Quản lý trùng tu di tích: Bắt đầu từ minh bạch tiền công đức
Vấn đề tiền công đức một lần nữa được đề cập tại cuộc tọa đàm (ngày 20/4) chủ đề “Phối hợp quản lý, bảo tồn phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” do Bộ VHTT&DL phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
Sai phạm trong trùng tu di tích chùa Trăm Gian từng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Không dễ
Trên thực tế, việc nghiên cứu quy chế quản lý tiền công đức đã được Bộ VHTT&DL đưa ra bàn bạc từ năm 2012 nhân dịp một hội nghị sơ kết công tác quản lý lễ hội.
Khi ấy lý do được đưa ra là do chưa thống nhất việc phân cấp quản lý các di tích, nơi thờ tự vì thế tại mỗi địa phương khác nhau việc thu, chi và quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu cũng được thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Cho đến thời điểm này một số địa phương đã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý di tích, nhưng tiền công đức- giọt dầu cũng không nhờ đó mà minh bạch hơn.
Theo đại diện Thanh tra Bộ VHTT&DL, lâu nay chính mô hình quản lý không thống nhất này dẫn đến sự không thống nhất trong chia sẻ quyền lợi.
Mỗi di tích lại có một cấp, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý, vì vậy, tiền công đức ở mỗi di tích nơi do cá nhân tự thu - chi, nơi do nhiều cấp thu và quản lý, tiền thu được chia theo những phần trăm khác nhau.
Âu cũng bởi những cách làm khác trong, trong đó có sáng kiến “khoán” thu tiền công đức ở một vài địa phương.
Trong số các địa phương ráo riết triển khai phân cấp quản lý di tích, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong chủ trương siết quản lý và minh bạch hóa tiền giọt dầu công đức.
Trước mùa lễ hội năm 2017, địa phương đã ban hành văn bản số 489/UBND-VX1 ngày 23-1-2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, địa phương yêu cầu tiền công đức do các tổ chức cá nhân tự nguyện đóng góp tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch; việc thu chi phải đảm bảo đúng mục đích, hòm công đức phải được niêm phong và chỉ được mở kiểm kê thu bằng 2 chìa khoá (một khoá của đại diện cơ quan quản lý nhà nước và một khoá của người chủ trì cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo)…
Cùng với đó định kỳ hàng quý cơ sở tôn giáo phải thực hiện niêm yết thu chi công khai; 100% tiền công đức phục vụ bảo quản tu bổ, phục hồi các công trình tín ngưỡng, tôn giáo. Tuyệt đối không được dùng cho các mục đích khác.
Dẫu thế, việc minh bạch hóa tiền công đức không phải chuyện đơn giản. Chuyện đặt hòm công đức và sử dụng tiền công đức sao cho hợp lý đã được bàn nhiều.
Năm 2010, Bộ VHTT&DL đã ban hành Chỉ thị 16/CT-BVHTTDL về tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích, trong đó quy định rõ: “Mỗi di tích chỉ nên đặt một hoặc tối đa ba hòm công đức”.
Song như đã thấy, hầu như không một di tích nào thực hiện quy định này. Không những hòm công đức được đặt nhiều quá mức so với quy định, mà nhiều nơi để tồn tại tình trạng tù mù tiền công đức kéo dài trong nhiều năm.
Khi bàn về việc ra quy chế quản lý tiền công đức, Bộ VHTT&DL cho hay điều này không có nghĩa là Nhà nước sẽ quản lý, thu tiền công đức, tiền giọt dầu của nhân dân mà chỉ nhằm mục đích định hướng, hướng dẫn cách quản lý, sử dụng tiền công đức minh bạch, đúng mục đích, tránh vụ lợi cá nhân.
Năm 2012 Bộ VHTT&DL từng giao Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện đề án nghiên cứu quản lý tiền công đức trong các di tích, đền chùa, nơi thờ tự.
Nhưng theo các chuyên gia văn hóa: Công đức là vấn đề nhạy cảm và chưa hề được xử lý ở bình diện quản lý nhà nước.
Tăng cường quản lý
Tại tọa đàm “Phối hợp quản lý, bảo tồn phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”, ông Trần Đình Sơn, Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu lên thực trạng quản lý các ngôi chùa được công nhận là di sản văn hóa rất khó khăn.
Nhiều chùa cần nâng cấp tôn tạo phải trải qua một quy trình phức tạp và kéo dài gây nhiều bất cập trong việc quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa.
Cùng với đó là thực trạng mê tín dị đoan, đốt vàng mã hay bán sách tử vi, xem tướng số tại các chùa được công nhận là di sản vẫn diễn ra làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các giá trị văn hóa tốt đẹp mà đạo Phật vẫn hằng giảng giải.
Chính vì vậy cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt cần phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Bộ VHTT & DL để khắc phục và tháo gỡ những khó khăn này.
Tại buổi tọa đàm, rất nhiều ý kiến của các Hòa thượng, Đại đức cũng đề cập đến vấn đề về vai trò quản lý của nhà chùa đối với từng hạng mục công trình được công nhận Di sản văn hóa Quốc gia là rất khó khăn.
Bà Đặng Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định: Bộ không áp đặt và không quản lý tiền công đức nhưng sẽ tăng cường quản lý nhà nước để tránh xảy ra hiện tượng chùa huy động được vốn trong nhân dân rồi muốn trùng tu di tích thế nào cũng được, dẫn đến làm hỏng di tích như thực tế thời gian qua.
Trước mắt, Bộ VHTT&DL sẽ tăng cường quản lý quy hoạch, kiểm kê, lập hồ sơ di sản.
Riêng trong năm 2017, Bộ sẽ thí điểm quản lý chặt hơn việc bàì trí tại các cơ sở thờ tự; chỉ đạo các nơi thờ tự phải làm đúng với sự bài trí, cảnh quan trong nơi thờ tự phù hợp với chùa, đình, đền tránh tình trạng bàì trí các linh vật, tượng và đồ thờ cúng còn lộn xộn, thiếu thuần Việt.
Bởi hiện trong thực tế việc này chưa được làm rõ, nhiều nhà chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn đưa những hiện vật không đúng với nhà Chùa, nên cần định hướng, hướng dẫn rõ ràng…
Bộ VHTT&DL cũng sẽ phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam giám sát chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa hiệu quả hơn.