Bánh ít lá gai Bình Định

Thanh Hà 27/04/2017 16:25

Món bánh ít được làm từ lá gai là một đặc sản của Bình Định. Dù có rất nhiều nơi làm ra món bánh này, nhưng riêng tại mảnh đất Tuy Phước, Bình Định, nó vẫn mang một nét rất riêng, hấp dẫn được cả những thực khách khó tính nhất.

Bánh ít lá gai nhân đỗ xanh dừa thơm ngon quyến rũ.

Người già có kể lại rằng, ngày xưa ở vùng đất này có một người đàn ông thường bán ở chợ loại bánh bằng bột nếp, gói trong lá chuối, nhưng chính ông cũng không biết tên bánh là gì, mọi người cứ gọi chung là bánh. Một hôm chỉ duy nhất có một người phụ nữ nói: bán cho tôi một ít bánh về cho mẹ chồng tôi ăn thử. Ông bán bánh ồ lên một tiếng: bánh đã có tên rồi- bánh ít.

Theo ông bán bánh, lâu nay người mua chỉ nói mua về cho con, không ai nói mua về cho mẹ, nay có duy nhất một người nói mua về cho mẹ chồng, ít có người hiếu thảo với mẹ chồng như vậy, nên tôi đặt tên là bánh ít, hay bánh hiếu thảo. Cái tên bánh thật ý nghĩa và cũng là tên gọi sau này của bánh ít lá gai ở Bình Định.

Làm bánh ít không khó nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm. Thành phần làm nên đặc trưng của bánh là lá gai - loại cây mọc nhiều ven bờ rào ở quê. Lá gai giúp cho bánh có màu xanh đen và mang lại hương vị rất đặc trưng.

Lá gai sau khi hái về, ngắt bỏ cuống, rửa sạch, cho vào luộc chín, vớt ra để ráo rồi cho vào cối giã nát, vắt lấy nước và trộn với bột nếp. Công đoạn này phải rất tỉ mỉ, bởi lá giã có nát, bột nhào có nhuyễn thì vỏ bánh mới mềm và ngon.

Bánh ít gai thường có nhân đậu xanh và dừa, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm. Bánh hấp chín, lớp da bánh màu đen bóng mịn với mùi thơm của lá gai hòa quện với vị ngọt bùi của nhân đỗ xanh và dừa vô cùng hấp dẫn.

Một chiếc bánh ít ngon được đánh giá là phải dẻo nhưng khi ăn thì không bị dính, có vị thơm của lá gai, vị dẻo của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dầu, vị bùi của đậu hòa quyện mà thành.

Ở những vùng quê của tỉnh Bình Định, đám giỗ nào cũng có bánh ít lá gai. Bánh cúng xong được dọn lên mâm cỗ làm món quà tráng miệng và làm quà bánh cho người ở nhà. Đây cũng là nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử của người Bình Định.
Trong các mâm cỗ dâng lên tổ tiên cũng không thể thiếu bánh ít.

Trong lễ cưới hỏi, hay ngày hồi dâu tức là sau ba ngày cưới cô dâu và chú rể cùng nhau trở về nhà vợ, trong mâm quả lễ vật bao giờ cũng phải có một quả bánh ít đầy,...Chính vì vậy, ở Bình Định có rất nhiều nhà làm bánh ít – những chiếc bánh thơm ngon, vô cùng hấp dẫn bất cứ ai lần đầu được thưởng thức.

Khi đi chơi xa hay thăm người thân, người Bình Định thường làm, hoặc mua vài ba chục bánh mang theo ăn dọc đường, hoặc để biếu, làm quà. Không biết tự bao giờ bánh ít lá gai đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực ở Bình Định.

Thanh Hà