Thêm động lực để tăng trưởng kinh tế
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nền kinh tế đang rất cần các giải pháp mạnh để cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó khuyến khích thêm đầu tư từ khu vực tư nhân.
Ảnh minh họa.
Phải bứt phá
Các bộ ngành đang lần lượt đưa ra kế hoạch hành động để thực hiện Nghị quyết 19 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong năm 2017.
Đánh giá của các chuyên gia cũng cho biết, chưa bao giờ nhiệm vụ hành động lại gắn với từng ngành, bộ như vậy. Song đặt trong bối cảnh thước đo sức khỏe nền kinh tế yếu, số lượng doanh nghiệp giải thể, thu ngân sách cũng chưa sáng sủa, tìm động lực tăng trưởng kinh tế và định những việc phải làm cho thời điểm quý 2/2017 là một trong những điều cần quan tâm.
Trung tâm Nghiên cứu và dự báo kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP quý 2-2017 sẽ tăng khoảng 5,6% khi mà công nghiệp có mức tăng mạnh nhất so với tăng trưởng của lĩnh vực này trong quý 1, đạt khoảng 6,3%. Nông nghiệp và dịch vụ cũng chuyển biến tích cực, tăng tương ứng là 2,3% và 6,8%.
Kỳ vọng hơn, cũng có 1 kịch bản kinh tế khác, công nghiệp khai khoáng phục hồi; mức khai thác tương đương năm 2016; tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhà nước có mức tăng trưởng mạnh; công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ… thì dự báo tăng trưởng GDP quý 2 sẽ đạt 6,27%.
Lẽ dĩ nhiên nền kinh tế đang có những điểm gấp khúc nhất định khi mà cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa như kỳ vọng. Kinh tế Việt Nam sẽ còn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh quốc tế.
Giai đoạn tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn nhiều rủi ro như khả năng tái cơ cấu của các nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Brazil, Nga…); sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản, tác động của các sự kiện như Brexit, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy nhanh qua việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và liên kết khu vực.
Bên cạnh đó, biến động nhanh về dòng vốn, luân chuyển thương mại, diễn biến phức tạp của giá cả hàng hóa thế giới (đặc biệt là giá dầu thô), biến đổi khí hậu… là những rủi ro chính tác động đến tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế.
Muốn vượt khó vươn lên thì việc tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ.
Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2017-2020 là những nhệm vụ không thể đứt đoạn.
Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển
Giới quan sát cho rằng, để vượt qua khó khăn tiếp tục tăng trưởng, Chính phủ và các bộ, ngành cần quyết liệt và tập trung hơn trong việc thực hiện các giải pháp cải cách thể chế, điều hành chính sách linh hoạt, mở rộng tín dụng để thúc đẩy đầu tư sản xuất, thành lập DN.
Trong đó đội ngũ DN sẽ là động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế. Do vậy cần triển khai các chính sách khuyến khích sự phát triển của khối DN tư nhân và hỗ trợ các DN này tham gia chuỗi giá trị.
Thống kê mới nhất từ Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho biết, hiện nay, theo con số thống kê đã có xấp xỉ 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Chính phủ đặt mục tiêu đến 2020 có 1 triệu DN.
Và đánh giá từ cộng đồng DN cho thấy, việc Thủ tướng quyết liệt trong việc loại bỏ “giấy phép con”, xử lý người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khi ra quyết định sai đã tạo ra động lực mới DN.
Theo ông Lê Vĩnh Sơn - Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam, nhiều quyết định liên quan đến DN tư nhân đã có cải cách nhất định. DN tư nhân được nhìn nhận, ứng xử công bằng hơn, dường như không còn sự phân biệt giữa giữa DN tư nhân với DN quốc doanh hay DN ngoài Nhà nước. Số đợt thanh tra cũng được giới hạn, công bằng và sòng phẳng hơn.
DN có thể đối thoại với các cơ quan quản lý thay vì là đối tượng thanh tra, kiểm tra như trước đây. Mặc dù vậy, để có môi trường kinh doanh tốt hơn, theo ông Sơn, DN vẫn chờ đợi những chính sách tốt hơn.
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, cơ quan này đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể về thuế nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của DN, trong đó bao gồm các giải pháp về thuế hỗ trợ các DNNVV, DN khởi nghiệp…
Các giải pháp được đề xuất sẽ vừa nuôi dưỡng nguồn thu NSNN, vừa nhằm hỗ trợ và phát triển DN, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ trúng, đúng đối tượng cần hỗ trợ mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất, từ đó có tác dụng lan tỏa, thúc đẩy DN khởi nghiệp phát triển trong giai đoạn hiện nay.