Vụ cơ sở sản xuất than bị khiếu nại ở Đắk Lắk: Cần hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp
Vừa qua, một số hộ dân tại thôn Tân Thành, xã Cư Đliê M’Nông, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk có đơn kiến nghị các ngành chức năng di dời cơ sở xuất than của Công ty TNHH MTV Phúc Minh ra khỏi khu dân cư. Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở này được cơ quan chức năng cấp phép trước, khu dân cư hình thành sau. Mặt khác, Công ty đã tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, lên phương án di dời, cần có lộ trình để thực hiện.
Kết quả quan trắc cho thấy các chỉ tiêu về môi trường tại cơ sở đều dưới mức cho phép.
Các chỉ tiêu môi trường đều dưới mức cho phép
Theo phản ánh của một số hộ dân ở thôn Tân Thành, cơ sở sản xuất than củi của Công ty TNHH MTV Phúc Minh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thậm chí làm giảm năng suất một số loại cây trồng. Làm việc với PV, ông Đoàn Bằng Giang – Giám đốc Công ty cho biết: “Thực hiện yêu cầu của UBND huyện Cư M’Gar và Phòng Tài nguyên Môi trường (TN-MT) huyện về tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, thời gian qua, Công ty đã nghiêm túc chấp hành, lắp đặt thêm hệ thống xử lý khói bụi, giảm số lò hoạt động từ 13 xuống còn 3- 4 lò/lần đốt... được UBND huyện và các cơ quan chức năng ghi nhận”.
Kết quả giám sát môi trường định kỳ mới đây của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường thuộc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu về môi trường tại cơ sở sản xuất của Công ty Phúc Minh đều nằm dưới mức cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh (QCVN 05: 2013/BTNMT của Bộ TN-MT).
Cụ thể, nồng độ bụi lơ lửng là 0,19/0,3, SO2 là 0,153/0,35, NO2 là 0,117/0,2, CO là 4,34/30. Còn đối chiếu với quyết định 3733/QĐ – BYT ngày 10-10-2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động thì nồng độ bụi lơ lửng, SO2, NO2, CO cũng thấp hơn nhiều (lần lượt là 2,13/4, 0,618/5, 0,811/5, 16,1/20).
Từ đó Trung tâm kết luận: “Các thông số giám sát môi trường không khí ở thời điểm đo đạc đều có nồng độ thấp hơn giới hạn cho phép, hoạt động của dự án ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sức khỏe của công nhân”. Cũng theo Trung tâm, hoạt động của cơ sở phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã Cư Đliê M’Nông nói riêng và huyện Cư M’Gar nói riêng, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương qua việc tiêu thụ các loại phế phẩm nông nghiệp…
Cơ sở sản xuất có trước, quy hoạch dân cư sau
Theo tìm hiểu của PV, cơ sở sản xuất than của Công ty TNHH Phúc Minh được các cấp thẩm quyền của tỉnh Đắk Lắk, huyện Cư M’Gar cấp giấy phép từ năm 2009. Vào thời điểm đó, khu vực này không có người dân nào ở. Gần đây UBND xã Cư Đliê M’Nông mới xây dựng Đề án quy hoạch khu dân cư giai đoạn 2016 – 2020 trình cấp thẩm quyền phê duyệt, hiện cũng chỉ có 4 hộ dân đến sinh sống. Nhưng cũng từ đây đã phát sinh khiếu kiện.
Ông Đoàn Bằng Giang- Giám đốc Công ty Phúc Minh- cho biết: “Chúng tôi không vào giữa khu dân cư để xây lò than trái phép, mà do được các cơ quan chức năng cấp phép, Công ty mới mạnh dạn đầu tư. Từ khi hoạt động đến nay, Công ty luôn nộp các loại thuế, phí bảo vệ môi trường cho ngân sách đầy đủ”.
Cũng theo ông Giang, một số thông tin cho rằng, cơ sở này đã bị UBND huyện ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động nhưng sự thật không phải như vậy.
Cụ thể, UBND huyện Cư M’Gar có ra Quyết định số 656/QĐ – UBND ngày 1/10/2014 về việc tạm đình chỉ và Quyết định 779/QĐ – UBND ngày 13/11/2014 về việc đình chỉ cơ sở sản xuất than của Công ty. Nhưng đến ngày 7/11/2016, UBND huyện Cư M’Gar đã ban hành Quyết định số 929/QĐ – UBND về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định 656/QĐ – UBND và Quyết định 779/QĐ – UBND. Nhưng để phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, Công ty đã tăng cường các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường đến mức thấp nhất, đồng thời có văn bản cam kết sẽ di dời cơ sở sản xuất đi nơi khác vào tháng 10/2018.
Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar cho biết: “Nói lò than của ông Đoàn Bằng Giang hoạt động trái phép là không đúng, mặt khác ông Giang đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo yêu cầu của huyện, như lắp đặt thêm hệ thống xử lý khói, mỗi lần chỉ đốt 3 – 4 lò, quan trắc môi trường định kỳ… Nhưng do khu vực này được quy hoạch là khu dân cư giai đoạn 2016- 2020, nên về lâu dài cơ sở phải di dời cho phù hợp, UBND huyện đã vận động và Công ty cũng chấp thuận”.
Nhưng trên thực tế, việc di dời còn liên quan đến quy hoạch điểm công nghiệp tập trung, vốn đầu tư, nguồn nguyên liệu… nên cần có lộ trình cụ thể. Về vấn đề này, ông Minh cho biết: “Nếu đến tháng 10-2018 mà Công ty chưa thu xếp được, thì phải có văn bản để huyện xem xét”. Như vậy, vấn đề đã được UBND huyện Cư M’Gar giải quyết có lý, có tình, hài hòa được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường.