Trà Vinh -Vượt qua thách thức, vươn mình phát triển
Chặng đường 25 năm từ khi tái lập tỉnh (năm 1992) đến nay, Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh đã không ngừng phấn đấu khắc phục khó khăn, thách thức, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh từ nhà từng bước phát triển. Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, ổn định. Bộ mặt đô thị và nông thôn không ngừng phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân ngày càng được nâng chất.
Mô hình phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu của Trà Vinh.
Chặng đường 25 năm từ khi tái lập tỉnh (năm 1992) đến nay, Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh đã không ngừng phấn đấu khắc phục khó khăn, thách thức, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa tỉnh từ nhà từng bước phát triển. Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, ổn định. Bộ mặt đô thị và nông thôn không ngừng phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân ngày càng được nâng chất.
Là tỉnh có xuất phát điểm thấp, địa hình tương đối khó khăn, nằm khuất so với trục đường huyết mạch Bắc - Nam, tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 30% dân số. Khi mới tái lập tỉnh (1992), Trà Vinh chỉ có 1 đô thị loại IV, tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 45%. Toàn tỉnh chỉ có 22 km đường được láng nhựa... So với các tỉnh trong vùng, Trà Vinh là địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển.
Tuy nhiên được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh không ngừng phấn đấu, đoàn kết khắc phục khó khăn, phát huy những tiềm năng, lợi thế đưa tỉnh nhà không ngừng phát triển. Những năm qua, kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, GRDP tăng trưởng bình quân trên 11%/năm trong 25 năm qua.
Riêng năm 2016, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng GRDP của tỉnh vẫn đạt ở mức 10,26%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp từ 60,29% năm 1992 xuống còn 39,05%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ 7,24% lên 25,63% và dịch vụ từ 17,02% lên 35,33% năm 2016.
Đến nay, toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính gồm: 1 thành phố (đô thị loại II), 1 thị xã và 9 thị trấn được công nhận đô thị loại IV. Đặc biệt với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân. Đến nay, đã có 23 xã được công nhận xã nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 27,1%). Riêng huyện Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm, giảm nghèo có những chuyển biến tích cực, đã xây dựng và bàn giao 13.292 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 45% năm 1992 xuống còn 11,16% (theo tiêu chuẩn mới) vào năm 2016, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 33,4 triệu đồng, tăng 33 lần so với năm 1992.
Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc và nhiều tôn giáo, 25 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể đã triển khai, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Tỉnh đã xây dựng và bàn giao hơn 41.000 căn nhà cho hộ nghèo vùng có đông đồng bào Khmer, hàng ngàn hộ được hỗ trợ vốn, đất sản xuất, đất ở và nhiều chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống, đổi mới bộ mặt nông thôn. Đồng bào người Hoa được tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, tôn tạo và phát huy; tín ngưỡng tôn giáo được tôn trọng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân luôn được củng cố và tăng cường.
Bí thư tỉnh uỷ Trà Vinh Trần Trí Dũng cho biết: Những nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã được Trung ương công nhận như: Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ I. Năm 2017 này đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ II, đây là phần thưởng cao quý cũng là động lực cho Đảng và nhân dân tỉnh Trà Vinh…
Nói về định hướng cho thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Trần Trí Dũng cho biết thêm: Tiếp tục huy động tốt các nguồn lực để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm 11% - 12%; đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 3.200 USD.
Thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, đến năm 2015 sản lượng lúa của tỉnh Trà Vinh đạt trên 1,3 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm 1992. Tỉnh đang triển khai chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh đạt 32.849 tỷ đồng, gấp 43,71 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh (1992). Hiện tỉnh đã triển khai xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa tại 17 xã của 5 huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, Châu Thành và Trà Cú. |