Những điểm sáng vùng cao
Ở đâu đạt danh hiệu nông thôn mới là ở đó có làng xóm văn minh, sạch đẹp, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại,… Và không ít xã vùng cao đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn.
Diện mạo các xã vùng cao ngày càng đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
1. Có lẽ đến giờ người dân bản Nà Hum, xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi cuộc sống vật chất và tinh thần của họ đang ngày càng được thay đổi rõ nét. Những con đường bê tông thẳng tắp. Điện lưới thắp sáng từng nhà. Trẻ con nô nức cắp sách tới trường. Ai cũng hiểu có được thành quả đó là nhờ chương trình nông thôn mới mang lại.
Bản Nà Hum nằm cách trung tâm xã Bình Lư hơn 4 km, có 89 hộ, với 428 khẩu, đều là dân tộc Thái. Theo lời của ông Điêu Chính Ngoan, Trưởng bản Nà Hum thì những năm trước đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong bản còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Năm 2011, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Ban Phát triển của bản đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với các hình thức phong phú, phù hợp để bà con ai cũng hiểu chỉ có xây dựng nông thôn mới thì đời sống của bà con mới nhanh thoát nghèo, thì con em họ mới không bị thất học…”.
Thế nhưng cũng vì cuộc sống của bà con còn nghèo khó nên khi vận động hiến đất, đóng góp ngày công, làm công tác vệ sinh môi trường hay chuyển đổi cơ cấu giống, các cán bộ của Ban Phát triển gặp khá nhiều khó khăn. Người dân chỉ lo cái lo trước mắt là bữa cơm hàng ngày chứ nông thôn mới với họ là cái gì đó to tát lắm.
Thế nhưng, Ban phát triển của bản Nà Hum đã kiên trì gặp gỡ, phân tích cho người dân hiểu rõ việc xây dựng NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Một con đường khi được Nhà nước đầu tư xi măng, thì người dân cần đóng góp mua sỏi đá, đóng góp ngày công xây dựng, hiến đất thì con đường mới hoàn thành được. Và khi đường xây xong thì việc giao thương mới dễ dàng, bà con mới có cơ hội tiêu thụ nông sản và có hội thoát nghèo.
Cứ vậy, mưa dầm thấm lâu, những người cán bộ của dân đã đi từng nhà, vận động từng người. Kết quả đã huy động được trên 2.000 ngày công lao động; góp hàng trăm khối cát sỏi; vận động nhân dân hiến 2.500 m2 đất và làm được trên 3,7 km đường giao thông nông thôn; di dời ra khỏi gầm sàn và làm mới 78 chuồng trại gia súc… qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 56,4% xuống còn 11,2%.
2. Tả Củ Tỷ là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà (Lào Cai), những năm qua, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của nhà nước, xã đã phát huy nội lực, huy động sức dân đóng góp công sức chung tay xây dựng nông thôn mới.
Cũng giống như các xã vùng cao khác, do đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên những năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động xã gặp không ít khó khăn. Vậy phải làm sao để người dân tham gia tự nguyện, ai cũng thấy mình có vai trò đóng góp cho thành công chung. Quá trình triển khai ở cơ sở, chính quyền, MTTQ các cấp đã có những cách tuyên truyền vận động rất sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn dân cư của mình.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, dần dần người dân xã Tả Củ Tỷ đã tích cực tham gia hưởng ứng với nhiều việc làm cụ thể thiết thực. Sau hơn 5 năm triển khai, phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân các dân tộc địa phương và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở vùng cao.
Xác định việc đầu tiên khi xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ những con đường, đường xá có khang trang thì mới tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong thôn, xã đi lại thuận tiện, giao thương dễ dàng. Thế là tuyến đường mòn từ thôn Sả Mào Phố (Tả Củ Tỷ) đi thôn Nậm Phàng (xã Bản Ngò) huyện Xín Mần được xây dựng, mở rộng để xe máy có thể lưu thông được.
Cũng với phương châm Nhà nước và dân dân cùng làm, người dân ở nơi những tuyến đường đi qua tình nguyện góp công, góp của để xây dựng. Mỗi mét đường hoàn thành trong niềm phấn khởi của bà con, cứ nghĩ đến khi con đường mới trải bê tông phẳng lì, xe máy chạy bon bon thay cho đường đất lầy lội khó đi là chẳng ai bảo ai, mọi người động viên nhau làm. Nhờ tinh thần đoàn kết đó, tuyến đường đã được mở rộng, xe máy có thể đi lại dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân 2 thôn đi lại, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế.
Tính đến cuối năm 2016, xã đã vận động nhân dân mở mới được 4,6km đường liên gia, đóng góp được gần 2.000 ngày công lao động, hiến 1.700m2 đất và nhiều nguyên vật liệu với tổng trị giá qui tiền gần 450 triệu đồng để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, các công trình phụ trợ trường học…Cùng với việc xây dựng đường, trường, trạm, thì tiêu chí thu nhập cũng được xã đặc biệt chú trọng, bởi khi đời sống của người dân bớt khó khăn thì việc thực hiện các tiêu chí còn lại mới dễ dàng.
Được sự vận động của chính quyền, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, hiệu quả vào sản xuất. Với nhiều giải pháp được triển khai, đến nay các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã đã đạt được những kết quả tích cực.
Các cây trồng hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu giao, đời sống của người dân cũng ngày càng khấm khá hơn. Các phong trào vệ sinh môi trường nông thôn đã được triển khai sâu rộng. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, không có các vụ việc phức tạp xảy ra.
3. Tính đến nay, cả nước đã có 2.358 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 1,43% so với chỉ tiêu năm 2016. Tổng nguồn lực huy động được trong năm khoảng 228.398 tỷ đồng. Cùng với những con số trên là nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh đã được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Ở nhiều địa phương đồng ruộng được dồn đổi, chỉnh trang, xuất hiện những mô hình, phương thức sản xuất, chăn nuôi mới hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Đời sống người dân đổi thay từng ngày.
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở Nà Hum, Tả Củ Tỷ và những xã, thôn bản vùng cao khác đã cho thấy nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền từ tỉnh đến từng xã, thôn bản để ngày càng lan tỏa những điển hình, những điểm sáng mới giúp thay đổi diện mạo vùng cao, để đời sống người dân ngày càng khởi sắc.