Hiệu quả của những nhóm nòng cốt

Hải Nhi 24/04/2017 09:00

Ngay sau khi UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ đạo làm điểm Đề án 02-212/QĐ-TTg về Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, tỉnh Hải Dương đã thành lập được trên 40 nhóm nòng cốt cấp huyện và cấp tỉnh. Các nhóm nòng cốt đã phát huy hiệu quả rất tích cực.

Nhóm nòng cốt tiêu biểu tại TP Hải Dương.

Từ năm 2015, tỉnh Hải Dương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho UBMTTQ tỉnh triển khai đề án này, mỗi năm Mặt trận thành lập được 6 nhóm nòng cốt mới, kết hợp với một số huyện, thành phố đầu tư kinh phí xây dựng nhóm nòng cốt cấp huyện. Ông Đặng Văn Hách – Trưởng Ban Dân chủ pháp luật MTTQ tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tại, hoạt động của nhóm nòng cốt được cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao.

Mỗi nhóm nòng cốt có từ 7 đến 10 thành viên, các thành viên của nhóm nòng cốt hầu hết là những người gương mẫu, am hiểu về pháp luật và có uy tín trong cộng đồng dân cư. “Có thể nói một số nhóm hoạt động rất tốt. Hằng năm Mặt trận kiện toàn nhóm nòng cốt bằng cách bổ sung các cá nhân tiêu biểu để nâng cao chất lượng hoạt động”, ông Hách nhấn mạnh.

Tại Hải Dương, những địa bàn mà nhóm nòng cốt hoạt động nổi bật phải kể tới thành phố Hải Dương, huyện Thanh Hà. Điều này thể hiện ở việc nhân rộng nhóm nòng cốt ở phường, xã. Đặc biệt là việc nhóm nòng cốt với vai trò tuyên truyền, vận động việc chấp hành luật pháp trong khu dân cư hằng năm đều tiến hành, đánh giá, kiểm tra, được biểu dương tại cộng đồng dân cư vào những dịp sơ, tổng kết các hoạt động tuyên truyền pháp luật.

Phổ biến tuyên truyền pháp luật, theo tháng, quý, sau khi được chỉ đạo triển khai điểm bao giờ nhóm cũng lên chương trình, phân nhiệm cho từng thành viên nòng cốt. Đặc biệt là những chủ trương mới, Nghị quyết của Hội đồng được nhóm nòng cốt tuyên truyền phổ biến làm kế hoạch và lên lịch tuyên truyền rất cụ thể.

Như vừa qua, UBMTTQ xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành đã tổ chức triển khai mô hình khu dân cư tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2017.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của UBTƯMTTQ Việt Nam và của tỉnh, việc triển khai mô hình khu dân cư tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Kim Thành tích cực triển khai với mô hình điểm tại thôn Viên Chử, xã Kim Tân và nhân rộng mô hình tại các thôn của xã Kim Tân (năm 2016).

Năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Kim Thành tiếp tục chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Kim Xuyên nhân rộng mô hình và thành lập các nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các thôn, khu dân cư còn lại của xã Kim Xuyên.

Cũng tại thôn Quang Tiền, Ủy ban MTTQ xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện đề án: “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư “ của UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Việc thực hiện đề án đã nâng cao trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao ý thức chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, các nội quy quy định của địa phương, lồng ghép với việc nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Bà Nguyễn Thị Khiêm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Gia Lộc cho rằng, nhóm nòng cốt có trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai rộng rãi đến toàn thể nhân dân trong địa bàn thôn thông qua nhiều hình thức như: lồng ghép trong hội nghị, các buổi sinh hoạt cộng đồng, tọa đàm...

Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung, văn bản mới được Quốc hội khóa XIV thông qua có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Theo ông Đặng Văn Hách, để việc tuyên truyền, phổ biến được hiệu quả, nhóm nòng cốt phải tìm hiểu cụ thể những văn bản pháp luật mới ban hành, sau khi nhóm nòng cốt thấy rằng ở khu dân cư của họ thiếu hụt những kiến thức gì về pháp luật thì họ sẽ tập trung tuyên truyền vào những nội dung đó. Chủ yếu là trọng tâm và đơn giản thì người dân mới hiểu.

Ví dụ, Luật Đất đai người dân đang vướng mắc ở vấn đề gì. Như cấp bìa đỏ, tranh chấp đất đai thì nhóm nòng cốt tập trung vào giải thích về quyền và trách nhiệm của người dân liên quan tới Luật Đất đai. Hay các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa...

“Qua quá trình hoạt động có thể thấy, các nhóm nòng cốt đã đóng vai trò hạt nhân, chủ đạo trong tuyên truyền và vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở địa bàn khu dân cư’, ông Hách đánh giá.

Hải Nhi