Khủng hoảng thừa, nông dân và doanh nghiệp đều gặp khó
Thị trường tiêu thụ “đóng băng”, giá lợn hơi giảm sâu nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đã khiến hàng trăm hộ nông dân và các doanh nghiệp chăn nuôi ở Hà Tĩnh thua lỗ nghiêm trọng, nguy cơ vỡ nợ rất cao. Không riêng gì người chăn nuôi tỉnh này mà cả nước đang “dính” vào vòng xoáy của cuộc “khủng hoảng thừa”- cung lớn hơn cầu.
Anh Phan Danh Định lo lắng khi đàn lợn 350 con đến kỳ xuất chuồng nhưng không ai ngó ngàng mua.
Nông dân còng lưng 'cõng' lỗ
Từ cuối năm 2016 đến nay, gia đình anh Đặng Ngọc Tuấn (thôn Hà Nam, xã Tiến Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) không tài nào ăn ngon, ngủ yên do bị lợn “hành”. Trang trại lợn quy mô 200 con của anh Tuấn được xây dựng theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Món nợ hơn 100 triệu vay cuối năm 2015 lúc xây dựng chuồng trại của gia đình anh Tuấn giờ đã tăng lên 380 triệu đồng, đấy là chưa tính vay ngoài.
- Từ khi lập trang trại đến nay tôi chỉ mới bán được một xe lợn cho thương lái Trung Quốc, còn lại là bán cho tỷ lô (thương lái trong nước - PV). Nhưng tỷ lô thì mua ngày được vài ba con nên lợn đến kỳ xuất cứ phải giam trong chuồng cho ăn nên tiền lỗ dồn từng ngày. Lứa lợn đầu năm nay tôi lỗ đến 300 triệu đồng.
Từ nay cho đến cuối năm, 15 con lợn nái sẽ đẻ ra khoảng hơn trăm con lợn con, nếu không ai mua thì tôi phải nuôi, nuôi mà bán với giá như hiện tại thì tôi lại lỗ tiếp, nợ tiếp tục tăng, bây giờ nhìn đến lợn là phát khiếp- anh Tuấn lắc đầu ngán ngẩm.
Anh Phan Danh Định (Làng K130 xã Tiến Lộc, Can Lộc) cũng rơi vào thế bất an khi trong chuồng của mình đang còn 350 con lợn siêu nạc đến kỳ xuất chuồng nhưng không thương lái nào ngó tới. Anh Định cho biết: “Lứa lợn trước tôi bán 210 con nhưng thời gian xuất bán kéo dài 3 tháng, từ trong Tết Nguyên đán ra đến 17-4 này mới hết. Lứa đó lỗ mất 300 triệu, nợ ngân hàng giờ lên đến 600 triệu đồng, mỗi tháng nộp 11 triệu đồng tiền lãi”.
Nợ chồng nợ, lỗ chồng lỗ là tình trạng của 12 thành viên trong tổ hợp tác chăn nuôi xã Tiến Lộc. Theo anh Nguyễn Duy Nhàn- Tổ trưởng, tất cả các thành viên trong tổ đều “dính” lỗ khủng trong đợt giá lợn lao dốc này.
Như gia trại anh Nhàn, hiện đang ứ 40 con lợn trọng lượng từ 1 - 1,2 tạ, thương lái vào mua ép giá chỉ còn 28.000 đồng/kg. Để cứu vãn, khoảng 2 ngày anh Nhàn tự giết mổ 1 con để bán cho người dân trong xóm. Nhưng cách này chỉ là đối phó tình thế, và là lợn nuôi bằng thức ăn vi sinh nên người dân trong xóm còn “chịu ăn” cho, chứ lợn công nghiệp thì đi cầu cạnh, năn nỉ mua rẻ.
Theo anh Nhàn, nếu tình trạng ứ đọng thị trường đầu ra kéo dài thì anh buộc phải “treo chuồng”. “Tôi chăm được 14 con lợn nái nhưng phải làm thịt bán 4 con rồi, chắc phải làm thịt hết chứ để đẻ rồi nuôi thì nhà tôi nguy cơ vỡ nợ rất lớn. Bây giờ lợn đã “ăn” mất 2 bìa đỏ của nhà và 1 bìa đỏ đi mượn của người khác. Thử hỏi người nông dân như chúng tôi làm sao gánh nổi nếu nợ tiếp tục để lợn nái đẻ ra nuôi mà không có người mua”- anh Nhàn nói.
Được biết, 1 tạ lợn hơi, người nông dân phải đầu tư từ 2 - 2,2 triệu đồng tiền cám, cộng thêm chi phí giống, khấu hao chuồng trại, thuốc thú y, nhân công... tổng giá thành hết 3,6 - 3,7 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên giá lợn hơi thương lái thu mua giảm xuống còn 2,7 - 2,8 triệu đồng/tạ (trước đây thời điểm cao nhất giá lợn tăng lên 5,2 triệu đồng/tạ; bình quân 4 triệu đồng/tạ). Vì thế, trung bình mỗi con lợn gánh lỗ từ 1 đến 1,5 triệu đồng.
Không chỉ lợn thương phẩm, giá lợn giống cũng giảm gần như chạm đáy. Cụ thể, một con lợn giống trọng lượng từ 6 - 7kg giảm từ 1,3 triệu đồng xuống còn 800 - 850 ngàn đồng. Điều đáng nói là dù giá giảm nhưng cũng chẳng có người mua. Ông Trần Minh Quế, chủ trang trại nuôi hơn 400 lợn nái ở huyện Vũ Quang than thở: “Trại của tôi đang có 900 con lợn giống đã đến ngày xuất chuồng mà không biết bán đi đâu”.
Hiện tại, huyện Vũ Quang đang có khoảng 5.000 con lợn thương phẩm/7 trang trại cùng hàng nghìn con tại các tổ hợp tác (nuôi 20 - 50 con/tổ hợp tác) và hộ dân đã đến ngày xuất chuồng nhưng chưa bán được. Trong đó, tổ hợp tác Hương Quang 300 con; Hương Minh 200 con; Ân Phú 220 con...
Doanh nghiệp cầu cứu
Tháng 8/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt “Đề án phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”.
Theo đó, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) được chọn là doanh nghiệp “đầu kéo” trong việc phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, với nhiều chính sách ưu đãi để phát tổng đàn. Nhưng khi đối diện với “khủng hoảng thừa”, doanh nghiệp này lại rơi vào tình cảnh bị “đem con bỏ chợ”.
Trao đổi với PV, Giám đốc Công ty thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc Nguyễn Ngọc Phương thẳng thắn nói: Giá thấp nhưng có người mua còn đỡ, nguy hiểm nhất là có nơi giảm đến đáy (20.000 đồng/kg) nhưng gọi không ai mua cho, điều này dẫn đến một loạt hệ lụy.
Theo ông Phương, trước đây, công ty có 54 tổ hợp trang trại “vệ tinh” nhưng do khó khăn nên hiện tại cắt giảm chỉ còn 28 tổ hợp (186 hộ), với tổng đàn lợn liên kết ứ đọng là 5.400 con.
“Doanh nghiệp cũng đang trong tình trạng bi đát, âm vốn, bên bờ vực phá sản, không thể tiếp tục tái đàn. Công ty phải cắt giảm tất cả các chi phí, từ nguyên liệu đầu vào phải tổ chức đấu thầu để chọn loại thấp nhất đến việc cắt giảm thiết bị điện, thậm chí không dám dùng điều hòa giữa trưa nắng 39 độ, giảm 20% lương của công nhân…
Để hỗ trợ nông dân, quý I/2017, Công ty đã giảm giá thức ăn 700 đồng/kg, cho trả chậm nợ đối với những hộ liên kết quy mô từ 20-50 con/hộ. Hiện dư nợ trong bà con nông dân của Công ty là 15 tỷ đồng. Trường hợp nếu dư nợ 15 tỷ này là nợ xấu thì tỉnh có giúp DN không hay là đem con bỏ chợ?”- ông Phương đặt câu hỏi.
Còn ông Lê Văn Nhị- Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Mitraco cho biết, DN đang gặp rất nhiều khó khăn, giá bán thấp chỉ có 21.000đ - 22.000 đ/kg thậm chí có nơi chỉ 18.000đ - 21.000đ/kg giá bán chỉ bằng 45% - 50% giá thành.
Tình trạng này kéo dài đến nay đã là 6 tháng nhưng theo nhận định tình hình này vẫn đang còn kéo dài, giá bán thấp nhưng vẫn không bán được, lợn con sinh ra không có chỗ nuôi, thiếu vốn sản xuất không có tiền để mua thức ăn, thuốc thú y phải cắt giảm hoặc không sử dụng, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh rất cao. Đến nay, các công ty con của Mitraco đang tồn 71.286 con (gồm lợn thịt, lợn giống thương phẩm và lợn thương phẩm liên kết). Tổng công ty đang lâm nguy nên phải “cầu cứu” tỉnh.
Làm sao để qua cơn bĩ cực?
Thống kê từ Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh Hà Tĩnh là trên 483.000 con; trong đó, lợn nái 80.796 con (19 cơ sở nái, nhiều cơ sở đang vay vốn ngân hàng sắp đến kỳ hạn trả nợ, tổng dư nợ hiện nay trên 400 tỷ đồng nhưng chưa có khả năng trả, không đủ điều kiện để tiếp tục vay vốn nên rất khó khăn trong việc duy trì đàn, quay vòng sản xuất).
Như vậy, cả DN chăn nuôi lẫn người nông dân đang phải “gánh” hàng nghìn con lợn, “cõng” hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng chục tỷ đồng tiền lỗ. Trong khi người mua lại vẫn phải mua thịt với giá cao.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi cho cơ quan quản lý nhà nước về giải pháp tháo gỡ cho ngành chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Tuấn Thanh- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh lắc đầu nói: “Bài toán giải cứu con lợn đang là một bài toán cực kỳ khó”.
Thực tế cho thấy, thị trường tiêu thụ lợn chủ yếu theo con đường tiểu ngạch, con đường này lại quá bấp bênh. Trước mắt, cần chỉ đạo để ngân hàng cho các đơn vị chăn nuôi lợn vay vốn, khoanh nợ, giãn nợ để duy trì sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn. Còn về lâu dài, tỉnh phải có quy hoạch tổng thể đàn phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước, nếu không việc lặp lại câu chuyện thua lỗ, “khủng hoảng thừa” sẽ tiếp tục tái diễn.
Bên lề hội thảo “An toàn thực phẩm và giải pháp thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi” tổ chức ở Hà Nội (ngày 21/4), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, giá bán lợn hơi của nông dân hiện đã lao xuống đáy. Từ cuối năm 2016 đến nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng luôn ở mức dưới 30.000 đồng/kg. Mặc dù sản lượng thịt lợn lợn và gà của Việt Nam dư thừa so với nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng lượng thịt ngoại vẫn tràn vào nhiều. Trong năm 2016, lượng thịt heo nhập về Việt Nam là 39.400 tấn với giá thịt tươi chỉ khoảng 35.900 đồng/kg, các phụ phẩm giết mổ khác có giá khoảng 21.000 đồng. Còn giá thành của 1kg heo hơi trong nước dao động khoảng 39.000 - 40.000 đồng. Theo Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1/2017 đến 15/3/2017, cả nước nhập gần 7.800 tấn thịt heo các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng gần 16% về lượng và 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi 1kg thịt heo nhập về chỉ có giá là 27.000 đồng. |