PVCFC với những ‘Hạt ngọc của mùa vàng’
Tính từ ngày 30/1/2012 PVCFC cho ra mắt sản phẩm thương mại đầu tiên với tên gọi “Hạt ngọc mùa vàng” thì chỉ chừng 10 tháng sau đơn vị này đã cán mốc sản lượng 500 ngàn tấn; và đạt mốc 1 triệu tấn chỉ sau 15 tháng đi vào hoạt động.
Toàn cảnh Nhà máy Đạm Cà Mau.
Trong Chương trình “Tự hào trí tuệ Lao động Việt Nam” năm 2017 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức hôm 22/4, vào dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân lao động khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung tại Cung Thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng có 2 sản phẩm của ngành dầu khí được vinh danh đó là hệ thống Casing Stabbing board trên Giàn PV Drilling III và sản phẩm phân bón N46.PLUS (lọt top 10) do nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) nghiên cứu thành công.
Cũng đôi lần được tiếp xúc với những con người dầu khí tài hoa và được biết đến những sáng chế của họ, nhưng tôi thấy bất ngờ về sản phẩm N46.PLUS do những kỹ sư trẻ tuổi của một Công ty trẻ về tuổi đời trong hệ thống các công ty thuộc Tổng công ty phân bón dầu khí- PVCFC.
Nghe Trưởng Ban tiếp thị của PVCFC Phạm Tuấn Sơn say sưa kể về sản phẩm vừa được vinh danh kể trên, tôi đã hiểu thêm về sản phẩm đạm duy nhất tại Việt Nam có phủ lớp Agrho N Dual protect gồm NBPT (N-(-n butyl) thiophosphride triamdie) và DCD (Dicyandiamide) giúp “bảo vệ đạm kép/bảo vệ đạm 2 lần” Công nghệ Châu Âu của Tập đoàn Solvay (Bỉ).
N46.PLUS, theo như “tiếp thị” của Sơn thì sẽ giúp giảm thất thoát đạm, tăng hiệu quả sử dụng đạm, tiết kiệm 20-30% lượng bón so với urê, lá xanh bền, giúp cây sinh trưởng, phát triển mạnh, tăng năng suất cây trồng 5-10%, phụ gia sinh học thân thiện với môi trường, hạt to, tròn đều, dễ phối trộn với các loại phân khác.
Nhưng N46.PLUS không phải là tất cả những gì mà những kỹ sư, công nhân trẻ của Công ty có vỏn vẹn 6 tuổi đời làm được. Kể từ khi thành lập đến nay, PVCFC đơn vị vận hành quản lý Nhà máy Đạm Cà Mau đã cho ra đời 9 dòng sản phẩm. Và chỉ 2 năm sau khi có mặt trên thị trường vốn rất nhiều anh tài, DN này đã lọt tốp 100 DN Sao Vàng Đất Việt năm 2013.
Nếu tính từ ngày 30/1/2012 PVCFC cho ra mắt sản phẩm thương mại đầu tiên với tên gọi “Hạt ngọc mùa vàng” thì chỉ chừng 10 tháng sau đơn vị này đã cán mốc sản lượng 500 ngàn tấn; và đạt mốc 1 triệu tấn chỉ sau 15 tháng đi vào hoạt động. Đến 8/3/2017 vừa qua đơn vị này đã đạt mốc sản lượng 4 triệu tấn.
Đặc biệt hơn, chỉ gần 4 năm sau khi ra đời PVCFC đã tổ chức IPO thành công với tổng giá trị cổ phần là 1580 tỷ đồng, cùng 128.951.300 cổ phần đã được bán ra thành công.
Thừa nhận có lợi thế, cả Phó Tổng giám đốc PVCFC Nguyễn Đức Hạnh và giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau Đào Văn Ngọc đều cho rằng, lợi thế cạnh tranh của họ là đã có một đội ngũ những người lao động trí tuệ, tâm huyết và luôn đồng lòng vì sự phát triển chung, phù hợp với những giá trị cốt lõi mà chính những người thợ- những kỹ sư nơi đây đề ra: Ân cần thân thiện- Chuyên nghiệp sáng tạo- Trách nhiệm hài hòa.
Chẳng thế mà, quá trình xây dựng nhà máy Đạm Cà Mau có tổng dự toán 900 triệu đô la nhưng nhờ quản lý chặt chẽ trong quá trình triển khai dự án mà các kỹ sư nơi đây đã tiết kiệm cho Nhà nước tới 200 triệu đô la; cùng với đó là việc làm chủ công nghệ và “nội địa hóa” tất cả các cán bộ, kỹ sư tại các khâu trong quy trình sản xuất. Nhưng nói như thế không có nghĩa, Đạm Cà Mau và PVCFC không bị tác động bởi hạn chế của “người đến sau”.
Trưởng ban Tiếp thị Phạm Tuấn Sơn cho biết, kể từ khi dòng sản phẩm thương mại đầu tiên ra với thị trường, đến nay, nhà máy Đạm Cà Mau luôn vận hành ổn định từ 98- 100%.
Nhưng, có những khi cung-cầu cũng không khỏi bị ảnh hưởng bởi sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Rồi đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 cũng đã có những ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng đi sâu vào thị trường của sản phẩm đạm hạt đục của Cà Mau.
Hay như quá trình xây dựng hệ thống phân phối của một “đàn em” so với những “đàn anh” đi trước cũng đang khiến những người làm tiếp thị của PVCFC phải nỗ lực hơn tìm đường đi cho “Hạt ngọc mùa vàng”…
Khó khăn là vậy nhưng thương hiệu đạm Cà Mau vẫn được giữ vững tại các thị trường mục tiêu và mở rộng tại cá thị trường khác ở trong và ngoài nước.
Trong đó, đáng nể là việc Đạm Cà Mau giữ vững vị trí số 1 tại Đồng bằng sông Cửu Long, gia tăng thị phần tại khu vực Đông Nam bộ, Campuchia, Tây Nguyên và đang tìm hướng xâm nhập mạnh hơn vào các thị trường miền Bắc, miền Trung.
Từ những thành công ấy, PVCFC đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2017 là 5328 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 666 tỷ đồng, lợi nhuận sua thuế là 633 tỷ đồng và nộp NSNN 55 tỷ đồng.