Công khai việc kỷ luật cán bộ liên quan đến khiếu nại đất đai
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của bà Đàm Thị Lích (tỉnh Lâm Đồng).
Xét báo cáo của UBND tỉnh lâm Đồng về việc Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Thi hành kỷ luật bằng hình thức triển trách đối với ông Lê Công Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng do có những vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại của bà Đàm Thị Lích, tạo dư luận không tốt ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng có ý kiến: Việc Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thi hành kỷ luật bằng hình thức triển trách đối với ông Lê Công Tuấn là cần thiết và phù hợp quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng thông báo công khai hình thức kỷ luật đối với ông Lê Công Tuấn trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao tinh thần trách nhiệm và hạn chế những vi phạm của cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết khiếu nại của công dân.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trách nhiệm, tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với ông Lê Công Tuấn (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng) đã để xảy ra sai phạm liên quan đến việc áp thuế oan 5,7 tỉ đồng.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trách nhiệm, tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Lê Công Tuấn theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để có tác dụng góp phần hạn chế những vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết khiếu nại của công dân.
Trước năm 1970, gia đình bà Đàm Thị Lích (ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) khai phá đất đai làm nông nghiệp và được cấp quyền sở hữu 3.925 m2 đất. Năm 1985, diện tích đất trên được đưa vào HTX Cao Bắc Lạng 1 (huyện Đức Trọng) quản lý. Năm 1986, nhà nước quy hoạch lô đất này thành khu dân cư và cấp cho 11 hộ, trong đó gia đình bà Lích được cấp 750 m2, sau này do san ủi đường nên còn lại 610 m2.
Khi gia đình bà Lích làm hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (QSD) đất thì UBND huyện Đức Trọng không cấp 610 m2 đất thổ cư mà chia thành 253,9 m2 đất thổ cư và 310 m2 đất nông nghiệp.
Tiếp đó, theo thông báo của cơ quan thuế, muốn được cấp giấy chứng nhận QSD 253 m2 đất này, gia đình bà Lích phải nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà, đất với số tiền lên tới hơn 5,7 tỉ đồng. Gia đình ba Lích đã làm đơn khiếu nại. Ông Tuấn là người trực tiếp ký quyết định giải quyết đơn của bà Lích với nội dung trái quy định của pháp luật khiến gia đình bà khiếu nại và kêu cứu khắp nơi trong thời gian dài.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Tổng cục Quản lý Đất đai (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã dẫn đầu đoàn công tác xuống địa phương thanh tra giải quyết. Đến lúc này chính quyền địa phương mới ra quyết định cấp giấy chứng nhận QSD đất thổ cư cho gia đình bà Lích với diện tích 563,9 m2; mức thuế áp cho việc cấp sổ là 0 đồng chứ không phải số tiền khổng lồ hơn 5,7 tỷ đồng như trước đó.