15 năm: Bức tranh kinh tế tư nhân

27/04/2017 08:40

Đại hội XII của Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Tháng 5 tới, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp và trong dự kiến chương trình kỳ họp này, Trung ương sẽ tập trung bàn về thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu 2 bài viết với góc nhìn tổng thể về bức tranh kinh tế tư nhân 15 năm qua.

Bài 1: Cần thay đổi căn bản về cách quản lý

Ông Đào Huy Giám.

Dành cho Đại Đoàn Kết một cuộc trao đổi khá sâu, TS Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân cho rằng: Đánh giá về kinh tế tư nhân sau thời kỳ đổi mới; đặc biệt là 15 năm qua cái được cũng có mà cái mất cũng có. Và ở góc độ của mình, ông nhận xét: Với số lượng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) như hiện nay thì sự đóng góp của khối kinh tế tư nhân có thể cao hơn nhiều so với những gì chúng ta đang thấy.

Giai đoạn mới, đòi hỏi mới

Cho rằng, điểm mới được nhấn mạnh là kinh tế tư nhân đang trở thành lực lượng quyết định chất lượng và quy mô phát triển của cả một nền kinh tế trong thời gian tới, ông Đào Huy Giám đưa ra nhận xét, cách đây 20 năm Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chiếm 70% các hoạt động kinh tế của đất nước; thì đến nay theo con số thống kê, kinh tế tư nhân đang sử dụng trên 50% lực lượng lao động và tạo ra khoảng hơn 40% GDP.

“Con số này đã là sự thay đổi lớn vì trước kia có kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, trong đó kinh tế nhà nước chiếm hơn 70% rồi, còn kinh tế cá thể lạc hậu chiếm 18% cho nên cách đây 20 năm nền kinh tế mới tạo ở mức trên 10% thu nhập cho đất nước, nhưng đến nay đã tạo ra việc làm cho hơn 50% lực lượng lao động, trên 40% GDP”- Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân nói.

Phân tích thêm, ông Giám cho rằng: Trải qua 15 năm, cái được đầu tiên đó là kinh tế tư nhân học được cách quản lý của thời đại mới. Hiện đang là cuộc cách mạng 4.0- cuộc cách mạng của kinh tế trí thức, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, vật lý mới trong giai đoạn phát triển mới. Mặt khác kinh tế nhà nước với đội ngũ lãnh đạo đa phần dựa vào kinh nghiệm, cho nên tính ổn định rất cao nhưng tính năng động, sáng tạo lại thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân. Do đó, việc tạo nên động lực phát triển, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng lên một bước mới lại là một đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay.

Hiện các giới, các ngành đều thừa nhận vai trò của kinh tế tư nhân và đáng mừng là các cơ quan đề xuất chính sách đều đi đến thống nhất cần nâng cao năng lực cho thành phần kinh tế tư nhân. Phải cùng nhau tạo ra cơ chế phát triển ngày càng tốt hơn, minh bạch hơn giúp cho nguồn lực của kinh tế tư nhân đạt được sự sáng tạo hơn nữa.

Chúng ta đang phân định kinh tế tư nhân thành 3 nhóm: thứ nhất là DN tư nhân siêu lớn, doanh số trên 1 tỷ USD, hơn 1000 người lao động; thứ hai là DN nhỏ và vừa; thứ ba là hộ kinh doanh cá thể. Nhưng theo ông Giám, giờ là lúc cần phân định lại. Bởi DN nhỏ và vừa theo chuẩn quốc tế có 500 lao động nhưng tạo rất nhiều của cải, năng suất lao động gấp 5-10 lần trong thao tác thủ công hay nông nghiệp. Vì thế, nên có sự phân định lớn, vừa, cá thể để từ đó phân định trong phương thức quản lý.

Ảnh minh họa.

Còn yếu về phương thức quản lý

Đại hội XII vừa rồi, trong Nghị quyết ĐH Đảng đã công nhận kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước, là lực lượng chủ yếu tạo nên sự tăng trưởng và sự phát triển của đất nước. Điều đó cũng có thể được hiểu, Nhà nước giao nhiệm vụ cho DNTN nói riêng, kinh tế tư nhân nói chung. Khi gia nhập WTO chúng ta điều chỉnh hàng trăm chính sách và luật. Nhưng nay ban hành mai lại có những điểm chưa phù hợp. Vì thế, theo Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân, Nhà nước nên tăng cường cơ chế phản biện xã hội, đối thoại xây dựng chính sách.

Do đó, ông Giám đề nghị: Tăng cường bằng cách tăng thêm sức mạnh của hội đồng tư vấn của Chính phủ trong việc xây dựng cơ chế chính sách và giám sát các thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng thủ tục hành chính và thực thi chính sách để hội nhập phát triển. “Lấy thị trường nước ngoài nhìn về thị trường Việt Nam để thay đổi, do vậy, cần mở rộng hoạt động khuếch trương hoạt động kinh tế từ xuất khẩu nhập khẩu thu hút đầu tư sang phát triển kinh tế Việt Nam ở nước ngoài là công cụ cho ngành ngoại thương và xuất nhập khẩu. Từ cách nhìn trong quản lý đầu tư, điều phối chính sách và hoạt động cụ thể nhằm có những thúc đẩy mang tính chất triển khai cụ thể”, ông Giám nêu quan điểm.

Trong 20-30 năm qua chúng ta phát triển ở bề rộng thiên về khai thác nguồn lực biểu hiện ở sử dụng tài nguyên, sức lao động không chú ý yếu tố môi trường nhưng thực ra trong đó cũng có yếu tố chiều sâu- đó chính là nâng cao năng lực quản lý, cách quản lý. Sự phát triển của tri thức, giá trị gia tăng việc sử dụng công nghệ và sự liên kết. Đương nhiên, nguồn lực tri thức, công nghệ hiện chưa đạt như mong muốn nhưng tỷ lệ % sẽ ngấm dần. Bởi, chúng ta đang chuyển sang phát triển theo chiều sâu - không đòi hỏi tài nguyên mà đòi hỏi sự phát triển về trí tuệ.

Chúng ta yếu trong năng lực quản lý. Mà cấp càng thấp thì năng lực quản lý càng yếu. Bản thân trong cơ cấu tổ chức của Nhà nước nếu không thay đổi được phương thức quản lý thì sẽ không có được nền tảng quản lý tốt. Chẳng hạn việc quản lý bằng công nghệ thông tin- phương thức ấy cho ưu điểm vừa nhanh, vừa tránh tối đa việc tiếp xúc giữa DN và cơ quan công quyền nên sẽ tăng độ minh bạch và giảm thiểu tối đa tiêu cực.

Cần những chương trình hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm

Lấy ví dụ của các nước phát triển nhưng vẫn không quên cho rằng mỗi nước mỗi khác và trong mỗi thời kỳ họ có những chính sách đột phá khác nhau. Các nước họ có hàng trăm nghìn chương trình đầu tư cụ thể; như Indonesia với chương trình sản xuất thất bại lúc đầu nhưng thành công hiện nay; Hàn Quốc với ngành đóng tàu biển cũng thua lỗ ban đầu nhưng đến nay họ trở thành quốc gia có công nghiệp đóng tàu thuộc loại tiên tiến, chỉ đứng sau một số nước, ông Đào Huy Giám nhận định: Nói như vậy để thấy ngành nào cũng có thời kỳ thua lỗ. Do đó, cần có những chương trình hỗ trợ tùy theo từng thời kỳ. Nhưng quan trọng là với nhiều ngành nghề, nếu giao cho khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Vấn đề ở chỗ DNTN nào được “chọn mặt gửi vàng” thì phải đề xuất các chương trình dự án chứ không thể nói chung chung.

Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân cho rằng, có cơ chế để cho kinh tế tư nhân sáng tạo, chủ động đề xuất thì chúng ta sẽ có các chương trình tầm cỡ khu vực và thế giới; có thể có những chương trình cho DN siêu lớn, có chương trình cho DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, ý kiến từ Diễn đàn kinh tế tư nhân đề xuất thêm: Vì việc đầu tư ban đầu có thể có thua lỗ; cho nên Nhà nước có thể xem xét chính sách lãi suất ưu đãi; cho tiếp cận đất đai; hỗ trợ đào tạo chuyên gia hay lập các điểm khuếch trương hoạt động kinh tế ở nước ngoài. Đó là một số cách để tạo điều kiện hỗ trợ cho kinh tế tư nhân; tuy nhiên, điều này cũng cần phải được chính những người trong cuộc đề xuất.

Nhấn mạnh thêm về khâu yếu là quản lý trong DNTN, ông Đào Huy Giám cho rằng, chúng ta có cái dở là nhiều nhà quản lý DN được đào tạo tại nhiều nước nhưng lại yếu trong năng lực thông tin. Trong số giám đốc DN hiện nay bao nhiêu người nói tiếng Anh? Bao nhiêu người tốt nghiệp quản lý về kinh tế, ngân hàng? Tính chung có kiến thức quản lý chiếm chưa đến một nửa, còn biết tiếng Anh chiếm chưa đến 20%. Ngoài ra, Nhà nước cần tiêu chuẩn hóa các chuẩn quốc tế. Đó là cách giúp cho DN không phải mất quá nhiều công và quy chuẩn luôn trong đào tạo và sử dụng cán bộ.

Mai Loan - Hoài Vũ (ghi)

(Bài 2: Mạnh dạn đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh)