Ba tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia ‘Đền ơn đáp nghĩa’
Ngày 27/4, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức lễ phát động đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Lễ phát động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ Việt Nam sáng 27/4.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường chủ trì. Đại diện ban đảng, Bộ ngành, các tổ chức thành viên, doanh nghiệp Trung ương, đại diện MTTQ một số tỉnh… cùng dự.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đọc lời kêu gọi hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).
9 triệu người có công được hưởng chính sách ưu đãi
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm vận động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ là việc làm đầy ý nghĩa, hoạt động trọng điểm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức năm 2017 - với chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa”, điều này cũng thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công với cách mạng.
“Đến nay, cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, có trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần còn có trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng”, ông Dung thông tin.
Bằng những việc làm thiết thực trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, sự hưởng ứng của các Bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, phong trào đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ.
“Những phong trào đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất tinh thần đối với thương bệnh binh, than nhân liệt sĩ và người có công”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Ông Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, trong thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, giúp cho họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân trong công tác đền ơn, đáp nghĩa.
Đặc biệt cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, đẩy mạnh hoạt động xã hội trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng”; tập trung thực hiện có hiệu quả các hoạt động tình nghĩa; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để các đối tượng chính sách tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống gia đình, xã hội; thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”…
Các cấp, các ngành tích cực hưởng ứng
Tại lễ phát động, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, hoạt động đền ơn đáp nghĩa là lẽ sống, đạo lý của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các cấp công đoàn cả nước. Trong những năm qua, cán bộ, CNVC cả nước đã tích cực triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn dành hàng ngàn tỷ đồng để chăm sóc hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi lễ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam và công đoàn cả nước cam kết triển khai tích cực, tổ chức các hoạt động thăm hỏi người có công, liệt sĩ, mẹ VNAH trong đợt cao điểm kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ.
Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm, đặc biệt khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại tỉnh Khánh Hòa và cam kết sẽ triển khai hiệu quả phong trào này.
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, 70 năm qua nhân dân ta đã không ngừng phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp luôn xác định công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, bà mẹ VNAH và những người có công với nước là nhiệm vụ chính trị thường xuyên.
Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng tích cực với các hoạt động phụng dưỡng, chăm sóc bà mẹ VNAH, xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, đỡ đầu con em của thương binh, liệt sĩ, trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách, người có công để các gia đình chính sách, người có công có mức sống đảm bảo bằng và hơn mức sống trung bình của nhân dân và cộng đồng dân cư.
Bà Lê Thị Kim Oanh nhấn mạnh, MTTQ thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên triển khai có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt trong năm 2016 - 2017 đã xây dựng kế hoạch vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà ở cho người có công, tu sửa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng…
Phối hợp rà soát thực hiện chính sách và giám sát thực hiện đối với người có công với cách mạng, hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp trong thành phố tham gia phối hợp, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công, phối hợp, huy động các nguồn lực để xây dựng, sửa 7.000 ngôi nhà cho người có công, phấn đấu toàn thành phố hoàn thành trước lễ kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ với mức 70 triệu đồng/nhà xây mới, 35 triệu đồng/nhà sửa chữa, trong đó NSNN hỗ trợ 57%, nguồn lực xã hội hóa đóng góp 43%.
Linh mục Trần Xuân Mạnh phát biểu tại buổi lễ.
Ở một góc độ khác, Linh mục Trần Xuân Mạnh, quyền Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho rằng, Tổ quốc được xây dựng bởi mồ hôi, nước mắt và xương máu của những người có công với đất nước.
Linh mục Trần Xuân Mạnh hy vọng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” sẽ được duy trì và phát triển với nhiều thành tựu nổi bật để những kết quả chăm lo, giúp đỡ thương binh, thân nhân liệt sĩ, Mẹ VNAH… năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước.
Quang cảnh buổi lễ.
Tập trung chăm lo người có công
Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đọc lời kêu gọi thực hiện 3 tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hưởng ứng 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ, thực hiện lời Bác Hồ căn dặn “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chào mừng các đại biểu tham dự buổi lễ.
Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi: Mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi gia đình không thuộc diện nghèo hãy bàn bạc và có một việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách.
Đặc biệt là: Không để một thương binh nào cần xe lăn mà không có xe lăn. Các con liệt sĩ và thương binh nặng chưa có việc làm đều được giúp đỡ phù hợp. Thêm nhiều căn nhà được xây mới hoặc sửa chữa cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam và gia đình chính sách.
Đơn vị tiếp nhận đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp. Đầu mối liên hệ là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí của cả nước hãy tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để máu của hơn 2 triệu liệt sĩ và thương binh đã thấm xuống đất ở Việt Nam, Lào và Campuchia 70 năm qua, để nước mắt của các bà Mẹ Việt Nam vì mất chồng, mất con đã chảy 70 năm qua, để nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam hơn 50 năm qua hiện hữu hơn nữa trong trái tim, khối óc của hơn 90 triệu người Việt Nam.
Cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho người có công hôm nay là trách nhiệm và vinh dự thiêng liêng của mỗi gia đình Việt Nam với quá khứ hào hùng của dân tộc và với tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau”, người đứng đầu Mặt trận nói.
Công đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam ủng hộ 80 triệu đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp nhận ủng hộ từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường chụp ảnh lưu niệm cùng các đơn vị tham gia ủng hộ.
Tại lễ phát động, hơn 50 tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 3,8 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn Trong hoàn cảnh đất nước ta còn nghèo nên mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc, song đến nay, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đề nghị MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tốt 4 mục tiêu: 1. Tổ chức hiệp thương, phân công trách nhiệm giữa MTTQ với các tổ chức thành viên trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước đối với người có công. Hướng các phong trào thi đua, các cuộc vận động về địa bàn cơ sở góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân trong đó có người có công với cách mạng. 2. Thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Phối hợp tổ chức thống kê, rà soát đối tượng người có công với cách mạng, đặc biệt cần quan tâm đến cả những đối tượng có khó khăn, những người bị thiệt thòi, những nạn nhân của chiến tranh, có hoàn cảnh đặc biệt… để từng bước đề xuất những chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn về xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; phương thức sản xuất; giống, vốn, cây trồng, vật nuôi… trên địa bàn, đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. 3. Động viên và phát huy vai trò gương mẫu, tích cực của người có công, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục truyền thống cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của các địa phương, đất nước. 4. Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 27/4/2017, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phát động đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đợt vận động cao điểm được tiến hành trong 3 tháng từ ngày 27/4/2017 đến ngày 27/7/2017, tôi mong muốn và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hưởng ứng thực hiện đợt cao điểm này. |