Chống thất thoát khi bán phần vốn nhà nước

H.Hương 25/04/2017 08:00

Chính phủ quyết tâm tăng cường quản lý, giám sát tài chính của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Các hình thức giám sát trước, sau, trong, ngoài, từ trực tiếp đến gián tiếp để ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn khi bán tài sản nhà nước…

Ảnh minh họa.

Hoàn thiện đề án

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có yêu cầu trước ngày 29/4, Bộ Tài chính trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát Đề án cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN dự kiến trình Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng lưu ý hoàn thiện Đề án cần bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ về thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn tại DNNN và DN có vốn nhà nước. Hoàn chỉnh lại dự thảo Quyết định về nội dung liên quan đến đất đai của DN khi cổ phần hóa để phù hợp với Luật Đất đai.

Theo kỳ vọng, Đề án sẽ tạo ra bộ khung để các cơ quan quản lý, đặc biệt là DN bám theo để thực hiện quá trình tái cơ cấu DNNN. Được biết, dự thảo đưa ra 4 nhiệm vụ thực hiện rất rõ ràng: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN phù hợp với vị trí, vai trò và mục tiêu tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ được giao; đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém; kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan. Hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN theo Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Và cuối cùng, các DNNN tiếp tục thực hiện tái cơ cấu toàn diện: Sắp xếp lại DN, đổi mới công tác quản trị DN; tổ chức, quản lý nguồn nhân lực, ngành nghề.

Hiện nay một số bộ ngành cũng đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp lại DNNN. Chẳng hạn Bộ NN&PTNT cho biết, ngay trong năm 2017, Bộ sẽ tiến hành cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán lần đầu (IPO) một số DN như: Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2). Theo đó, VRG sẽ tiến hành cổ phần hóa và IPO trong quý III còn Vinafood 2 sẽ tiến hành trong quý II/2017.

Ngoài ra Bộ NN&PTNN cũng sẽ hoàn thành xác định giá trị DN với 2-3 DN để tiếp tục tiến hành cổ phần hóa, bao gồm: Tổng Công ty cà phê Việt Nam, Vinafood 1 và có thể cả Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long.

Như vậy có thể thấy các động thái liên quan đến tái cơ cấu, cổ phần hóa trong thời gian gần đây đang được đẩy mạnh.

Bỏ cơ chế bán vốn thỏa thuận

Tuy nhiên thực tế cũng đã cho biết, số DN cổ phần hóa đạt 96,3%, nhưng, phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%. Đáng lưu ý hơn, trong quá trình bán vốn còn gây thất thoát vốn nhà nước, tình trạng tư nhân hóa diễn ra mạnh dưới hình thức thâu tóm đất vàng. Kết quả của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, có nhiều sai sót trong việc định giá DN làm giảm giá trị tài sản được định giá. Nhiều cuộc thỏa thuận ngầm diễn ra dẫn đến tình trạng vốn nhà nước bị bán rẻ.

Tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP đang được lấy ý kiến, cũng đã chính thức bỏ quy định bán vốn cho nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận. Theo đó cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai. Giá bán cũng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất tại cuộc đấu giá công khai nếu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia. Còn nếu có từ 2 nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần trở lên thì thực hiện đấu giá giữa các nhà đầu tư với nhau sau khi bán đấu giá công khai, với giá khởi điểm là giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá.

Theo khẳng định của ông Đặng Quyết Tiến- Phó cục trưởng Cục Tài chính DN Bộ Tài chính, khi bỏ quy định bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược sẽ chấm dứt được tình trạng thất thoát vốn nhà nước, vì thỏa thuận có thể dẫn tới tiêu cực nếu ban lãnh đạo DN chỉ muốn bán cho nhà đầu tư nào đó thì họ sẽ xây dựng các tiêu chí về nhà đầu tư chiến lược mà chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu.

H.Hương