Tăng cường an ninh bệnh viện
Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận hàng chục vụ việc điển hình về mất an ninh trật tự bệnh viện. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15%). Vụ tấn công bác sĩ vỡ đầu đến ngất lịm mới đây tại Bệnh viện đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) càng khiến dư luận băn khoăn về an ninh, trật tự tại các bệnh viện.
Hướng dẫn người nhà bệnh nhân.
Liên tiếp các vụ cán bộ y tế bị tấn công
Tại Hội nghị Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế diễn ra mới đây, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, từ năm 2010 tới nay, cả nước ghi nhận có 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Trong đó, chiếm 60% các vụ việc xảy ra ở bệnh viện (BV) tuyến tỉnh; 20% tại bệnh viện tuyến Trung ương.
Theo đó, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (BS), chiếm tới 70% và điều dưỡng chiếm 15% số vụ việc. 90% số vụ việc xảy ra tại trong khuôn viên BV, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%). 30% số vụ việc là xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.
Điển hình, ngày 25/7/2014, xảy ra sự việc người nhà bệnh nhân đánh 2 BS và một điều dưỡng ở Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai khiến điều dưỡng đang mang thai ở tháng thứ 7 đã bị ngất. Tại BV huyện Vũ Thư, Thái Bình, người nhà bệnh nhân đâm chết BS Phạm Đức Giàu và làm thương nặng một bác sĩ khác.
Tình trạng người nhà bệnh nhân biểu tình, phản đối khi bệnh nhân bị tử vong tại BV cũng khá phức tạp. Gây chấn động nhất chính là tại BV Sản nhi Cà Mau, 30 người thân của sản phụ tử vong đã đập phá và yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của người thân. Hay tại Bệnh viện đa khoa Thiệu Hóa, Thanh Hóa, 150 người chở quan tài của nạn nhân diễu phố và để trước cổng BV, gây mất an ninh trật tự BV.
Những cuộc hỗn chiến, băng nhóm giang hồ truy sát nhau tại BV cũng là một vấn đề gây ra nhiều thương vong cho cả người dân và đội ngũ y, bác sĩ. Ngày 28/5/2012, một bảo vệ BV đa khoa Đồng Nai đã thuê bốn đối tượng côn đồ vào chém bệnh nhân do mâu thuẫn trước đó… Ngày 5/6/2016, 20 thanh thiếu niên đã cầm hung khí lao vào chém xối xả khiến hai nạn nhân được đưa đi cấp cứu trước đó gục tại chỗ và không một ai dám lao vào can ngăn.
Mới đây nhất ngày 16/4, BS Lê Quang Dương- Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Thạch Thất (Hà Nội), bị bố một bệnh nhi đang điều trị tại khoa Nhi của BVđánh vỡ đầu và ngất lịm. BSCKII Vương Trung Kiên- Giám đốc BV cho biết, con của đối tượng hành hung BS nhập viện ngày 13/4 với chẩn đoán bị tiêu chảy do rota virus, đây là bệnh nằm trong tầm kiểm soát của BV. Đến ngày 16/4, người nhà có yêu cầu chuyển viện, trưởng kíp trực Lê Quang Dương xuống giải thích cho người nhà bệnh nhân.
Tuy nhiên, trong khi BS đang xem hồ sơ bệnh án, bố bệnh nhi bất ngờ dùng chiếc cốc thủy tinh đập thẳng vào đầu BS khiến BS bất tỉnh, máu chảy be bét trên áo blouse, bệnh án. BS Dương đã phải khâu 7 mũi ở đầu và theo dõi chấn thương sọ não. Trong khi đó, người nhà còn dùng nhiều lời lẽ hăm dọa, thậm chí là dọa giết nhân viên y tế.
Theo Giám đốc BV, bác sĩ Dương là người hiền lành, hết lòng vì bệnh nhân, là nhân lực chất lượng cao của bệnh viện từ nơi khác chuyển về, từng được Sở Y tế Hà Nội khen thưởng nên khi xảy ra sự việc, mọi nguời đều hết sức bất ngờ.
Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, nhiều năm qua, BV đã ký liên kết bảo đảm an ninh trật tự với công an hai phường Đồng Tâm và Phương Mai để giải quyết kịp thời các vụ việc. Theo đó, từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2017, lực lượng bảo vệ bệnh viện đã phát hiện và bắt quả tang 23 vụ phạm pháp hình sự, chuyển 23 đối tượng cho Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa giải quyết.
Ở góc nhìn của ngành an ninh, Đại tá Phạm Văn Tám- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phân tích: Có nhiều tệ nạn xảy ra ở các BV như trộm cắp, móc túi; cò mồi, bảo kê tranh giành trước cổng viện; người nhà bệnh nhân và bệnh nhân sử dụng ma túy, rượu bia dẫn tới bị tác động thần kinh gây ra hành vi nguy hiểm. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất của tình trạng mất an ninh, trật tự chính là việc hành hung BS, nhân viên y tế gây nguy hiểm tính mạng…
Trong khi đó sự thiếu thốn, hạn chế về trang thiết bị an ninh bảo vệ tại các BV, nhất là BV cấp cơ sở, việc kiểm soát người ra vào lơ là, lực lượng bảo vệ còn thiếu chuyên nghiệp, không có camera theo dõi, không đeo thẻ ra vào… là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng phạm tội. Ngoài ra, tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh, một số cán bộ y tế có thái độ ứng xử chưa phù hợp, lực lượng bảo vệ chưa được đào tạo chuyên nghiệp để ứng phó với các tình huống là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới sự bức xúc của người nhà bệnh nhân.
Tại hội nghị, cũng có ý kiến đưa ra cần phải hoàn thiện khung pháp lý, trong đó, đề nghị có khung riêng cho ngành y tế vì đặc thù các cán bộ, nhân viên y tế đã bị “tước” một phần khả năng tự vệ, phản kháng trong các tình huống khám, chữa bệnh cho người dân. Cần xử lý nghiêm, tăng khung hình phạt với các đối tượng gây mất trật tự, an ninh BV.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo tiêu chí về bảo đảm an ninh, trật tự BV (là một trong 83 tiêu chí đánh giá chất lượng BV của Bộ Y tế), hiện nay, chỉ có 10/1111 BV (khoảng 0,9%) được đánh giá đạt mức 5. Thực trạng mất an ninh, trật tự tại BV diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng công tác khám, chữa bệnh; ảnh hưởng tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ nhân viên y tế, Thứ trưởng đề nghị, lãnh đạo BV phải có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương; nắm bắt tình trạng mất an ninh nổi cộm nhất tại viện mình để có phương án bảo vệ nhân viên y tế và bảo đảm an ninh, trật tự cho BV.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê thì đề xuất các cơ sở khám, chữa bệnh và người cán bộ y tế cần chuyên nghiệp hóa lực lượng bảo vệ. Tăng cường kiểm soát an ninh BV bằng trang bị hệ thống camera, kiểm soát người ra vào, thẻ thăm khám. Đặc biệt, nâng cao y đức, rèn luyện tác phong ứng xử với bệnh nhân và người nhà cũng như kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm với đội ngũ y, bác sĩ.
Để giải quyết vấn đề này, theo Đại tá Phạm Văn Tám, công tác đảm bảo an ninh phải thuộc trách nhiệm ban giám đốc BV, sau đó mới đến lực lượng công an và chính quyền cơ sở. Vì thế bệnh viện cần lựa chọn đội ngũ bảo vệ có tính chuyên nghiệp, tập huấn việc xử lý các tình huống, bởi đây là lực lượng xử trí đầu tiên trước khi có sự góp mặt của lực lượng công an, 113.