Thi THPT quốc gia 2017: Hạn chế thí sinh ảo
Tại thời điểm này, hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn thành nhập dữ liệu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển của thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi qua Internet. Theo đó, trên 74% thí sinh dự thi THPT có đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Năm nay, với việc cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn, có thể sẽ xuất hiện tình trạng “thí sinh ảo”. Vì vậy, theo Bộ GD-ĐT, sẽ có giải pháp hỗ trợ các trường “lọc ảo”.
Chuẩn bị cho một kỳ thi.
Theo tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến chiều 20/4, hầu hết địa phương đã cơ bản hoàn thành nhập dữ liệu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển của thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi qua Internet, đảm bảo đúng tiến độ theo quy định. Kết quả cho thấy, trên 74% thí sinh dự thi THPT có đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Đặc biệt có trên 50 % số thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp Khoa học Xã hội.
Trên 74% thí sinh đăng ký thi để lấy kết quả xét tuyển đại học
Dữ liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT, năm nay tỷ lệ thí sinh thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học chiếm gần 75%, cao hơn năm 2016 khoảng 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi, hầu hết thí sinh đều đăng ký xét tuyển từ 4 nguyện vọng trở lên vào các trường ĐH,CĐ.
Bộ GD-ĐT phân tích những năm trước, thí sinh chỉ chọn môn ưu thế trùng với môn đã chuẩn bị để đăng ký xét tuyển ĐH. Do tổ hợp truyền thống Toán- Lý- Hoá (khối A cũ) được nhiều ngành sử dụng để xét tuyển hơn tổ hợp Văn- Sử- Địa (khối C cũ), nên số thí sinh đăng ký dự thi các môn Khoa học tự nhiên cao vượt trội so với các môn Khoa học xã hội.
Tuy nhiên, phương án thi năm 2017 có các bài thi tổ hợp, quy chế cho phép thí sinh được lựa chọn một trong 2 bài thi hoặc cả hai bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp. Với quy định này, bên cạnh việc lựa chọn bài thi để xét tuyển vào đại học, thí sinh cũng cân nhắc chọn bài thi phù hợp để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp...
Hơn nữa, việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, không bắt buộc phải học thuộc lòng máy móc giúp thí sinh ôn tập các môn xã hội hiệu quả hơn. Ngoài ra, năm nay, các trường đề ra tổ hợp xét tuyển mới trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội, tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển. Đó chính là những lý do số lượng thí sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội tăng lên nhiều, trong khi thí sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên vẫn ổn định như các năm trước.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực này có tác động không nhỏ của việc đổi mới thi/tuyển sinh và đổi mới phương thức thi, cấu trúc bài thi. Ngoài ra, nó cũng góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình.
Ảnh minh họa.
Có phải vì yêu thích môn xã hội?
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) là 317.817 (chiếm 37,72%). Tỷ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH là 411.562 (chiếm 48,85%). Đây là năm tỷ lệ học sinh đăng ký thi các môn KHXH tăng mạnh nhất từ trước tới nay.
Ông Đoàn Minh Châu- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết, nếu như năm 2016, trường có dưới 30 học sinh đăng ký môn Lịch sử ở kỳ thi THPT Quốc gia thì năm nay, nhà trường có gần 200 học sinh đăng ký tổ hợp môn KHXH. Còn với trường THPT Marie Curie, Hà Nội, số lượng học sinh lựa chọn tổ hợp KHXH chiếm 2/3 học sinh đăng ký thi THPT quốc gia. Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) qua việc thí sinh bất ngờ lựa chọn bài thi KHXH tăng vọt cho thấy, sự lựa chọn của học sinh chủ yếu là vì dễ đạt điểm để đỗ tốt nghiệp THPT chứ chưa hẳn là vì sự yêu thích thực sự.
Việc thí sinh đăng ký bài thi KHXH tăng vọt cũng khiến chúng ta cần nhìn nhận lại cách thức dạy, học tập, thi cử cũng như chương trình giáo dục các môn KHXH. Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam học sinh nhiều năm qua chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Trước hết là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng nề truyền thụ và đo kiến thức. Sau nữa là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học.
Theo GS Phan Huy Lê, việc tổ chức giảng dạy như thế nào để học sinh thực sự yêu thích môn học KHXH, tham gia thi cử và để lấy đó làm căn cứ chọn lựa ngành nghề trong tương lai phù hợp với khả năng của mình mới là điều quan trọng nhất.
Giải quyết triệt để lượng thí sinh ảo
Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn, giúp các em lựa chọn được ngành mình yêu thích ở các trường có mức điểm trúng tuyển khác nhau. Đối với các trường, khi thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì số thí sinh ảo sẽ tăng, việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phức tạp hơn. Bộ GD-ĐT đã lường trước việc này và có giải pháp hỗ trợ các trường “lọc ảo.”
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), Bộ sẽ cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để các trường cân nhắc, quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất. Phần mềm thống kê nguyện vọng sẽ loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển nhiều nguyện vọng để đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất (nếu có) trong danh sách mà các trường gửi lên. Phương án xét tuyển chung đối với các trường có thể giải quyết vấn đề thí sinh ảo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các trường phối hợp thành nhóm để xét tuyển như nhóm GX năm ngoái do Trường ĐH Bách Khoa chủ trì để hạn chế hiệu quả lượng thí sinh ảo. Khi đó, nhóm có thể loại bỏ trước những thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thấp trong nhóm để khi đưa lên cổng tuyển sinh thì chỉ phải lọc những thí sinh trúng tuyển ở ngoài nhóm. Khi tham gia nhóm, các trường có thể cùng xác định điểm chuẩn phù hợp. Không có nhóm, các trường phải tự phán đoán nên việc xác định điểm chuẩn sẽ khó khăn hơn.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT, dù quy chế năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhưng thí sinh cũng không đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Phần đông thí sinh chỉ chọn lựa 4-5 nguyện vọng xét tuyển. Thậm chí có 13% thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển một nguyện vọng duy nhất; 30% thí sinh chỉ đăng ký hai nguyện vọng.
Qua phân tích dữ liệu đăng ký xét tuyển cho thấy, đa số thí sinh đã có suy nghĩ kỹ khi thực hiện đăng ký. Thí sinh đăng ký một vài nguyện vọng cao hơn kết quả thi dự kiến, một vài nguyện vọng sát với kết quả dự kiến và một vài nguyện vọng thấp hơn kết quả dự kiến.
Thực tế cho thấy, chúng ta chưa thể phân tích hết hiện tượng học sinh bất ngờ chọn thi các môn KHXH tăng mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục cũng phải lường trước khả năng sự lựa chọn của học sinh chỉ để dễ đỗ tốt nghiệp THPT hay vào được ĐH có thể dẫn tới dư thừa số lượng nguồn nhân lực đối với các ngành KHXH và khả năng tìm kiếm việc làm trong tương lai.