Học để thích nghi với cuộc sống
Trong nhiều tranh luận về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến, có người cho rằng Ban soạn thảo nói là giảm tải chương trình nhưng sao lại nhiều môn học như vậy? Ý kiến khác cho rằng nếu không có nhiều môn học thì học sinh lấy gì để tự chọn?
Ảnh minh họa.
Có ý kiến bày tỏ lo ngại cấp 1 chỉ cần biết tính toán đơn giản, biết nói đúng, viết đúng tiếng Việt là đủ. Người khác lại lập luận rằng không biết Ngoại ngữ, không dạy các em về tin học máy tính, về lịch sử nước nhà, về thế giới xung quanh… thì làm sao sau này trở thành công dân toàn cầu? Học cái gì với thời lượng bao nhiêu, mục tiêu thế nào, cách học ra sao luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm dù là ở chương trình phổ thông hiện hành hay chương trình đổi mới sau đây.
Tại buổi giao lưu với sinh viên Đà Nẵng tại ĐH Duy Tân mới đây, có một sinh viên đặt câu hỏi với GS Ngô Bảo Châu: “Ở phổ thông, chúng em đã học hình học, phương trình…, lên đại học (ĐH) lại học tiếp.
Nghịch lý là khi ra trường lại không áp dụng vào công việc, đời sống, vậy có nên bỏ hoặc giảm tải không? Thay vào đó là các dạng Toán sát sườn với ngành học và việc làm sau này?”. Có lẽ, đây cũng là thắc mắc không chỉ của hai sinh viên ở trên mà còn là của rất nhiều người.
Tại Hội thảo về giảng dạy Toán trong các trường ĐH, CĐ tổ chức tại ĐH Phú Yên vừa qua, nhiều giảng viên, nhà quản lý giáo dục… đã cùng nhau thảo luận và đi đến một số thống nhất. Đó là thời lượng giảng dạy môn Toán tại các trường hiện đang giảm đi. Chương trình bị cắt bớt, sinh viên học ít đi hoặc thầy dạy rất vội vàng. Từ đó dẫn tới trình độ môn Toán của sinh viên năm 1, năm 2 nói chung là kém đi.
“Thực tế ở nhiều trường môn Toán được coi là môn bổ trợ, môn phụ, không phải môn chính. Có ý kiến cho rằng cần cắt bớt hoặc xóa sổ luôn môn Toán vì họ cho rằng việc giảng dạy toán không có ích lợi gì cho việc học của sinh viên”- GS Phùng Hồ Hải, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam bày tỏ.
Theo GS Hải, để thuyết phục được các ngành khác, các nhà quản lý rằng môn Toán cần thiết như thế nào không thể chỉ nói suông được. Các thầy cô giảng dạy Toán trong trường ĐH, CĐ cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình chung bằng cách dạy phải ít hàn lâm hơn, mang tính ứng dụng cao hơn.
Cần tìm cách thích ứng, hòa nhập với xu hướng quốc tế, tham khảo các nước dạy toán như thế nào và học hỏi cho phù hợp với thực tế phát triển giáo dục của Việt Nam. Nếu vẫn cứng nhắc dạy Toán như cách đây 20 năm trước thì không còn phù hợp nữa.
GS Hải còn cho rằng cần phải có trao đổi với các cán bộ quản lý để họ hiểu được vai trò của môn Toán, cần có đấu tranh để các trường không cắt giảm môn Toán một cách tùy tiện.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng môn toán cần có những đề án rộng, thành lập những đề cương giảng dạy môn toán để các trường có cơ sở khi trao đổi với nhà quản lý và đồng nghiệp các bộ môn khác.
Trở lại với câu hỏi của sinh viên Đà Nẵng, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ đây là vấn đề khiến ông rất băn khoăn, rất khó nói nên bỏ hay tiếp tục. Quan điểm học ĐH là chỉ học cái để phục vụ cho công việc khi ra trường là không đúng, vì xã hội luôn thay đổi.
“Cái cần học là ngày mai, chứ không phải hôm nay, vì vậy mình phải học để chuẩn bị cho cả những thay đổi của ngày mai. Cốt lõi của việc học ĐH là để chuẩn bị cho chúng ta có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh của cuộc sống”- GS Châu chia sẻ.