Chương trình giảm nghèo bền vững Quốc gia giai đoạn 2016-2020: Xóa dần thời cấp phát cho không
Tạo ý chí nghị lực vươn lên cho người dân nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, thay vì một sự thụ động “đến hẹn lại lên” nhận những hỗ trợ từ phía Chính phủ, là một trong những mục tiêu chính của Chương trình giảm nghèo bền vững Quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Trái cam Cao Phong (Hòa Bình) giúp bà con giảm nghèo.
Sự cấp phát cho không, sẽ dần chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, khi thực tế cho thấy càng thiếu công cụ sản xuất, người nghèo càng ít làm, kể cả có cầm tay chỉ việc.
Theo Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu giảm nghèo trong Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Đồng thời, trong những năm qua, Việt Nam cũng đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm xuống còn 4,2%. Nếu so với tỷ lệ hộ nghèo 29% (tiêu chí cũ) của năm 2002, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thực đáng được ghi nhận.
Ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo cho biết, sự chung sức của toàn xã hội, lấy người nghèo, hộ nghèo làm trung tâm để hỗ trợ, đã giúp bức tranh giảm nghèo có chiều sâu và bền vững.
Những chương trình hạt gạo tình thương, bữa cơm chia sớt, áo ấm mùa đông, việc làm vùng cao, những dự án, tiểu dự án tạo công cụ sản xuất cho người nghèo… ngày một cụ thể và thiết thực.
Tỷ lệ tái nghèo được cải thiện giảm thiểu. Nhiều người nghèo, đã thoát nghèo, thậm chí có của ăn của để nhờ sự hỗ trợ của xã hội và các chính sách thực tiễn phù hợp của Chính phủ.
“Tuy nhiên, thừa nhận một thực tế, công tác giảm nghèo hiện nay còn không đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực miền núi, miền hải đảo, vùng sâu vùng xa còn cao. Tâm lý thụ động chờ hỗ trợ còn phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế được ghi nhận, nhiều bà con kể cả khi được hỗ trợ công cụ sản xuất, cũng không tự lực tự cường, một phần vì dân trí thấp, một phần vì những tập tục cổ hủ lạc hậu. Tập trung địa bàn, phân cấp đối tượng nghèo là mục tiêu trong thời gian tới”- ông Ngô Trường Thi nhấn mạnh.
Một nguyên nhân nữa, khiến kết quả giảm nghèo hiện nay còn chưa vững chắc, là hệ thống chính sách còn có sự chồng chéo, chia cắt. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu.
Người nghèo của từng địa phương trên thực tế đều có sự riêng biệt. Không thể áp dụng giảm nghèo của vùng này với vùng kia.
Nhiều chính sách năm này phù hợp năm sau đã lỗi thời. Ở đây, thực tế vùng và trách nhiệm của chính quyền sở tại, có vai trò quan trọng để giảm nghèo.
“Thấm nghèo” mới biết làm cách nào để thoát nghèo. Sự hỗ trợ của xã hội và Chính phủ chưa hẳn đã tiên quyết cho vấn đề giảm nghèo.
Trước những hạn chế, thách thức trên, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã đưa ra nhiều điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.
Theo đó, trong giai đoạn này, nguồn lực sẽ được tập trung vào các địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi.
Nguồn lực sẽ tích hợp với các chương trình, dự án như Chương trình 30a, chương trình 135, Dự án1 triệu việc làm mỗi năm, Chương trình nông thôn mới v.v… để tạo tính thiết thực của giảm nghèo.
Ngoài ra, trong thời gian tới, việc thực hiện giảm nghèo sẽ theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính. Bên cạnh đó, sẽ xác định chính xác các mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch… để nguồn hỗ trợ tập trung, có trọng điểm.
“Nguồn lực thực hiện phân bổ vốn trung hạn, sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở. Nguồn lực chính tuy từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên sẽ có thêm nhiều chương trình để huy động hơn nữa sự đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng. Nét mới năm nay là sẽ thực hiện hỗ trợ, mở rộng thêm đối tượng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho các đối tượng người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về, tạo ổn định, chống đói nghèo”- ông Ngô Trường Thi cho biết thêm.
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 sẽ chuyển mạnh từ cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện.
Người nghèo thay vì nhận hỗ trợ, sẽ phải là một “chủ thể của giảm nghèo”. Tôi cho anh cái ao, anh phải làm cần câu. Tôi cho anh con cá, anh phải nuôi lớn và nhân thêm.
Thoát nghèo bền vững, khi được hỗ trợ công cụ sản xuất, phải xuất phát từ ý chí và nghị lực “quyết tâm thoát nghèo”. Nhà nước không thể làm thay dân, dù ở hoàn cảnh nào.