 60 - 65 tạ/ha thì giá thành sản xuất mỗi kg thóc khoảng 3.666 - 3.846 đồng (chiếm trên 50% giá bán sản phẩm trên thị trường). Do đó, để tăng lợi nhuận sản xuất, nông dân phải giảm chi phí đầu vào bằng cách giảm lượng giống gieo sạ.

Vậy giảm lượng giống gieo sạ có ảnh hưởng đến năng suất? TS. Lê Quốc Thanh- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khẳng định là không ảnh hưởng, ngược lại khi bà con gieo sạ mật độ dày sẽ làm tăng chi phí về phân bón, thuốc BVTV và chi phí về nước tưới, làm cho sản phẩm có chất lượng thấp, giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Còn theo TS Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì nông dân mua giống thóc thịt gieo mật độ dày và mua giống xác nhận giá cả lại tương đương nhau. Nhưng hí bí đầu ra...

Dự án Xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao tại các tỉnh miền Trung giai đoạn 2015 - 2017 đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai gần 3 năm. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã tổ chức triển khai 12 mô hình liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hạt giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao với quy mô 20 - 50ha/mô hình, tại 6 tỉnh duyên hải miền Trung, với tổng diện tích khoảng 800ha với 9 - 10 giống lúa gồm: Thiên ưu 8, VS1, BC15, TBR-1, HT1, BT7, OM4900, OM6976, ML48...

Theo ông Ngô Trọng Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), lâu nay nông dân địa phương có thói quen sạ dày, với lượng giống từ 160 - 200kg/ha, chi phí đầu vào cao, thu nhập thấp. Nhưng với mô hình sản xuất giống lúa ML48 và được hỗ kỹ thuật sản xuất, chỉ gieo sạ 5kg/sào (500m2). Không ngờ lúa sinh trưởng và phát triển tốt, không “dính” sâu bệnh, dự kiến năng suất đạt 68 -70 tạ/ha.

Ông Trần Văn Khởi đánh giá, dự án giúp nông dân nâng cao kỹ năng sản xuất hạt giống, đặc biệt là tạo sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Các đơn vị phối hợp tham gia dự án là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, có thế mạnh về tài chính và các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác thu mua, chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Văn Nhất