Thốt nốt ở An Giang
Cữ này người dân ở vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn - tỉnh An Giang bắt đầu rộ vụ thu hoạch thốt nốt. Về đây những ngày này thấy rất nhiều người rủ nhau trèo cây hái trái, hứng nước nấu đường.
Hứng nước thốt nốt nấu đường.
Hái thốt nốt đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo nên công việc này thường dành cho cánh đàn ông trung niên. Vất vả là thế nên mọi người ở đây vẫn thường hay nói với nhau, đây là nghề “ăn dưới đất, làm trên trời”.
Nói nghề này dễ sống cũng đúng, nguy hiểm cũng chấp nhận. Bởi dễ là vì có nguồn nguyên liệu sẵn có. Còn khó là phải bám trụ kiếm sống bằng nghề leo trèo, ở trên cây giữa cái nắng chói chang tới vài tiếng đồng hồ, phó mặc sự sống, cho số mệnh may rủi.
Mỗi ngày, người hái thốt nốt sẽ trèo cây từ 1 đến 2 lần để hứng nước. Anh Kim Seng ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn cho biết, thông thường mùa nắng cây đực cho nước nhiều hơn cây cái. Mỗi lần trèo lên cây phải 6, 7 tiếng mới được một mẻ.
Để lấy được nước, người thợ phải làm thanh tre thủ công đóng vào thân cây thốt nốt để làm chỗ bám leo lên xuống. Sau đó, dùng kẹp tre ép hoa thốt nốt để tạo nước và chờ từng giọt nước từ hoa tích tụ chảy xuống các ống, ca nhựa được hứng sẵn…
Thường mỗi lần lấy nước xong, trong vòng 24 giờ phải thắng đường, để lâu hơn sẽ bị chua. Ở Tri Tôn người ta đắp lò đất, đặt chảo to rồi đổ nước thốt nốt vào nấu. Đường nấu xong đổ vào khuôn bằng ống tre, vài giờ sau đường đặc quánh. Trút ra, cắt khoanh, dùng lá thốt nốt gói bên ngoài như gói bánh tét.
Đường thốt nốt từ lâu đã là đặc sản không chỉ với người dân trong vùng mà còn với nhiều địa phương khác.
Theo người dân ở đây thì cây thốt nốt rất có giá trị kinh tế, vì có thể lấy nước nấu đường, ăn trái tươi và khai thác thân cây già làm đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất…mang lại cho người nông dân một nguồn thu nhập đáng kể.
Tại An Giang, khi nhiều làng nghề truyền thống khác bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định. Cùng với việc được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, An Giang có nhiều chính sách hỗ trợ để những hộ theo nghề nấu đường thốt nốt ở hai huyện có đông đồng bào Khmer là Tri Tôn, Tịnh Biên phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Nơi nhiều hộ làm đường thốt nốt nhất phải kể đến ấp Phú Nhứt, xã An Phú (huyện Tịnh Biên, An Giang). Chị Nguyễn Thị Lan cho biết công đoạn làm đường thốt nốt rất vất vả, mỗi 1kg đường thốt nốt được lấy từ 7 lít nước hoa thốt nốt đun sôi cô lại.
Chị bảo gia đình tôi theo nghề này từ nhiều đời lắm rồi. Ông cha tôi đều làm và tôi nối tiếp. Với khoảng 30 cây thốt nốt hiện có, gia đình tôi sản xuất khoảng 20 kg đường/ ngày, bỏ mối 20.000đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định.
Theo chị Sơ Rươn, xã Châu Lăng (Tri Tôn) thì cây cho nước tốt thì mẻ đường sẽ thơm ngon, dễ đánh, màu sắc đẹp, có thể dùng để đổ đường tán (đường cục). Nếu ít nước hoặc nước không trong thì chỉ dùng để nấu đường chảy.
Khi vào mùa rộ, có thể nấu 30-40kg đường/ngày, những tháng nghịch vụ thì chỉ được 4-5kg/ngày với giá 13.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình.
Ngoài đường tán và đường chảy, người ta còn chế biến đường gói lá cặp, đường gói lá lớn và đường bịch. Tuy nhiên, dù ở hình thức nào thì đường thốt nốt vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng, xứng đáng là đặc sản của vùng Bảy Núi.