Sắc màu vùng cao trong tranh cắt vải

Mai Hoàng 24/04/2017 11:20

Là người yêu thiên nhiên, yêu vùng núi cao Tây Bắc, họa sĩ Trần Thanh Thục đã đưa thiên nhiên nguyên sơ, trong lành của Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Quản Bạ, Mèo Vạc (Hà Giang) vào trong tranh của mình. Ở đó, sắc màu cùng cao hiện ra biến ảo, có hoa đào, hoa mận, hoa cải vàng và lãng đãng cả tuyết rơi trắng xóa…

Thiên nhiên nguyên sơ, trong lành của vùng cao được đưa vào tranh cắt vải.

Nhắc đến họa sĩ Trần Thanh Thục, giới hội họa nhớ đến chị là người bền bỉ và có duyên với tranh cắt vải. Chọn cho mình một lối đi ít người theo, hơn 30 năm nay Trần Thanh Thục âm thầm, bền bỉ tạo nên những bức tranh bằng vải.

Con đường chị đi không ít nhọc nhằn, nhưng Thanh Thục bảo, chị thấy vui. Vui vì con đường đó vắng người đi, không ồn ào. Bên cạnh đó, chị lại cảm thấy như có người giúp đỡ, nên dù khó khăn, dù phải chìm trong thế giới rộng lớn của những tấm vải sặc sỡ sắc màu, nhưng chị không thấy hoang mang, “hoa mắt” khi chọn ra những miếng vải phù hợp với từng tác phẩm mà mình đã phác vẽ trong đầu.

Là người yêu thiên nhiên, tranh cắt vải của họa sĩ Trần Thanh Thục hấp dẫn người xem ở qua cách “kể chuyện” của chị, nhằm ngợi ca cuộc sống, ngợi ca những giá trị vĩnh hằng. Những mảng miếng, màu sắc trong tranh chị lớp lang, uyển chuyển trong cách phối màu khiến người xem không nghĩ nó được ghép lại từ hàng trăm hàng ngàn miếng vụn vải…

Họa sĩ Trần Thanh Thục đến với tranh cắt vải một cách hết sức tình cờ.

Như khi ngắm những bức tranh về núi cao Sa Pa, về Hà Giang của chị, người ta ngạc nhiên trước sự phối màu tinh tế. Đứng trước bức tranh đó, ta như đang đứng trước thiên nhiên hùng vĩ của mảnh đất địa đầu, ở đó có những núi đá cao, có hoa cải vàng một thiên nhiên còn nguyên sơ. Sắc màu vùng cao trong tranh chị còn điểm xuyết với váy áo rực rỡ của người vùng cao. Nó gợi ra cho người xem những xúc cảm thẩm mỹ về vùng đất chứ không đi vào mô tả chi tiết về các họa tiết trên trang phục…

Trần Thanh Thục kể, mỗi năm chị đều dành thời gian đi các tỉnh miền núi vài ba chuyến. Có khi đi 3-4 ngày nhưng cũng có chuyến đi kéo dài hơn tuần lễ. Đi đâu chị cũng ghi chép, chụp ảnh, trò chuyện với bà con. Nhưng khi về nhà, chị vẽ tranh bằng cách riêng của mình. Trần Thanh Thục thường tự phác thảo trong đầu một bố cục hoàn hảo cho tác phẩm, chứ chị không lệ thuộc vào cảnh sắc thực tế. Mặc dù những bối cảnh thực tế ở nhiều nơi đã rất đẹp, đẹp như một tác phẩm rồi.

Tuy nhiên, điều đó đã có các nhiếp ảnh gia ghi lại. Với chị, khi đưa các bối cảnh vùng cao vào trong tranh, chị cần “sắp xếp lại”. Có thể sẽ phải “nhấc” ngọn núi ở nơi này đặt vào rìa một bến nước có cây hoa đào đang nở. Cũng có khi, chị lại phải phủ lên đó một đám tuyết trắng đang rơi để không gian thêm biến ảo, lấp lánh…

Những bức tranh luôn có sự phối màu tinh tế.

Họa sĩ Trần Thanh Thục quê Nam Định, đến với tranh cắt vải một cách hết sức tình cờ. Khi đó, một lần đến nhà người bạn làm thợ may chơi, thấy có những miếng vải vụn họa tiết sặc sỡ thừa ra liền lấy kéo cắt rồi ghép lên tấm bìa thành một bức tranh phong cảnh quê hương. Không ngờ, lúc đem về nhà được bố động viên, thế là tự nhiên trong lòng thấy thích thú với cách làm ấy.

Từ đó, Trần Thanh Thục bắt đầu sưu tầm những mẩu vải vụn. Đến nay, những vụn vải thu gom đã không còn đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của họa sĩ, vì thế, chị thường phải đi nhiều nơi để tìm mua những mảnh vải có hoa văn, họa tiết, vân vải đẹp, phù hợp với ý tưởng của tác phẩm.

Những chuyến đi tới những vùng núi cao như Sa Pa, Bắc Hà, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Hội An… bên cạnh được sống với thiên nhiên, trò chuyện với bà con các tộc người, họa sĩ Trần Thanh Thục còn mải mê với các phiên chợ. Nơi đó có những xấp vải rực rỡ sắc màu đang đợi chị…

Mai Hoàng