Góp ý chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Những khuyến nghị khi thực hiện
Ngày 23/4, GS VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho biết, Hội Cựu giáo chức Việt Nam vừa gửi văn bản góp ý cho Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Trong đó, đưa ra các khuyến nghị về các giải pháp để bảo đảm tính khả thi của Chương trình.
GS VS Phạm Minh Hạc.
Theo Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nhìn chung, Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Dự thảo đã quán triệt tinh thần chuyển định hướng giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học; Đã xác lập 2 giai đoạn của giáo dục phổ thông: giáo dục cơ bản (từ bậc tiểu học đến hết THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (3 năm học ở bậc THPT); có giải pháp khắc phục tình trạng quá tải của Chương trình giáo dục phổ thông, nhất là ở cấp THPT.
Ban soạn thảo đã xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông với định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và từng bước hội nhập với thế giới. Định hướng đó thể hiện ở việc tăng cường các môn học Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật, tích hợp một số môn truyền thống thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, áp dụng mô hình giáo dục STEM vận dụng tổng hợp các lĩnh vực: Toán học - Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn và quan hệ cộng đồng.
Để việc thực hiện chương trình đảm bảo kết quả tốt nhất, Hội Cựu giáo chức Việt Nam khuyến nghị sau khi ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cần khẩn trương xây dựng Chương trình các môn học/hoạt động giáo dục và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện.
Cần xây dựng lộ trình áp dụng thay thế Chương trình hiện hành (lần lượt từ các lớp nào của các cấp học, có giai đoạn thí điểm hay không thí điểm); kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; phương án đổi mới thi cử, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Khó khăn lớn nhất của việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới là khâu chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ năng lực thực hiện và chuẩn bị cơ sở vật chất, trong bối cảnh nhiều trường còn thiếu phòng học, phòng học bộ môn, đồ dùng dạy học, thiết bị giáo dục.
“Để đảm bảo tính khả thi của chương trình, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ một số điểm sau: Chứng minh tính đổi mới căn bản, toàn diện của chương trình được đề xuất; Dự kiến tính ổn định về thời gian trong thực hiện nội dung chương trình, phương pháp đánh giá” – Hội Cựu giáo chức kiến nghị.
Bên cạnh đó, cần làm rõ giải pháp đảm bảo thực hiện chương trình, trong đó có đội ngũ giáo viên như: Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ của giáo viên; Bổ sung giáo viên chuyên biệt do chương trình yêu cầu (khoa học công nghệ kỹ thuật, giáo dục nghệ thuật…); Chế độ chính sách cho giáo viên thôi việc do không đáp ứng yêu cầu của chương trình.
Điều kiện đảm bảo ngân sách nhà nước thỏa mãn yêu cầu của chương trình với tư cách chương trình là văn bản chính sách của nhà nước, là cam kết nhà nước đảm bảo chất lượng và quan tâm đến điều kiện cơ sở vật chất trường học.