Đời sống của ngôn ngữ
Hội thảo Ngôn ngữ học quốc tế lần thứ 3 do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Đề tài hội thảo đề cập tới “Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam”.
Trên thực tế vấn đề này cũng đang là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa. Bởi giờ đây việc sử dụng tiếng Việt theo trào lưu đang trở thành xu hướng của xã hội.
Ở góc nhìn nghiên cứu ngôn ngữ học, hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học lần 3 vừa diễn ra tại Hà Nội cũng chính là dịp để các nhà ngôn ngữ ở Việt Nam, các nhà ngôn ngữ thế giới cùng trao đổi thảo luận về những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại, nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam…
Trên cơ sở phân tích một số đặc điểm những khuynh hướng hiện đại trong ngôn ngữ học, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết: Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại được tiếp thu, vận dụng, điều chỉnh ở Việt Nam.
Những khuynh hướng ngôn ngữ học này đã được vận dụng một cách linh hoạt, tạo nên bức tranh nghiên cứu ngôn ngữ học đa dạng.
Theo đó, có thể nói việc áp dụng các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại đã mang lại những khởi sắc trong nghiên cứu hệ thống về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt…
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học: ngôn ngữ song hành cùng với đời sống xã hội và ngôn ngữ cũng có đời sống riêng. Việc ra đời hàng loạt những từ mới, khái niệm mới đang được nhiều người sử dụng hiện nay đã minh chứng cho điều đó.
Do vậy sẽ có những khái niệm, từ mới ở cả mặt tích cực và tiêu cực. Những từ mới không thích hợp sẽ dần bị loại bỏ, còn những từ mới phù hợp trong văn cảnh, ngữ cảnh sẽ được người dùng chấp nhận.
Do đó, những đóng góp cho hội thảo ngôn ngữ học quốc tế được Ban tổ chức kỳ vọng sẽ mang lại những nhận thức, tri thức mới, làm cho ngôn ngữ học Việt Nam đáp ứng được các nhu cầu của thực tiễn sử dụng ngôn ngữ ở Việt Nam và đóng góp vào kho tàng lý luận của ngôn ngữ học thế giới.