Vi phạm bản quyền: Sai phạm nhiều, xử lý được bao nhiêu?
Tranh giả, các sản phẩm ghi âm, ghi hình bị in lậu; sách in lậu tràn lan… đó là những câu chuyện vi phạm bản quyền trong lĩnh vực VHNT tồn tại nhiều năm. Dù các cơ quan quản lý đã ban hành các quy định và các chế tài xử phạt nhưng dường như “cuộc chiến” với những vi phạm bản quyền đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.
Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực VHNT đang tràn lan và khó kiểm soát. Ảnh minh họa.
Sai phạm tràn lan
Thực tế cho thấy, câu chuyện vi phạm bản quyền nhiều năm trở lại đây đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc với những tác giả, chủ sở hữu. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ càng phát triển thì những sai phạm càng trở nên tinh vi, khó kiểm soát. Thậm chí nhiều sản phẩm VHNT bị làm giả, làm nhái mà ngay cả chủ sở hữu cũng khó lòng nhận ra.
Đơn cử, trong lĩnh vực sách ngay trên mạng xã hội Facebook dễ dàng tìm thấy hàng chục nhóm kín, nhóm mở gắn mác yêu sách, lôi kéo các thành viên tham gia gõ lại các bản sách hay, sách quý của nhiều đơn vị xuất bản rồi tự ý đưa các nội dung sách không bản quyền này phát tán rộng rãi lên mạng xã hội hoặc đưa lên website riêng, cập nhật vào kho tải ứng dụng cung cấp trên trang sách điện tử lậu.
Hay ở lĩnh vực âm nhạc câu chuyện băng đĩa lậu đã không còn xa lạ gì với khán giả. Và thực tế hiện nay đa phần các nghệ sĩ thay vì “chiến đấu” với vấn nạn băng đĩa lậu đã buộc phải chọn cách sống chung.
NSND Quốc Anh chia sẻ: “Vấn đề in lậu, vi phạm bản quyền nhiều năm qua diễn ra ngang nhiên ở Việt Nam và đang làm nản lòng nghệ sĩ”. NSND Quốc Anh cũng chia sẻ có lần đến nhà một người bạn chơi, họ bật đĩa hài khoe xem diễn xuất của anh rất hay. Ngồi xem trực tiếp, thấy hình ảnh diễn xuất của mình lòe nhòe, chất lượng kém, cầm bìa đĩa lên mới ngỡ ra là đĩa in lậu.
Thay vì “kêu ca”, các nghệ sĩ sống chung với vấn nạn, miễn là các nhà tài trợ tiếp tục làm “bầu sữa” để sản phẩm đến được với khán giả. “Chục triệu hay vài triệu đồng, chúng tôi đều nhận hết. Có được đồng nào hay đồng đó” nghệ sĩ Chiến Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, để đối phó với đĩa lậu, nhiều đơn vị sản xuất đã chủ động sử dụng những kênh trực tuyến như Youtube, mạng xã hội là một công cụ tận thu trong kinh doanh.
Theo đạo diễn Trần Bình Trọng, sản phẩm càng có nhiều người xem thì mới có thể bán quảng cáo, lúc đó mới có đơn vị tài trợ đồng hành cùng mình. Youtube hay mạng xã hội lúc này mới chỉ là công cụ tận thu nhưng trong tương lai, đó sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho sản phẩm hài.
Loay hoay tìm lời giải
Thay vì đợi các cơ quan quản lý bảo vệ quyền tác giả, các nghệ sĩ đã và đang phải tự “xoay sở” tự bảo vệ quyền. Bởi cho dù đã có các chế tài xử phạt nhưng dường như tính răn đe với những vi phạm vẫn chưa thực sự hiệu quả so với nguồn lợi từ các sản phẩm in lậu mang lại.
Theo NSND Thanh Hoa - Chủ tịch Hội bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn nhìn nhận: “Sở dĩ việc vi phạm bản quyền vẫn diễn ra tràn lan bởi hiện nay quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn mới mẻ và phức tạp tại Việt Nam.
Nhận thức của nhiều nghệ sĩ về vấn đề bản quyền còn hạn chế, mơ hồ dẫn đến tình trạng có nhiều vi phạm nhưng chưa được xử lý thỏa đáng. Ý thức của cộng đồng về quyền tác giả, quyền liên quan chưa được phổ biến rộng rãi nên các hội bảo vệ bản quyền gặp khó khăn trong hoạt động khi vấp phải sự không chấp hành pháp luật của công chúng, các tổ chức hay cá nhân có nghĩa vụ liên quan”.
Còn với ngành xuất bản theo ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho hay, hiếm có tác giả kiếm được năm bảy chục triệu đồng cho việc ra đời một cuốn sách, đa phần chỉ kiếm được năm bảy triệu mà thôi.
Trong khi đó, việc chế tài xử phạt vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan đối với hành vi in lậu sách chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính (cao nhất 20 triệu đồng), nên những đối tượng in lậu sẵn sàng chấp nhận đóng phạt để ngang nhiên xâm phạm bản quyền. Cũng theo ông Hoàng, đối với một cuốn sách bán chạy, ngay lập tức các nhà in tư nhân lấy scan, photo. Cuốn sách bán giá rẻ hơn, nội dung có thể như nhau nhưng chất lượng kém hơn rất nhiều.
Còn về lĩnh vực điện ảnh, ông Phan Vũ Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông Điện tử TP HCM chia sẻ: “Các bộ phim mới nhất, hay nhất vừa được công chiếu tại rạp ngay lập tức bị phát hiện trên các trang web lậu, dù hình ảnh và chất lượng rất kém.
Ví dụ gần đây nhất là phim Kong: Đảo đầu lâu, Fast &Furious… Phim Kong: Đảo đầu lâu đã được phát hiện trên các trang web lậu ở Nga, phụ đề tiếng Nga… nhưng nguồn gốc của phim lậu này lại từ Việt Nam. Vi phạm bản quyền lĩnh vực bóng đá truyền hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi mua bản quyền và chiếu ngay lập tức bị vi phạm. Các trang web lậu quá nhiều, tràn lan… chưa kể công cụ live stream trên youtube, facebook…”.
Và xem ra việc cứ mải nhìn nhận, đáng giá về vi phạm bản quyền trong lĩnh vực VHNT đang “thiếu mà lại thừa”, thậm chí thiếu hiệu quả. Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL từng chia sẻ ngoài quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, quan trọng nhất là chúng ta phải tạo được nhận thức trong xã hội.
Nếu chỉ có ý chí từ cơ quan quản lý nhà nước mà công chúng không có cùng nhận thức thì khó tạo được tư duy mới trong bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan. Do đó, cần có chiến dịch tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ hơn nữa. Bởi bảo vệ quyền tác giả cũng là bảo vệ quyền sáng tạo, mà bảo vệ được quyền tác giả mới kích thích được sáng tạo. Qua đó, giúp người nghệ sĩ yên tâm sáng tác và cống hiến.